Hồ nước trong sạch nhất thế giới

0
9
Là một phần của Vườn Quốc gia Hồ Nelson ở Đảo Nam của New Zealand, hồ Blue nhận nước từ hồ Constance gần đó nhờ một hệ thống sông ngầm. Ảnh: Klaus Thymann /Project Pressure.

New Zealand Nằm trong một công viên quốc gia, Blue Lake giữ danh hiệu hồ nước trong sạch nhất thế giới.

Năm 2011, Viện nghiên cứu nước và khí quyển quốc gia New Zealand (NIWA) thực hiện các thử nghiệm khoa học và cho rằng Blue là hồ tự nhiên trong nhất trong những nguồn nước ngọt mà con người từng biết đến. 

Theo kết quả nghiên cứu của NIWA, tầm nhìn trong hồ xa tới hơn 80 mét, tức có thể coi nước của hồ Blue “trong” như nước cất. Hồ này có sắc xanh tím đặc trưng chỉ tồn tại ở vùng nước tự nhiên trong vắt. Thử nghiệm sâu hơn cho thấy hồ Blue cũng trong hơn hầu hết nước biển trên Trái Đất, trừ một số khu vực của Nam Thái Bình Dương quanh đảo Tahiti và đảo Phục Sinh.

Là một phần của Vườn Quốc gia Hồ Nelson ở Đảo Nam của New Zealand, hồ Blue nhận nước từ hồ Constance gần đó nhờ một hệ thống sông ngầm. Ảnh: Klaus Thymann /Project Pressure.

Là một phần của Vườn Quốc gia Hồ Nelson ở Đảo Nam, hồ Blue nhận nước từ hồ Constance gần đó nhờ một hệ thống sông ngầm. Ảnh: Klaus Thymann /Project Pressure.

Hồ Blue nằm ở độ cao 1.200 mét so với mực nước biển, do đó nước trong hồ luôn lạnh 5 – 8 độ C. Hàng trăm năm qua, Ngati Apa ki te Ra To – một tộc người Maori bản địa, coi nó là một trong những hồ nước thiêng liêng với tên gọi Rotomairewhenua, hay hồ nước của những vùng đất yên bình.

Theo truyền thống, thổ dân Maori dùng nước trong hồ Blue để rửa xương của những người đàn ông quá cố trong bộ tộc. Xương của phụ nữ đã được làm sạch trong hồ Constance gần đó. Nghi lễ tiễn những linh hồn sang thế giới bên kia được thực hiện trên hành trình từ hồ Blue, dọc theo một con đường thiêng, đến mũi đất Farewell. Hài cốt cuối cùng được mai táng trong thung lũng Sabine.

Kiley Nepia, quản lý văn hóa của tộc người Maori trên Đảo Nam, nói rằng ông cảm nhận được mối kết nối tâm linh với hồ Blue khi lần đầu tới đây. “Tôi thực sự hiểu vì sao tổ tiên của chúng tôi đã chọn hồ nước đó để thực hiện các nghi lễ. Khi đến đó, bạn sẽ có cảm giác thanh thản thực sự. Như nước rửa tội, hay nước phước của nhà thờ, đây là những vùng nước thánh đối với người dân Ngati Apa ki te Ra To,” Nepia nói.

Gần như hồ Blue không bị những tán cây che khuất. Ảnh: Klaus Thymann /Project Pressure.

Gần như hồ Blue không bị những tán cây che khuất. Ảnh: Klaus Thymann /Project Pressure.

Tầm nhìn xa nhất dưới lòng hồ là 81,4 mét, và ổn định ở mức 70 – 80 m. Tiến sĩ Rob Davies-Colley, nhà khoa học của NIWA, cho biết: “Tôi nghĩ không có quá nhiều khác biệt giữa nước của hồ Blue với nước tinh khiết. Và nếu bất cứ nơi nào có nước trong hơn, nó chỉ có thể trong hơn một chút”.

Vì sao nước hồ Blue lại trong vắt đến vậy vẫn là một bí ẩn. Nước đến từ hồ Constance qua một dòng sông ngầm và đổ xuống từ những con suối cao khoảng 35 m so với hồ Blue. Tuy nhiên, hồ Constance ở độ cao 1.335 m gần như không trong đến vậy.

Do đó, dòng nước giữa hai hồ phải trải qua quá trình lọc tự nhiên dưới lòng đất.  Các nhà khoa học tin rằng nước đi qua sỏi băng từ kỷ băng hà cuối cùng (khoảng 12.000 năm trước) và các mảnh vụn từ những vụ lở đất. Những lớp vật chất này hoạt động như một cái sàng lọc các hạt và chất hữu cơ trong nước. Hồ Blue cũng có cơ chế tự bảo vệ khi nó xả nước ba ngày một lần, có nghĩa là bất kỳ chất dinh dưỡng hay ô nhiễm nào cũng bị cuốn trôi.

Hồ Blue có thể bị đục tạm thời khi những trận mưa lớn rửa trôi đất đá vào lòng hồ, nhưng sau vài ngày nước lại trong như cũ. Ảnh: Klaus Thymann /Project Pressure.

Hồ Blue có thể bị đục tạm thời khi những trận mưa lớn rửa trôi đất đá vào lòng hồ, nhưng sau vài ngày nước lại trong như cũ. Ảnh: Klaus Thymann /Project Pressure.

Lượng du khách đến hồ Blue đã tăng dần kể từ năm 2011 khi nghiên cứu của NIWA được công bố. Thực tế phải mất ít nhất hai ngày để du khách đến hồ Blue theo cung đường leo núi Travers-Sabine dài 80 km, đi qua cánh rừng yên tĩnh giữa những đỉnh núi cao 2.000 m. Nếu không muốn đi bộ, du khách có thể ngắm nhìn hồ Blue từ trực thăng Reid Helicopters Nelson trong vườn quốc gia.

Tuy nhiên, năm 2013, nhà môi trường người Đan Mạch, Klaus Thymann, đã được thổ dân Māori, NIWA và Cục Bảo tồn New Zealand cấp phép lặn dưới hồ Blue nhằm mục đích bảo tồn.

Bảo Ngọc (Theo Guardian, Stuff)

Nguồn: Vnexpress.net