Hơn 2.000 km và 14 ngày băng qua thảo nguyên Tây Tạng

0
17
Hon 2.000 km va 14 ngay bang qua thao nguyen Tay Tang hinh anh 1

Rong ruổi trên hành trình dài hơn 2.000 km, ê ẩm, mỏi nhừ, nhưng bù lại tôi đã được mãn nhãn ngắm nhìn khung cảnh bao la, tuyệt đẹp của Tây Tạng.

Hon 2.000 km va 14 ngay bang qua thao nguyen Tay Tang hinh anh 1

Thảo nguyên Tây Tạng huyền bí hiện lên qua ô cửa xe

Tọa lạc phía đông bắc dãy Himalaya, trên độ cao trung bình 4.900 m so với mực nước biển, khu tự trị Tây Tạng (Trung Quốc) được mệnh danh là “Mái nhà của thế giới”. Với khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, hùng vĩ, nơi đây trở thành đích đến lý tưởng cho những người đam mê chinh phục, yêu thích trải nghiệm. Trong hành trình khám phá vùng đất mơ ước này, chúng tôi dành phần lớn thời gian cho việc di chuyển. Qua ô cửa của chiếc xe vượt đường dài, tôi cảm thấy thế giới hoang sơ, vắng vẻ ngoài kia dường như thật huyền bí. Những đỉnh núi quanh năm phủ tuyết trắng, những dải đất khô cằn không gì có thể mọc, những thảm cỏ úa vàng trên thảo nguyên mênh mông, bao la… tất cả như một bức tranh nối tiếp nhau, cuộn tròn, dài vô tận giữa mùa đông khắc nghiệt. Trong khung hình đó, chúng tôi hệt một nét chấm tròn nhỏ bé, băng qua những mênh mông núi đồi, lọt thỏm giữa thiên nhiên hùng vĩ. Thi thoảng, tôi tưởng như mình có thể bị không gian rộng lớn này nuốt chửng, bay biến bất cứ lúc nào. 

“Con đường mây trắng” dẫn đến vùng đất thiêng của các Lạt Ma

Cuốn sách Con đường mây trắng của Govinda đã thôi thúc tôi trên chặng đường chinh phục mảnh đất huyền bí. Trong đó, nhà văn có viết: “Không ai có thể tiếp tục sống đời chật hẹp, cả về vật chất lẫn tâm hồn khi đã nhìn thấy và cảm nhận sự bao la, hùng vĩ của rặng Tuyết Sơn”. Từ thủ phủ Lhasa của Tây Tạng, chúng tôi di chuyển hơn 1.200 km theo đường bộ về hướng Tây để đến với ngọn núi thiêng Kailash. Với độ cao hơn 5.600 m so với mực nước biển và những trở ngại lớn như không khí loãng, nhiệt độ âm, tuyết rơi… việc đi vòng quanh núi Kailash 3 ngày đêm là một thử thách khó khăn với du khách. Để chinh phục hành trình này, bạn phải có sức khỏe, tính bền bỉ, khả năng chịu áp lực cao. Bởi vậy, rất nhiều người đã phải bỏ cuộc và lựa chọn một điểm đến khác dễ dàng hơn. Tôi cũng không ít lần trăn trở những câu hỏi “Đi hay chuyển hướng?, Kailash hay tính mạng của mình?, Không lẽ bản thân sẽ chẳng bao giờ thực hiện được điều đó?…”. Cuối cùng, sự đam mê chinh phục đã chiến thắng trong tôi. Vượt qua quãng đường 60 km nguy hiểm với nhiều đèo, vách đá, suối khe, nghỉ đêm và ăn uống lây lất tại các nhà tạm… tất cả sẽ là kỷ niệm đáng nhớ của tôi trong hành trình này. Ngoài ra, nếu đến đây, bạn cũng có thể ghé thăm những tu viện, các thánh hồ như Yamdrok, Manasarovar, Namtso…

Chiêm nghiệm cuộc sống đời thường của người Tây Tạng

Trên vùng đất cao nhất thế giới với khí hậu quanh năm khắc nghiệt, sự yêu đời, lạc quan, giản dị của người dân Tây Tạng đã để lại trong lòng tôi những ấn tượng khó phai. Em bé Tạng mặt lấm lem bùn đất, ngây thơ nhìn vị khách lạ lẫm với đôi mắt đen trong veo, nụ cười hồn nhiên và làn da cháy sạm bởi cái nắng hanh khô của miền thảo nguyên. Chiếc xe công nông chuyên dụng chạy khắp vùng quê vang lên âm thanh nghe rộn rã, bình yên đến lạ. Người nông dân chăm chỉ cày bừa dưới cánh đồng khô cằn sỏi đá. Tất cả đều thu hút ánh nhìn của tôi. Nền kinh tế Tây Tạng chủ yếu là nông nghiệp tự cấp với các loại lương thực như đại mạch, thịt bò và trà bơ. Mặc dù là quê hương của người Tạng, nơi đây cũng tập trung các dân tộc khác như Môn Ba, Khương, Lạc Ba, Hán, Hồi. Càng đi sâu vào trong làng, tôi càng cảm nhận rõ sự bình yên, cuộc sống thú vị, khác lạ, đậm đà bản sắc văn hóa của người Tạng hơn. Chẳng hiểu sao tôi thấy yêu những con người nơi đây đến thế, chắc có lẽ bởi sự thuần túy, mộc mạc, gần gũi toát lên từ dáng vẻ bề ngoài đặc biệt của họ. 

Nguồn: News.zing.vn