Khách nước ngoài bật mí lịch chơi Tết

0
5
Tục xin chữ đầu năm đã trở thành một nét đẹp trong văn hóa truyền thống của người Việt. Ảnh: Ngọc Thành.

Những điểm đến thú vị để chơi Tết Nguyên Đán là Hà Nội, TP HCM, Huế và Hội An.

Michael Aquino, đến từ Philippines, gợi ý lịch trình chơi Tết âm lịch tại Việt Nam.

Hà Nội

Thủ đô Hà Nội là một nơi có nhiều hoạt động dịp Tết. Khoảng một tuần trước Tết, người dân đến các chợ hoa để chọn những cành đào tươi tắn nhất về trang hoàng nhà cửa.

Vào ngày mùng 5 tháng Giêng âm lịch hàng năm, người dân khắp nơi lại đổ về lễ hội Gò Đống Đa để ôn lại những sự kiện lịch sử hào hùng đã diễn ra tại nơi đây. Trận đánh đã diệt tan đồn Khương Thượng của quân Thanh, mở đường cho đại quân Tây Sơn từ Ngọc Hồi thừa thắng tiến vào Thăng Long. Tương truyền, hoàng đế Quang Trung đã cho chôn xác quân thù vào 12 hố và đắp cao thành gò gọi là “Kình nghê quán”. 

Ngày mùng 6 Tết, du khách có thể dự Lễ hội Thành Cổ Loa, lễ rước truyền thống để tưởng nhớ Thục Phán An Dương Vương, vị vua Hùng thứ 18, người đã có công xây thành Cổ Loa, trị vì Âu Lạc trong 50 năm vào thế kỷ thứ 3 TCN. 

Trong những ngày đầu xuân, người dân còn có thể đến Văn Miếu Quốc Tử Giám để xin chữ của các ông đồ. Tùy theo nguyện vọng trong năm mới của người xin chữ mà các ông đồ sẽ cho chữ tương ứng. Tuy nhiên, phần lớn các ông đồ vẫn dựa vào thần sắc của người xin chữ mà cho chữ. Người đi học thường xin chữ Trí, Tài, Nhẫn, người kinh doanh sẽ xin Lộc, Tín, Tài…

Tục xin chữ đầu năm đã trở thành một nét đẹp trong văn hóa truyền thống của người Việt. Ảnh: Ngọc Thành.

Tục xin chữ đầu năm đã trở thành một nét đẹp trong văn hóa truyền thống của người Việt. Ảnh: Ngọc Thành.

Huế

Tục dựng cây nêu ngày Tết được tái hiện tại Kinh Thành Huế là một tập tục truyền thống có ý nghĩa quan trọng khi Tết đến của người dân cố đô. Theo quan niệm của người Việt xưa, từ ngày 23 tháng Chạp những vị thần giữ cửa sẽ quay về chầu trời. Thời gian này ma quỷ sẽ xuất hiện nhiều. Một cây nêu được triều đình dựng lên với ý nghĩa cầu cho mưa thuận gió hòa, tiếng chuông, khánh, phướn treo trên đỉnh sẽ xua đuổi ma quỷ.

Các nhà hàng và quán bar dọc theo phố Tây vẫn sẽ mở cửa trong suốt kỳ nghỉ Tết, phục vụ ẩm thực miền Trung mộc mạc và ẩm thực hoàng cung.

Hội An

Thị trấn nhỏ trên sông Thu Bồn này là một điểm dừng chân đón Tết Nguyên đán độc đáo của khách du lịch. Vào mùng 6 Tết, du khách có thể xem hội đua ghe trên sông Hoài, một nhánh của sông Thu Bồn. 

Lễ hội đèn lồng diễn ra một tuần trong suốt những ngày đầu năm chiếu sáng cả khu phố cổ từ cầu An Hội đến quảng trường sông Hoài. Du khách cũng được thưởng thức các buổi biểu diễn âm nhạc ngoài trời miễn phí, những lớp dạy làm đèn lồng, trò chơi dân gia, xem hát bài chòi…

Phố cổ Hội An lung linh trong đèn hoa đêm rằm
 
 

Phố cổ Hội An lung linh trong đèn hoa đêm rằm

Hội An lung linh ánh đèn lồng. Video: Amazing Things in Vietnam.

Thành phố Hồ Chí Minh

Lễ hội hoa biến phố đi bộ Nguyễn Huệ rực rỡ sắc màu của các loài hoa. Du khách có thể nhìn ngắm màn hình đèn LED trang trí với hoa, tác phẩm nghệ thuật và chương trình biểu diễn ánh sáng…

Vui chơi tại quận 1, du khách có thể dự Lễ hội sách diễn ra từ ngày mùng 1 đến ngày mùng 4 Tết trên phố Mạc Thị Bưởi, Nguyễn Huệ và Ngô Đức Kế. Hàng ngàn cuốn sách, tạp chí cũ cũng sẽ được trao đổi trong suốt mùa lễ hội. Tại quận 5, Chợ Lớn buôn bán đủ loại hàng hóa trang trí cho đến gia vị, bánh kẹo cho ngày Tết và bạn có thể tìm thấy bất cứ thứ gì mình muốn tại đây.

Khách nước ngoài mặc áo dài đi chơi Tết tại TP HCM. Ảnh: Tâm Linh.

Khách nước ngoài mặc áo dài đi chơi Tết tại TP HCM. Ảnh: Tâm Linh.

Trang Anh (Theo Trip Savvy)

Nguồn: Vnexpress.net