Hoang đảo Anatahan – nơi 30 người đàn ông cung phụng một bà hoàng

0
82

Hòn đảo tí hon giữa Thái Bình Dương Anatahan là nơi diễn ra câu chuyện tình éo le của những con người “mắc kẹt” hàng năm trời.

Một ngày cuối tháng 11/1952, 1.000 người Nhật Bản tập trung ở bến cảng thành phố Yokohama để đón tàu sân bay Chitose Maru. Đám đông hiếu kỳ mong ngóng một phụ nữ trên tàu, Kazuko Higa. Từ boong tàu, Kazuko rướn người qua lan can nhìn xuống phía dưới, tất cả vỡ òa. Có điều gì đó về người đàn bà trong bộ kimono ấy mê hoặc mọi ánh mắt hướng về mình, nhưng chắc chắn đó không phải là nhan sắc. Cô bé nhỏ, nhan sắc trung bình với gương mặt góc cạnh có phần nam tính, theo Japan Times.

Thế nhưng, trước khi Kazuko xuất hiện trước công chúng, khắp các mặt báo đã ca ngợi cô là “bà hoàng” của Anatahan, một hòn đảo Thái Bình Dương – nơi người phụ nữ bé nhỏ này cai trị 31 người lính từng tham gia Thế Chiến thứ hai.

Kazuko xuất hiện trên hàng loạt mặt báo. Ảnh: Japan Times.

“Đảo dừa” Anatahan 

Thuộc quần đảo Bắc Mariana trên Thái Bình Dương, Anatahan có diện tích vẻn vẹn 33 kilomet vuông với một ngọn núi lửa còn hoạt động. Những nhà truyền giáo Tây Ban Nha lần đầu tiên đặt chân lên hòn đảo vào năm 1668. Họ đã đưa phần lớn thổ dân bản địa Chamorro rời khỏi đây và lập nên một đồn điền trồng dừa với sản lượng khoảng 125 tấn mỗi năm vào cuối thế kỷ 19.

Anatahan nhìn từ trên cao. Ảnh: Flickriver.

Năm 1899, người Tây Ban Nha bán Anatahan cho Đức, rồi một lần nữa hòn đảo lại sang tay người Nhật sau Thế Chiến thứ nhất. Chính phủ Nhật Bản cải tạo hòn đảo và cử Kikuichiro Higa tới đây giám sát 45 công nhân người Chamorro ở đồn điền. Ngài Kikuichiro chỉ định cấp phó Shoichi Higa tới hỗ trợ, người này đưa theo cô vợ trẻ Kazuko Higa.

Kazuko Higa năm 1950. Ảnh: Lib Web Hawaii.

Không bao lâu sau, Thế Chiến thứ hai nổ ra, bom đạn như bỏ quên Anatahan giữa biển khơi. Nhưng Shoichi lo cho sự an nguy của em gái đang sống ở Saipan, một hòn đảo khác trong quần đảo Bắc Mariana cách Anatahan khoảng 120 km về phía bắc. Shoichi lên đường tìm em, hứa với vợ sẽ quay lại trong vòng một tháng, nhưng mãi mãi không trở về. Kazuko Higa sống cô đơn từ đó và nhanh chóng “kết hôn” với sếp của chồng. 

Cuộc sống của đôi vợ chồng son vẫn êm đềm cho đến một buổi sáng tháng 6/1944, không quân Mỹ bắn hạ ba chiến hạm của Nhật ở ngoài khơi Anatahan. Tàu đắm, 31 lính hải quân bơi vào bờ. Họ được đốc công Kikuichiro cùng Kazuko, người phụ nữ duy nhất trên đảo, tiếp đón.

Những người lính Nhật không có lựa chọn nào khác ngoài dựng lều ở lại hòn đảo, nơi họ có thể sống thoải mái với trái cây, rau củ, thịt cá… và chưng cất rượu dừa. Họ dùng than đánh dấu những ngày lễ trên bảng lịch tự tính, đón năm mới bằng cách treo những trái cọ khắp lều. 

Bên trong một căn lều của những người lính. Ảnh: LIFE.

Chiến tranh không ảnh hưởng đến hòn đảo, trừ vụ một chiếc máy bay ném bom hạng nặng B-29 của quân đội Mỹ rơi xuống hòn đảo. Trong đống đổ nát, những người lính tranh cướp súng đạn còn sót lại, lấy sắt thép tự chế xoong, nồi, bát, đĩa, dao, gia cố lều… thậm chí làm quần áo từ nhiều chiếc dù chưa mở.

Những chiến lợi phẩm lấy từ chiếc máy bay rơi. Ảnh: Lib Web Hawaii.

Tháng 2/1945, lực lượng quân đội Mỹ từ các hòn đảo lân cận được cử đến Anatahan để đưa thi thể phi hành đoàn B-29 về căn cứ, và giải cứu những thổ dân cuối cùng làm trong đồn điền trồng dừa. Họ báo cáo lại với cấp trên về một khu trại có 32 người đàn ông và một phụ nữ đang sống trên Anatahan. Khi quân đội Nhật đầu hàng vào tháng 8/1945, máy bay Mỹ rải truyền đơn lên quần đảo thông báo rằng chiến tranh đã kết thúc. Những người lính cho rằng đây là một trò bịp, họ vẫn trang bị vũ khí và sẵn sàng chiến đấu bất kỳ lúc nào.

Một cuộc “bể dâu”

Bão tố chỉ thực sự nổi lên khi ông Kikuichiro qua đời sau một trận ốm vào năm 1946. Kazuko thế chỗ chồng mình, trở thành người cai trị hòn đảo. Dù không có sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành, Kazuko cũng được tôn thờ như “bà hoàng” bởi cô là bóng hồng duy nhất trên đảo. Những người đàn ông mong muốn có được cô, hơn cả những khẩu súng lục của không quân Mỹ.

“Trên hòn đảo thưa thớt những rặng dừa, Higa trở thành ong chúa – nguồn cơn của say mê, tình yêu, lòng thù hận và những âm mưu sát hại”, AP nhận định.

Tướng Ishida, người chỉ huy có quân hàm cao nhất trên đảo, hy vọng có thể xóa bỏ cuộc cạnh tranh ngấm ngầm của cấp dưới, bằng cách chỉ định một người kết hôn với Kazuko. Người chồng mới chết đuối bí ẩn không lâu sau đám cưới.

Kazuko kết duyên với bốn người nữa, song họ lần lượt bị sát hại dã man. Tổng cộng 11 người đàn ông đã chết, 6 trong số đó tử vong sau những cuộc ẩu đả vì Kazuko. Một nạn nhân được tìm thấy với 13 vết đâm trên người.

Tháng 7/1950, những người đàn ông lên kế hoạch hành quyết Kazuko, bởi cho rằng cô đã gây ra quá nhiều rắc rối. Được cảnh báo trước, Kazuko bỏ trốn và được một chiến hạm Mỹ giải cứu sau vài tuần.

Trở về Nhật, Kazuko bỗng thành người của công chúng khi dư luận rầm rộ trước câu chuyện lạ lùng của “Bà hoàng trên đảo Anatahan”. Cô tận hưởng những cuộc vui trong hàng loạt hộp đêm giữa lòng Tokyo.

Khi công chúng không còn mặn mà với những câu chuyện trên đảo, Kazuco trở về quê nhà ở Okinawa. Tại đây, cô bất ngờ gặp lại người chồng đầu tiên – ông Shoichi, và tái hôn sau hơn một thập niên xa cách. Họ sống thầm lặng bên nhau cho tới cuối đời trong căn nhà nhỏ ở Okinawa.

Những người lính cuối cùng

Năm 1951, gần 20 người lính cố thủ tại Anatahan thêm một năm, kể từ khi “bà hoàng” của họ rời đi. Quân đội Mỹ tiếp tục rải truyền đơn, phát loa phóng thanh thông báo rằng chiến tranh đã chấm dứt từ 1945, song những người lính không suy chuyển.

Hải quân Mỹ yêu cầu gia đình những người lính này viết thư khuyên nhủ họ hãy quay về. Tháng 1/1951, phía Mỹ gửi lá thư của Thống đốc tỉnh Kanagawa ra đảo. Phải đến ngày 8/6 năm ấy tình thế mới bắt đầu suy chuyển. Một chiến hạm của Mỹ thả 200 lá thư kèm ảnh của gia đình những người lính vào bãi biển Anatahan. Những thứ này khiến sĩ quan Junji Inoue đồng ý quay về đất liền. Junji là người đầu tiên tiết lộ 6 trong số hơn 30 người đàn ông đã chết vì đánh nhau tranh giành một người phụ nữ trên đảo – điều Kazuko chưa từng kể. Sĩ quan này cũng cho rằng, những người còn lại trên đảo bị một thủy thủ 26 tuổi kiểm soát, anh ta sở hữu súng máy.

Những thông tin này khiến lực lượng hải quân Mỹ thận trọng khi quay lại hòn đảo vào ngày 30/6/1951, dù trước đó họ đã rải tờ rơi yêu cầu những người còn lại trên đảo tập trung ở bãi biển lúc 10h sáng. Nhưng hải quân Mỹ ngạc nhiên khi thấy những người lính vẫy cờ trắng xin hàng. 

Katsusaburo Usui, một sĩ quan cấp cao, đại diện nói: “Chúng tôi đã gây nhiều rắc rối cho người Mỹ. 6 năm trôi qua kể từ khi Nhật Bản đầu hàng, nhưng chúng tôi không biết điều đó. Chúng tôi thực sự xin lỗi”, theo tạp chí LIFE phát hành ngày 16/7/1951.

Những cú sốc không chỉ dừng lại với tin bại trận của quân đội Nhật Bản. 19 người lính trở về quê nhà ở Nippon, chịu đựng những mất mát sâu sắc khi mắc kẹt trên hoang đảo. Bặt tin suốt 7 năm, 5 trong số họ biết vợ mình đã tái giá vì nghĩ chồng hy sinh ngoài mặt trận.

Một trong số 19 người lính được đưa khỏi đảo. Ảnh: LIFE.

Chuyện tình Anatahan trong nghệ thuật

Câu chuyện của Kazuko trên hoang đảo truyền cảm hứng cho nhà làm phim Josef von Sternberg vào năm 1951. Ông lập tức bay đến Nhật Bản để tìm hiểu và xây dựng kịch bản xoay quanh Kazuko, với hình mẫu như một phụ nữ thao túng đàn ông để mua vui cho chính mình.

Trong khi đó, nhà văn Kaoru Ohno lại đem đến một góc nhìn khác với tiểu thuyết hư cấu “Cage on the Sea” (Chiếc lồng trên biển) xuất bản năm 1998. Câu chuyện được kể qua lời của James B. Johnson, tướng về hưu của hải quân Mỹ từng có mặt trên đảo Anatahan vào ngày 19 người lính Nhật xin hàng. Câu chuyện khép lại với bức tranh về bi kịch cuộc đời Kazuko khi cô trở về đất liền với ánh hào quang sớm tắt, cô trở thành gái bán hoa và sống trong nghèo đói. “Bà hoàng” của Anatahan qua đời ở tuổi 51 khi đang nhặt rác để mưu sinh, như hàng triệu người dân Nhật Bản khác đang chật vật với cuộc sống hậu chiến tranh.

Anatahan ngày nay

Khi những người lính cuối cùng rời đi, một nhóm nhỏ người dân trên quần đảo Bắc Mariana tới Anatahan định cư. Họ được di tản sau trận động đất vào năm 1990. Từ đó hòn đảo không có người sinh sống, ngọn núi lửa duy nhất cũng phun trào hai lần vào năm 2003 và 2008. 

Núi lửa phun trào trên đảo Anatahan năm 2003. Ảnh: NOAA.

Hiện du khách chỉ có thể đến Anatahan bằng thuyền và trực thăng, di chuyển từ những hòn đảo lân cận trong quần đảo Bắc Mariana. Một hành trình bằng du thuyền Okeanos Marianas đang được thử nghiệm để khám phá nơi này, bao gồm điểm dừng chân Anatahan, khởi hành từ giữa tháng 3.

Ông Peter Perez thuộc tổ chức địa phương OSST, nhận định: “Chúng tôi muốn các thuỷ thủ trải nghiệm vùng biển này trước khi mở những chuyến tham quan thường xuyên cho công chúng”.

Chính quyền địa phương dự đoán du thuyền Okeanos Marianas sẽ thay đổi cục diện phát triển du lịch sinh thái trong quần đảo Bắc Mariana. Họ hy vọng sẽ phát triển hạ tầng trên đảo Anatahan, do nơi đây bị bỏ hoang từ năm 1990.

Phạm Huyền

Nguồn: Vnexpress.net