Với độ cao hơn 3.000 m, Pu Ta Leng là ngọn núi cao thứ hai tại Việt Nam và trở thành điểm trekking trong mơ của nhiều phượt thủ ưa mạo hiểm. Gần đây, một nhóm phượt đã chinh phục và gắn cột mốc ghi nhận độ cao tại đây.
Nằm trên dãy Hoàng Liên Sơn, đỉnh Pu Ta Leng không được biết đến nhiều do địa hình hiểm trở, phức tạp nên từ lâu vắng dấu chân người. Những bạn mê trekking có thể đến xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường để bắt đầu hành trình chinh phục Pu Ta Leng trong khoảng thời gian từ 3 đến 4 ngày.
Nơi đây không có đường mòn dễ đi mà phải men theo các sườn núi với những tảng đá nhiều kích thước khác nhau. Nhìn xuống phía dưới là những thác nước chảy róc rách qua khe đá. Con đường đi lên rất dốc và nguy hiểm với những đoạn nhỏ hẹp mà nếu bước hụt có thể sẽ lăn xuống vực sâu hàng trăm mét.
Tại độ cao 2.900m, phía xa là đỉnh Pu ta leng. Ảnh: Khoa Lê |
Càng lên cao, bạn sẽ thấy xuất hiện những tầng rừng cây nguyên sinh che phủ. Độ ẩm cao khiến rêu phủ lên đá, càng gây khó khăn trong việc đi lại do trơn trượt. Nhiều đoàn đã phải bỏ cuộc ở trạm 2.500 m vì thời tiết không thuận lợi. Mưa xuống làm đất mềm ra, dính đầy dưới chân khiến người leo núi nhanh đuối sức.
Đứng ở độ cao 2.900 m, bạn sẽ thấy những biển mây bay là là trên những ngọn núi phía trước. Từng cơn gió thổi xào xạc lay động những cánh rừng tre. Chỉ cần phóng tầm mắt ra phía trước là thấy đỉnh Pu Ta Leng hiện ra. Tuy nhiên để đến nơi đó, bạn vẫn phải tiếp tục cất bước leo cao.
Để ghi lại dấu ấn đã đặt chân đến điểm cao này, những đoàn leo núi chinh phục đỉnh Pu Ta Leng thường mang theo cờ Tổ quốc treo vào thân tre nhỏ, sau đó cột vào cây đỗ quyên. Trước cảnh tượng này, một người leo núi có tên Trần Quang Hải còn nảy sinh ý tưởng làm một chiếc chóp bằng inox gắn lên ngọn núi, đánh dấu độ cao và trở thành vật kỷ niệm trong chuyến chinh phục lần đầu.
Người leo núi treo cờ Tổ quốc trên cây đỗ quyên tại độ cao 3.049m. Ảnh : Phạm Danh |
Sau khi trình bày ý tưởng và được anh em, bạn bè đều nhất trí ủng hộ, mỗi người cùng nhau góp tiền để làm chiếc chóp. Danh sách còn bao gồm cả bậc cao niên ngoài 70 tuổi.
Vốn làm ở phòng Kỹ thuật tại Công ty Điện lực Quảng Ninh, anh Hải cùng các thành viên khác vẫn phải mất nhiều lần chỉnh sửa mẫu thiết kế rồi mới thuê gia công. Sau ba ngày, hai đêm băng rừng lội suối, trèo bám vách đá, người leo núi này cùng 4 thành viên khác – chủ yếu là dân bản địa hỗ trợ khuân vác cũng thành công.
Chiếc chóp trị giá 5 triệu đồng được làm bằng inox 304 với ba mặt là hình tam giác cân. Ảnh: Trần Quang Hải |
Đặt chân tới nơi cao nhất của đỉnh Pu Ta Leng – nơi các phượt thủ vẫn hay chụp hình, nhóm đã bắt tay vào việc phát quang xung quanh, đào hố chôn cột chóp. Sau khi căn chỉnh các góc đúng hướng, xi măng và đá được trút xuống hố để cố định sản phẩm.
Giờ đây, những đoàn leo núi tới Pu Ta Leng đã có mốc để chụp hình lưu niệm giống chiếc chóp inox trên đỉnh Fansipan. Thành quả này có được là nhờ hành động thầm lặng mà đoàn leo núi đã thực hiện.
Nguyễn Sỹ Đức
Nguồn: Vnexpress.net