Góc tối lộ ra từ vụ khách Mỹ chết trên đảo của bộ tộc Ấn Độ

0
12
John Chau được cho là đã bị người Sentinel bắn tên đến chết khi lên đảo Bắc Sentinel. Ảnh: IG.

Cái chết của John Chau trên đảo Bắc Sentinel một lần nữa dấy lên lo ngại về nạn khách ‘đi chui’ để tiếp xúc với các bộ tộc bí ẩn.

Những thổ dân Sentinel – một trong những bộ tộc sống tách biệt cuối cùng trên thế giới – bị cho là đã lấy mạng John Allen Chau khi phượt thủ Mỹ này đặt chân lên hòn đảo của họ giữa Ấn Độ Dương từ giữa tháng 11.

Cảnh sát cho hay, Chau đã trả 25.000 rupee (khoảng 354 USD) để thuê 6 ngư dân và một hướng dẫn viên đưa anh ra đảo Bắc Sentinel. Các báo cáo cho rằng chàng trai 27 tuổi này muốn truyền đạo Cơ đốc cho bộ tộc.

John Chau được cho là đã bị người Sentinel bắn tên đến chết khi lên đảo Bắc Sentinel. Ảnh: IG.

John Chau có thể đã bị người Sentinel bắn tên đến chết khi lên đảo Bắc Sentinel. Ảnh: IG.

Lo ngại khách “đi chui”

Nhà báo Omkar Khandekar nhận định trên BBC rằng những gì xảy ra với John Chau một lần nữa dấy lên những lo ngại về nạn khách du lịch lén lút tiếp xúc với các bộ tộc trên quần đảo Andaman, Ấn Độ.

Quần đảo này là nơi năm bộ tộc thiểu số “đặc biệt dễ tổn thương” sinh sống, gồm Jarawa, Sentinel, Great Andaman, Onge và Shompen. Thổ dân Sentinel chưa tiếp xúc nhiều với thế giới bên ngoài, khiến họ trở thành điều bí ẩn, gây tò mò với nhiều người.

Đầu năm nay, Bộ Nội vụ Ấn Độ công bố chính sách miễn giấy phép cho người nước ngoài tới các khu vực cấm trên 29 hòn đảo. Trong đó có 2 đảo thuộc quần đảo Andaman và 9 đảo thuộc Nicobar – lãnh địa của những bộ tộc “đặc biệt dễ tổn thương”, gồm cả người Sentinel. Tuy nhiên, nếu tới đây với mục đích du lịch, người ngoài vẫn phải xin phép chính quyền địa phương và cơ quan kiểm lâm.

Denis Giles, biên tập viên của tờ báo địa phương Andaman Chronicles, cho biết: “Quyết định thay đổi chính sách trên là đơn phương, không qua tham vấn các địa phương. Thay vì thực hiện các biện pháp có thể dẫn đến phát triển du lịch liên quan tới các bộ tộc, chính phủ cần duy trì việc kiểm soát nhưng không can thiệp từ trước đến nay”.

Đầu tháng 11, Ủy ban Quốc gia của các bộ tộc Ấn Độ nhận định quyết định nới lỏng giấy phép cần được cân nhắc lại.

Thực trạng

Du lịch thổ dân là khái niệm mô tả hoạt động thăm một nơi để gặp hoặc quan sát những bộ tộc thiểu số nhằm mục đích giải trí hơn là nghiên cứu nhân chủng học. Với một số người theo đuổi loại hình du lịch này, họ khao khát khám phá thế giới, hoặc mong muốn có những trải nghiệm đích thực có tính đột phá. Dù có tác động tiêu cực, du lịch thổ dân lại đang nở rộ trên quần đảo Andaman. Hiện tại, có 500.000 du khách tới thăm nơi này mỗi năm.

Ông Manish Chandi, công tác tại Phòng Môi trường Andaman Nicobar, cho hay rất nhiều du khách từng cố gắng tiếp cận người Sentinel, bằng cách hối lộ và thuê các ngư dân địa phương đưa họ ra đảo.

“Trong khoảng thời gian 2013-2014, một thương nhân đến từ Mumbai (Ấn Độ) đã bị Lực lượng Bảo vệ Bờ biển bắt khi đi tàu câu cá tiếp cận hòn đảo. Những du thuyền chở khách nước ngoài thường đi qua đảo, nhưng lực lượng tuần tra bờ biển luôn có mặt để ngăn cản và đảm bảo không tàu thuyền nào được phép ở lại”, ông Chandi nói.

Đảo Bắc Sentinel vào ngày 22 tháng 11 năm 2018. Ảnh: Cảnh sát Andaman và Nicobar.

Đảo Bắc Sentinel cách biệt với thế giới bên ngoài. Bức ảnh trên được chụp vào ngày 22/11, khi các lực lượng tiếp cận hòn đảo nhằm tìm kiếm phượt thủ Mỹ John Chau. Ảnh: Cảnh sát Andaman và Nicobar.

“Nhiều người háo hức muốn thấy các bộ tộc. Chúng tôi đã thực hiện một số biện pháp để ngăn chặn. Cảnh sát thường xuyên tuần tra các khu vực cấm”, ông Ram, Giám đốc Sở Bảo vệ Phúc lợi của các bộ tộc Ấn Độ, bày tỏ. Tuy nhiên, ông cũng đề cập đến khả năng có người đột nhập thành công vào lãnh thổ của các bộ tộc, do phạm vi kiểm soát rất rộng.

Chính sách ảnh hưởng trực tiếp đến các bộ tộc

Dù chính phủ Ấn Độ khẳng định du khách nước ngoài cần xin giấy phép để đến khu vực của người Jarawa và hòn đảo Bắc Sentinel, các chuyên gia bảo tồn văn hóa bộ tộc đánh giá thay đổi chính sách có thể là dấu hiệu cho thấy những khu vực giới hạn sẽ thực sự mở cửa cho du khách.

Hai công ty tour lớn tại Ấn Độ mà BBC liên hệ đã phủ nhận tình trạng đưa khách tiếp xúc với thổ dân trên các hòn đảo. M. Vinod, Chủ tịch hiệp hội Công ty Tour trên quần đảo Andaman, khẳng định chưa có khách nào từng đề nghị tiếp xúc với các bộ tộc: “Cảnh sát tuần tra thường xuyên và mọi hoạt động đi qua khu vực bảo tồn các bộ tộc đều bị giới hạn”.

Ông Vinod cho rằng sự việc xảy ra với John Chau chỉ là trường hợp thiểu số khi tồn tại kẽ hở an ninh. “Nới lỏng chính sách tới các khu vực cấm là động thái tốt cho ngành du lịch. Chính phủ có toàn quyền quyết định họ muốn quảng bá cho hòn đảo nào”, ông nhận định về việc phát triển du lịch trên các khu vực nhạy cảm, gồm cả đảo Bắc Sentinel.

Bi kịch của “vườn thú người”

Hiện chưa có hạ tầng giao thông kết nối trực tiếp với hòn đảo Bắc Sentinel – cách thủ phủ Port Blair của quần đảo Andaman và Nicobar khoảng 50 km. Lực lượng Bảo vệ Bờ biển cũng thường xuyên tuần tra quanh hòn đảo này để đảm bảo du khách chỉ đi thuyền trong khu vực vịnh Bengal.

Cũng sống trên quần đảo Andaman, tới nay thổ dân Jarawa không có cuộc sống tách biệt như người Sentinel. Bộ tộc Jarawa ở trong một khu rừng bảo tồn rộng 1.028 km2 nằm giữa miền nam và giữa quần đảo.

Thổ dân Jarawa có làn da sẫm màu, thân hình nhỏ bé và cũng từng bắn những mũi tên kim loại về phía bất kỳ người lạ nào tới quá gần. Tới năm 1998, mọi thứ thay đổi khi bộ tộc này chào đón thế giới bên ngoài. Cánh rừng nơi họ sinh sống được khoanh vùng trở thành khu bảo tồn.

Để gặp bộ tộc này, nhiều du khách sẵn sàng bắt chuyến xe dài 2 tiếng từ Port Blair tới đảo Baratang, vùng đất nhiều hang đá vôi và núi lửa. Trục đường chính dài 230 km trên đảo Andaman (ATR) sẽ đưa du khách xuyên qua khu rừng của người Jarawa – nơi đã trở thành “vườn thú người”.

Theo Survival International, từ thời điểm đó, người Jarawa phải đối mặt với nhiều mối đe dọa từ thế giới bên ngoài. Những kẻ săn trộm đã vào rừng và bắt động vật hoang dã – nguồn sống chủ yếu của thổ dân Jarawa. Chúng cưỡng bức phụ nữ của bộ tộc, cho thổ dân uống rượu, sử dụng cần sa.

Bộ tộc này cũng đã đi xa khỏi khu rừng của mình, vào những ngôi làng bao quanh với hy vọng cướp được gạo và những thứ được cho là có giá trị khác như bánh quy, chuối, và quần áo màu đỏ, New York Times đưa tin.

  

Năm 2013, Tòa án Tối cao của Ấn Độ đã ban hành lệnh đóng cửa trục đường ATR, sau khi một nhà báo quay video cảnh sát buộc 6 phụ nữ Jarawa nhảy múa cho du khách xem. Tòa án rút lại quyết định trên sau 7 tuần, khi chính quyền địa phương gửi thông cáo đảm bảo không cho phép du khách tham quan và các cơ sở kinh doanh hoạt động trong khu vực của người Jarawa. 

Manish Chandi, chuyên gia có 19 năm nghiên cứu các hòn đảo tại Ấn Độ, nhận định: “Chính quyền từ lâu vẫn ưu tiên sinh kế của người dân địa phương. Sau phán quyết của tòa án, địa phương đã mở tuyến phà từ Port Blair ra đảo Baratang”.

Ông Manish cho rằng đây là một động thái khôn ngoan, bởi chính quyền địa phương có thể nói rằng họ đã tạo ra phương án thay thế cho đường ATR, và quyết định sử dụng tuyến đường nào sẽ phụ thuộc vào du khách. “Phần lớn du khách vẫn chọn di chuyển bằng đường bộ”, ông nói.

Góc tối lộ ra từ vụ khách Mỹ chết trên đảo của bộ tộc Ấn Độ
 
 

Góc tối lộ ra từ vụ khách Mỹ chết trên đảo của bộ tộc Ấn Độ

Du khách tới xem “vườn thú người” tại khu rừng của bộ tộc Jarawa vào năm 2012. Dù chính phủ Ấn Độ ban lệnh cấm xe dừng lại và du khách không được quay phim – chụp ảnh, nhiều du khách vẫn xếp hàng dài chờ đợi gặp gỡ người Jarawa. Video: Al Jazeera.

Nguồn: Vnexpress.net