Trung Quốc phải giới hạn lượng khách tham quan để bảo vệ sông băng Bạch Thủy – nơi có trữ lượng nước ngọt lớn trên thế giới.
Tiếng nứt lớn xé tan màn sương khi một tảng băng rơi xuống, xẹt qua người Chen Yanjun, một nhà địa lý, khi anh đang khởi động thiết bị định vị GPS. Nhiều mảnh khác tiếp tục rớt khỏi Bạch Thủy – một trong những sông băng tan nhanh nhất thế giới trên núi tuyết Ngọc Long, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.
“Chúng ta nên rời khỏi đây thôi. An toàn là trên hết”, Chen nói với các thành viên trong đoàn khảo sát. Anh bước đi trên một dải đất cằn bị băng giá bao phủ. Giờ đây, những tảng đá lộ ra, rải rác có các bình ôxy bị khách du lịch bỏ lại khi đến thăm tấm thảm băng nằm ở độ cao 4.570 m này, AP đưa tin ngày 21/10.
Du khách tại khu tham quan sông băng Bạch Thủy. Ảnh: AP. |
Ban quản lý khu thắng cảnh Núi tuyết Ngọc Long cho biết, có tới 2,6 triệu lượt khách tham quan nơi này mỗi năm. Trong một ngày bình thường, họ ghi nhận hàng trăm khách leo lên cầu thang gỗ qua lớp sương mù để chụp ảnh với dòng sông băng.
Để bảo vệ sông băng, chính quyền giới hạn 10.000 lượt khách tham quan một ngày và cấm đi trên băng. Giới chức địa phương đang lên kế hoạch sản xuất tuyết và chặn các dòng suối để tăng độ ẩm, làm giảm quá trình băng tan.
Yang Shaofeng, bảo vệ khu thắng cảnh, đã chứng kiến Trái đất nóng lên thế nào khi nhìn vào sự biến đổi của núi Ngọc Long, ngọn núi thiêng với người dân tộc Naxi như anh.
Chen Yanjun (trái) đứng cùng Wang Shijin trên đỉnh núi Ngọc Long. Ảnh: AP. |
Người đàn ông này nhớ rằng mình từng có thể nhìn thấy điểm thấp nhất của sông băng từ bản làng mình, nay đã không còn. “Giờ chúng tôi phải leo lên cao mới thấy chúng”, anh buồn bã nói khi nhìn du khách xếp hàng dài để khắc tên lên những huy chương in hình sông băng.
Tuy nhiên, du khách có tên Hou Yugang tỏ ra lạc quan về tình trạng băng tan trên Bạch Thủy: “Tôi không nghĩ đó là chuyện bây giờ, vì còn rất lâu mới tới lúc đó”.
Thực tế, sông băng Bạch Thủy nằm gần xích đạo và chịu tác động của biến đổi khí hậu rất rõ rệt. Nó đã mất 60% diện tích và sụt 250 m từ năm 1982, theo nghiên cứu trên tạp chí địa lý Journal of Geophysical Research năm 2018.
Những biến đổi trên sông băng Bạch Thủy tạo cơ hội để nâng cao nhận thức của khách du lịch về hiện tượng ấm lên toàn cầu, theo Wang Shijin, Giám đốc Trạm nghiên cứu quan sát môi trường và băng tuyết núi Ngọc Long.
Du khách có thể mượn áo ấm, bình oxy để giữ sức khỏe ở độ cao 4.570 m. Ảnh: AP. |
Sông băng Bạch Thủy nằm trên bờ đông nam của Cực Thứ ba của Trái đất – một vùng ở Trung Á với trữ lượng băng lớn thứ ba thế giới sau Nam Cực và Greenland. Nó có kích thước bằng cả bang Texas và New Mexico (Mỹ) gộp lại.
“Đây là một trong những nguồn nước ngọt lớn nhất trên thế giới”, theo Ashley Johnson, Giám đốc chương trình năng lượng tại Cục Nghiên cứu Châu Á – một tổ chức phân tích tại Mỹ. “Tùy vào cách nó tan, rất nhiều nước ngọt sẽ từ đây đổ ra biển, ảnh hưởng lớn tới an ninh nước và lương thực”.
Cực Thứ ba tác động tới cuộc sống của hàng tỷ người, từ Việt Nam đến Afghanistan. 10 con sông lớn nhất châu Á từ Dương Tử, Hoàng Hà, Mekong cho tới sông Hằng đều phụ thuộc vào băng tan theo mùa từ đây.
Nguồn: Vnexpress.net