‘Hành trình sinh tử’ của HDV Việt và đoàn khách đi Nhật

0
7
Chị Thư chụp ảnh lưu niệm tại núi Phú Sĩ, năm 2016.

Động cơ máy bay phát ra tiếng “khực”, 10 phút sau cơ trưởng thông báo chuyến từ Nhật về hạ cánh khẩn cấp ở Đà Nẵng thay vì Sài Gòn.

Chị Trần Thị Trang Thư có 24 năm làm nghề hướng dẫn viên. Dưới đây là chia sẻ của chị về hành trình Nhật Bản cách đây hơn 3 năm.

Kỷ niệm trong đời làm hướng dẫn viên có rất nhiều, nhưng tôi không thể nào quên được chuyến đi 7 ngày 6 đêm ở Nhật Bản, mà mình gọi trong nhật ký là “hành trình sinh tử”.

Chúng tôi từ Sài Gòn đến Tokyo vào những ngày cuối tháng 3/2016. Đoàn gồm hơn 30 người, tham quan các điểm đến nổi tiếng tại Osaka, Kyoto và Tokyo. Mùa xuân ở Nhật Bản rất đẹp. Hoa anh đào nở rộ khắp các nẻo đường. Hành trình tưởng chừng đã khép lại tốt đẹp với sự hài lòng của tất cả du khách, cho đến lúc lên máy bay trở về.

Chị Thư chụp ảnh lưu niệm tại núi Phú Sĩ, năm 2016.

Chị Thư chụp ảnh lưu niệm tại Nhật năm 2016.

Đoàn tạm biệt mùa xuân Nhật Bản tại sân bay quốc tế Narita, Tokyo. Chuyến bay của một hãng quốc tế quá cảnh ở Hong Kong trước khi đưa chúng tôi về Sài Gòn. Lúc máy bay đang ở giữa Đà Nẵng và Nha Trang, thì bỗng mọi người nghe ba tiếng “khực, khực, khực” vang lên trong khoang hành khách.

Tiếng động phát ra rất trầm, nên ít ai nghĩ rằng đó là một sự cố. Khoảng 10 phút kế tiếp, hành khách được thông báo máy bay sẽ hạ cánh khẩn cấp xuống Đà Nẵng thay vì Tân Sơn Nhất.

Mọi người ngơ ngác hỏi nhau chuyện gì đang xảy ra. Khi được biết một động cơ máy bay gặp trục trặc, nỗi sợ hãi, căng thẳng và hoảng loạn xâm chiếm đầu óc tôi. 24 năm trong nghề, tôi hiểu lỗi động cơ là một trong những sự cố nguy hiểm nhất của ngành hàng không. Nhiều câu hỏi liên tục xuất hiện trong đầu: liệu máy bay có rơi? liệu chúng tôi có thoát chết? tôi phải làm gì để lo do cho tính mạng du khách?… Thời gian chờ hạ cánh là những giây phút nín thở, căng thẳng tột độ.

May mắn thay, nhờ cơ trưởng giàu kinh nghiệm, nhận định chính xác và quyết định kịp thời, máy bay đã hạ cánh an toàn trước khi chuyện tệ hơn xảy đến. Tất cả chúng tôi vỡ oà khi biết vừa thoát chết trong gang tấc. Cơ trưởng chuyến bay hôm ấy, như ân nhân cứu mạng tôi và nhiều người.

Xem thêm: HDV Việt kể những kỷ niệm khó quên khi đưa khách đến Mỹ

Chị Thư (cầm cờ) và đoàn du khách bị kẹt lại tại Đà Nẵng sau sự cố. Trong ảnh, đoàn chụp ảnh tại Chùa Cầu, Hội An. 

Chị Thư (cầm cờ) và đoàn du khách bị “kẹt” lại sau sự cố. Họ tham quan Chùa Cầu, Hội An trong thời gian chờ chuyến đưa về Sài Gòn. 

Xuống Đà Nẵng, nhiều người muốn về lại Sài Gòn ngay trong đêm nhưng không được mà phải chờ một hoặc hai ngày sau. Những kỹ năng, kinh nghiệm được tôi luyện hơn 20 năm được dịp phát huy. Với sự hỗ trợ của công ty Vietravel, tôi tiếp tục đưa những khách kẹt lại đi tham quan Đà Nẵng.

Hành trình lần ấy, ấn tượng không chỉ là những bông hoa anh đào nở rộ ở Nhật hay khung cảnh thơ mộng của núi Phú Sĩ, mà còn là hình ảnh từng người trong đoàn bịn rịn, ôm chặt lấy nhau mỗi lần có người ra cửa hải quan để về Sài Gòn. Dù biết nhau chỉ vỏn vẹn chưa đến 10 ngày, chúng tôi chẳng muốn rời, như thể thân nhau từ rất lâu rồi.

Trải qua hàng trăm chuyến bay, không nhớ nổi số lần phải giải quyết vấn đề phát sinh trong tour, nhưng đây là kỷ niệm thót tim nhất mà tôi vẫn nhắc đi nhắc lại mỗi khi có ai đó hỏi về nghề nghiệp của mình.

Một lần nữa, tôi được nghề dạy cho cách xử lý các vấn đề phát sinh bất ngờ, cách cư xử, thái độ làm việc chuyên nghiệp, hay cách làm sao để trấn an cho từng du khách, và hơn hết là bài học đón nhận những rủi ro mà nghề này mang lại.

Phong Vinh ghi

Nguồn: Vnexpress.net