Ngày đầu mặc lên mình bộ đồ bảo vệ, anh Võ Phá Luân (40 tuổi, hướng dẫn viên du lịch) có chút buồn, xen kẽ là hạnh phúc vì đã không bế tắc khi ế tour, có thể tự tìm cách xoay xở qua mùa dịch.
Tốt nghiệp ngành Sư phạm Anh văn, anh Võ Phá Luân (quê Vĩnh Long) làm việc cho nhiều khách sạn lớn ở Cần Thơ với các vị trí khác nhau. Sau thời gian dài theo đuổi, nhận thấy không phù hợp với công việc ngồi một chỗ, năm 2009 anh xin xuống tàu hạng sang, công việc hướng dẫn viên du lịch bắt đầu từ đó.
Nhưng cột mốc để chính thức gắn bó với nghề của anh Luân là vào cuối năm 2013, khi anh chuyển hẳn lên TP.HCM sinh sống và bắt đầu làm hướng dẫn viên tự do cho các công ty du lịch chuyên đưa khách nước ngoài vào tham quan Việt Nam.
Được dẫn tour là đam mê
Ngày mới lên TP.HCM làm hướng dẫn viên du lịch tự do, anh Luân thường được các công ty giao dẫn đoàn gia đình, nhóm khách dưới 10 người để thử thách năng lực. May mắn, thời điểm đó khách nước ngoài đến Việt Nam rất đông nên anh luôn kín tour vào mùa cao điểm (từ tháng 10 năm nay đến tháng 4 năm sau).
|
Anh nói mình được tổ nghề đãi nên công việc thuận buồm xuôi gió, tour tuyến liên tục lại không gặp phải rắc rối hay câu chuyện gì khó xử lý suốt 11 năm theo nghề. Thời gian đầu, anh chủ yếu dẫn tour đi Đồng bằng sông Cửu Long, sau này nhận được nhiều phản hồi tích cực từ khách hàng, anh được các công ty cho dẫn đoàn tới 50 khách, số ngày trong tour cũng kéo dài từ 10 – 15 ngày.
Anh Luân tâm sự: “Điều khác biệt nhất của làm khách sạn với làm hướng dẫn viên du lịch đó là tôi được thoải mái nói, thoải mái giới thiệu về văn hóa, ẩm thực, con người Việt Nam với du khách quốc tế. Họ nghe xong tỏ ra thích thú và muốn hỏi nhiều hơn, sâu hơn, tôi lại càng hạnh phúc vì họ cảm nhận được những điều dân dã ở Việt Nam mà đất nước họ không có”.
|
Theo anh Luân, hướng dẫn viên du lịch là nghề mang đến cho anh nhiều cơ hội tiếp cận với kiến thức mới, học hỏi không ngừng nghỉ mỗi ngày để có thêm kiến thức, từ đó thuyết minh lại cho khách của mình.
Anh so sánh, khi làm ở khách sạn, anh chỉ việc hướng dẫn lối đi, giải đáp các thắc mắc của khách, nhưng khi làm hướng dẫn viên, anh phải tìm hiểu hết về địa lý, lịch sử của mọi miền đất nước, khí hậu trong năm, 3 miền khác nhau thế nào để nói cho khách nghe. Đặc biệt, đi đến vùng miền nào cũng phải biết được thế mạnh của nơi đó là gì, câu chuyện văn hóa, thói quen bình dị nhất của người dân hằng ngày ra sao…
|
“Mỗi chuyến đưa khách đi là một trải nghiệm, tôi càng thêm thích thú với nghề, làm liên tục mà không thấy mệt mỏi. Vì vậy, chuyện nghỉ tour một thời gian dài đúng là một cú sốc, nhưng không phải là không thể vượt qua”, anh bộc bạch.
Nắng mưa giao chả chay
Từ 15.3, không còn tour dẫn khách nước ngoài đi tham quan Việt Nam nữa, anh chạy xe về Vĩnh Long ở cùng gia đình. Hết giãn cách xã hội, cuối tháng 4 dù chưa có tour nhưng anh vẫn quyết định lên lại TP.HCM.
Chạy xe lòng vòng ngoài đường, anh tính bán cà phê mang đi tại một ngã tư nào đó. Mà chạy tới chạy lui thấy xe cà phê đang quá nhiều, phần lại nghĩ đây chỉ là công việc chữa cháy chứ không liên quan gì đến chuyên ngành tiếng Anh, nên anh lại tìm kế hoạch khác.
|
Sau vài ngày suy nghĩ, anh gọi điện thoại về quê nhờ mẹ và vợ gói chả lụa chay từ tàu hũ ky để anh khởi nghiệp bán hàng online. Đăng bài trên trang cá nhân, anh được nhiều người quen, bạn bè ủng hộ, anh kiêm luôn shipper.
“Mỗi đòn chả 0,5kg có giá 50.000 đồng, ai ở xa trung tâm thì tôi lấy thêm ship 10.000 đến 15.000 đồng, mua 2 – 3 đòn thì tôi miễn tiền ship luôn. Mấy hôm đầu đi giao chả toàn trúng ngày nắng gắt hoặc mưa tầm tã, trong đầu tôi vẫn luôn nghĩ về nghề hướng dẫn viên. Nhưng tôi vui vì bản thân không bị nản, không ngồi một chỗ than thở mà đã tự xoay xở, tự cứu lấy mình. Cầm tiền từ khách mà tôi rơi nước mắt khoe với bạn bè, người thân”, anh Luân tâm sự.
|
Ngoài người quen đặt trên mạng xã hội, anh Luân tìm đến các cửa hàng bán đồ chay nhỏ để giới thiệu sản phẩm và bán thêm trong chương trình Điểm hẹn hướng dẫn của Chi hội hướng dẫn viên du lịch TP. Mỗi tuần, anh bán được khoảng 30kg chả.
Một mình ở Sài Gòn, công việc lại không ổn định, vợ anh sợ anh bị sốc, mất phương hướng nên liên tục động viên, hỏi thăm. Nhưng với bản lĩnh sau nhiều năm trong nghề, anh vẫn bình tâm để giải quyết mọi việc.
Tìm lối ra bằng nghề bảo vệ
Thấy anh rao bán chả chay trên mạng xã hội, một người quen giới thiệu anh đến công ty nước ngoài đang tuyển bảo vệ biết nói tiếng Anh. Sau buổi phỏng vấn và một tháng thử việc, ngày 10.8 vừa qua khi trở thành nhân viên chính thức anh đã đăng ảnh mặc đồ bảo vệ lên trang cá nhân.
Anh kể, nhiều bạn bè vào mừng cho anh vì có nghề với thu nhập ổn định mùa dịch này, một số khác thì ngạc nhiên hỏi về thu nhập giữa hướng dẫn viên và bảo vệ, đồng thời khâm phục nghị lực của anh.
|
“Chính tôi khi mặc bộ đồ đó đứng trước gương còn cảm thấy lạ lẫm, hơi buồn. Mà đó là lựa chọn của tôi, tôi cũng muốn thử xem, ngoài làm hướng dẫn viên du lịch ra, tôi có đủ khả năng làm công việc bảo vệ này hay không. Nghề nào thì cũng là nghề, vợ hỏi tôi làm nổi không, tôi nói cho tôi thời gian, công việc nào cũng có cái hay của nó”, anh Luân chia sẻ.
Công việc của anh bắt đầu từ 6 giờ sáng và kết thúc vào 18 giờ mỗi ngày. Vì là công ty nước ngoài nên anh chủ yếu theo dõi việc kiểm tra, hướng dẫn giờ giấc, bảo đảm an toàn, tài sản của công ty.
“Hướng dẫn viên du lịch nào cũng mong dịch qua để quay trở lại với nghề, nhưng vậy không có nghĩa việc làm hiện tại là tạm bợ cho qua ngày. Theo tôi, dù là công việc gì cũng phải kèm theo tâm huyết thì mọi chuyện sẽ diễn ra một cách tự nhiên”, anh Luân nói.
Tin liên quan
- Trắng đêm cùng gia đình bé Gia Bảo đoàn tụ
- Giải cứu thành công bé trai 2 tuổi bị bắt cóc ở Bắc Ninh
- Những khoảnh khắc vắng đến lạ giữa Sài Gòn sáng cuối tuần
Nguồn: Thanhnien.vn