Ngày càng nhiều hàng quán, đền thờ Nhật Bản từ chối tiếp đoàn khách nước ngoài vì một số người hành xử quá thô lỗ.
Nhiều đền thờ tại Nhật Bản khẳng định đã rất nỗ lực song không thể ngăn chặn những vị khách vô ý thức, gây tổn hại tới danh tiếng của chốn tâm linh, theo Asahi Shimbun.
Điển hình là trường hợp của đền Nanzoin tại thành phố Sasaguri (tỉnh Fukuoka). Ban quản lý đền phải đặt những tấm biển bằng 12 thứ tiếng quanh khuôn viên và ga tàu gần đó để thông báo Nanzoin là nơi linh thiêng không chào đón khách nước ngoài đi theo đoàn.
Theo trụ trì đền Nanzoin, ông Kakujo Hayashi, 65 tuổi, vấn đề liên quan tới khách quốc tế nảy sinh khoảng 10 năm trước. Vào thời điểm đó, hàng ngày khoảng 20 – 30 xe chở người nước ngoài tới vãn cảnh đền Nanzoin.
Dòng người đổ xô tới đây khiến không gian hoàn toàn thay đổi. Vài khách bật nhạc ầm ỹ, một số té nước quanh thác nước thiêng nơi tăng ni Phật tử niệm chú, thậm chí có người trèo lên mái đền.
Đền Nanzoin vốn nổi tiếng với tượng Phật nằm khổng lồ mang tên Nebotoke-san. Ảnh: Japan Visitor. |
Dù các vị sư trong đền nhiều lần nhắc nhở du khách ý thức kém, những hành động vô phép tắc vẫn tiếp tục xảy ra, khiến người dân địa phương dần xa lánh nơi này.
Tháng 5/2016, đền Nanzoin quyết định dừng tiếp mọi đoàn khách ngoại quốc. Ban quản lý đền thông báo chính sách mới tới các công ty lữ hành và nhiều đơn vị trong ngành du lịch, yêu cầu một website của chính quyền thành phố phải xóa phần giới thiệu về đền.
Tuy vậy, điểm du lịch tâm linh này vẫn chào đón những khách nước ngoài không đi tour, do khách lẻ thường có ý thức tốt hơn. Ban quản lý nhấn mạnh rằng bất kỳ người Nhật nào cư xử thô lỗ cũng sẽ buộc phải rời khỏi đền.
“Chúng tôi chào đón mọi người tới đền, nhưng chỉ có giới hạn. Chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài áp dụng các biện pháp bảo vệ không gian linh thiêng này”, ông Hayashi nói.
Chính sách “không tiếp khách nước ngoài”
Một ông chủ quán nhậu izakaya tại Kyoto cũng khó chịu vì nhiều thực khách nước ngoài thường mang theo đồ ăn mua từ cửa hàng tiện lợi, lấy đĩa làm gạt tàn hay gẩy tàn thuốc lá xuống sàn. Khoảng ba năm trước, khách nước ngoài đã bắt đầu đặt kín bàn tại quán rượu này.
“Tôi muốn chính quyền Kyoto dừng mọi hoạt động quảng bá hướng tới khách nước ngoài”, ông nói.
Quán nhậu izakaya là không gian giao lưu được nhiều người Nhật yêu thích. Ảnh: Japan Guide. |
Tháng 8/2017, điện thờ Yatsushirogu ở thành phố Yatsushiro (tỉnh Kumamoto) phải tạm đóng cửa trong những ngày có du thuyền cập cảng gần đó. Lượng du thuyền thả neo tại cảng này tăng tới 65 chiếc, gấp 6 lần so với năm 2016, khiến khu vực quanh điện thờ rất đông đúc, đặc biệt trong dịp năm mới. Vài vị khách phàn nàn rằng họ “không thể cảm thấy sự tôn nghiêm” trong một không gian nhốn nháo như vậy.
Ban đầu, những người đứng đầu điện Yatsushirogu rất cố gắng để chiều lòng lượng khách nước ngoài ngày càng tăng, ví dụ như in thêm xăm viết bằng tiếng Trung. Nhưng cuối cùng, họ vẫn quyết định đóng cửa vào những ngày có du thuyền cập cảng.
“Chúng tôi không muốn gây rắc rối cho những người khác tới đây cầu nguyện”, theo Masataka Takehara, 42 tuổi, phó trụ trì điện Yatsushirogu.
Chính quyền Yatsushiro bất bình trước quyết định của các sư thầy và kêu gọi nơi này mở cửa trở lại. Giới chức thành phố phải làm việc để chuyển khách tới tham quan khu phố mua sắm gần cảng, huy động nhân lực nhắc nhở từng cá nhân ý thức kém và đặt nhiều biển báo tiếng Trung yêu cầu tuân thủ luật lệ.
Nhờ những nỗ lực không ngừng của chính quyền, điện thờ Yatsushirogu lại đón khách đi du thuyền từ tháng 1/2018. Những biện pháp can thiệp của thành phố tỏ ra hiệu quả khi không còn vấn đề nghiêm trọng nào xảy ra.
“Về cơ bản, chúng tôi sẽ không từ chối bất kỳ ai muốn ghé thăm điện thờ, nhưng khách tới đây cần hành xử chừng mực”, ông Takehara nói.
Vào thời hoàng kim có tới 15 ngôi đền giáo phái Tendai và Shingon bao quanh đền Yatsushirogu (trong hình). Ảnh: Japan Guide. |
Quan ngại về phân biệt đối xử
Noriko Matsunaga, giáo sư tại Đại học Nghiên cứu Văn hóa và Xã hội Kyushu, cho rằng các điện thờ, hàng quán tại Nhật Bản từ chối tiếp đón các đoàn khách nước ngoài không phải là hành vi phân biệt chủng tộc, do khách lẻ vẫn được chào đón.
Ông Matsunaga cho rằng khác biệt văn hóa chính là nguyên nhân của những rắc rối và bày tỏ mối quan ngại về tư tưởng bài ngoại có thể nảy sinh khắp đất nước. “Nếu người dân không còn hứng thú tiếp đón khách nước ngoài, xu hướng này có thể lan truyền. Điều quan trọng là tăng cường hiểu biết văn hóa giữa người dân các nước, và chính quyền cần ra chỉ thị người Nhật Bản chào đón khách nước ngoài”, Giáo sư Matsunaga nói.
Takao Ikado, Phó giáo sư Quản lý du lịch tại Đại học Kinh tế thành phố Takasaki, chỉ ra rằng chính du khách Nhật Bản cũng từng bị chỉ trích vì những hành động xấu xí ở nước ngoài trong quá khứ.
“Những người mới bắt đầu đi du lịch nước ngoài thường có điều kiện kinh tế khá giả, song lại thiếu kiến thức về các nền văn hóa khác”, ông Ik Ikado nói. “Chính quyền trung ương và địa phương cần nỗ lực để khách nước ngoài hiểu được các quy tắc nên tuân thủ ở Nhật Bản, ví dụ như giữ im lặng trong một số trường hợp và chú ý đến vệ sinh”.
Chính phủ Nhật Bản đã bắt đầu một cuộc khảo sát vào tháng 10/2018 để tìm hiểu về những vấn đề tồn tại ở các điểm du lịch. Xứ sở hoa anh đào kỳ vọng thu hút tới 40 triệu lượt khách nước ngoài đến Nhật Bản vào năm 2020.
Đầu năm nay, Nhật Bản bắt đầu áp dụng “sayonara tax” (thuế chia tay) 1.000 yen, tương đương 9,3 USD. Loại thuế mới này được áp dụng với cả du khách nước ngoài lẫn người Nhật Bản khi rời nơi đây bằng máy bay hoặc tàu biển.
Nguồn: Vnexpress.net