Tháng 4 về, Hà Nội như trong trẻo hơn với sắc loa kèn trắng ngần trên phố. Giữa những loài hoa rực rỡ sắc màu, loa kèn tinh khôi tựa thiếu nữ Hà thành xưa, dịu dàng và e ấp.
Sắc trắng tháng 4
Cuối xuân, khi tiết trời còn vương chút se lạnh, hè đã vội gõ cửa với hương thơm dịu dàng và sắc trắng tinh khôi của những đóa loa kèn. Không kiêu sa, chẳng rực rỡ nhưng màu hoa ấy lại khiến lòng người bâng khuâng, thao thức. Giữa dòng đời hối hả, bỗng dưng, ta muốn dừng lại, ôm vào lòng những “nhành tháng tư” đang khép nụ, chờ ngày đơm hoa.
Loa kèn và thiếu nữ
Loa kèn, hay còn gọi là huệ tây, là loài hoa nhập ngoại được người Pháp đưa vào Việt Nam và ban đầu chỉ trồng ở Đà Lạt. Nhưng chẳng ai biết từ bao giờ, hình ảnh loa kèn lại khiến người ta nhớ về Hà Nội. Cũng chẳng ai rõ vì sao người dân xứ Kinh Kỳ lại yêu loài hoa này đến thế. Những bông hoa trắng điểm nhị vàng tinh khôi và e ấp tựa thiếu nữ đôi mươi khép mình sau tán lá khiến ta nhớ đến bức họa sơn dầu của cố danh họa Tô Ngọc Vân. Dường như, hoa cũng đang nhuộm màu nỗi nhớ.
Hoa báo hè
Mỗi năm, loa kèn chỉ nở một lần, mỗi lần chỉ vỏn vẹn khoảng một tháng. Hoa thường nở vào đầu tháng giao giữa mùa xuân và mùa hạ nên còn được gọi với cái tên: Hoa báo hè. Càng về cuối mùa, tiết trời ấm lên, những bông hoa cũng trở nên to và đẹp hơn. Dưới nắng, loa kèn trong veo, vươn mình đón lấy tháng 4 xanh mướt.
Vương quốc loa kèn
Trước đây, tại Hà Nội, loa kèn được trồng nhiều nhất ở làng hoa Tây Tựu và Quảng Bá. Các vườn cung cấp hoa chủ yếu hiện nay ở Tây Tựu, Hạ Mỗ và các huyện ngoại thành. Trong nội thành, người ta trồng loa kèn thành từng vườn cho khách đến tham quan, chụp ảnh. Sau mỗi vụ, người trồng hoa sẽ để nguyên gốc. Đến tháng 5-6, họ sẽ đào củ và cất đi. Sau đó một tháng, họ lại mang ra trồng. Trước đây, mùa thu hoạch thường rơi vào cuối tháng 3, đầu tháng 4. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, khí hậu thay đổi. Do đó, loa kèn cũng nở sớm hơn. Một số năm, đầu tháng 3, người trồng hoa đã có thể thu hoạch.
Nguồn: News.zing.vn