Góc khuất trong những trại trẻ mồ côi ‘dụ’ khách trên thế giới

0
12
Kate van Doore đã giúp đỡ nhiều trẻ em khi lập quỹ Forget Me Not. Ảnh: Thomson Reuters Foundation News.

Nhiều em nhỏ vẫn còn bố mẹ ở Nepal, Uganda… được đưa vào trại trẻ để nhận tiền, quà của du khách.

Nếu gõ cụm từ “volunteer orphanage abroad” (tình nguyện viên tại trại trẻ mồ côi nước ngoài”, bạn sẽ tìm thấy hơn 800.000 kết quả – chủ yếu từ các hãng lữ hành. Tại Anh, có ít nhất 30 công ty tour có chương trình gửi tình nguyện viên tới các trại trẻ mồ côi, theo Tourism Concern. Dù có ý tốt, khách du lịch phương Tây làm thiện nguyện tại các trại trẻ mồ côi châu Á lại chính là nhân tố khiến trẻ em bình thường phải rời xa gia đình.

Điển hình là trường hợp của Sinet Chan, sống trong một trại trẻ mồ côi ở Campuchia. Có nhiều điều về cô bé 9 tuổi này bị giấu trước những du khách ghé thăm em. Khi họ trở về khách sạn, máy ảnh đầy bộ nhớ và thiện ý tốt hoàn thành, họ vẫn hoàn toàn không biết mình vừa ủng hộ cho ai.

“Ông chủ cho chúng cháu ăn mặc rách rưới để khách thương cảm khi nhìn thấy và quyên tặng nhiều tiền hơn. Nhưng họ không hề biết điều gì xảy ra trong trại trẻ này”, Chan nói. Cô bé này chỉ là một trong số khoảng 16.500 đứa trẻ sống trong 406 trại trẻ mồ côi ở Campuchia, theo khảo sát của UNICEF vào năm 2017. Và phần lớn bọn trẻ không hề mồ côi. Thực trạng này không chỉ xảy ra ở Campuchia, mà còn tiếp diễn tại nhiều quốc gia đang phát triển khác trên thế giới – từ châu Phi tới châu Á.

Năm 2006, luật sư người Australia, Kate van Doore, lập ra tổ chức từ thiện Forget Me Not và điều hành một trại mồ côi ở Kathmandu, thủ đô Nepal, cùng hai người bạn. Bốn năm sau, họ mở một trại trẻ mồ côi mới ở Uganda. Doore dần nhận ra những đứa bé đang được giúp đỡ lại không hề mất bố mẹ. “Tất cả vỡ lở khi bọn trẻ lần lượt tiến lên và nói ‘Cháu không mồ côi’. Các em hỏi tôi: Giờ cháu có thể về nhà với mẹ không?”, cô nhớ lại.

Mồ côi trên giấy tờ

Khoảng 80% trong số 8 triệu trẻ em trong các trại mồ côi và tổ chức cộng đồng vẫn còn cha mẹ, theo Lumos, tổ chức từ thiện của nhà văn J.K. Rowling, tác giả Harry Potter. Tổ chức này đặt mục tiêu đến năm 2050 không còn trẻ em sống trong những trại như vậy trên thế giới.

“Thật kinh khủng khi phát hiện ra những đứa trẻ này bị lạm dụng để kiếm lời. Tôi cảm thấy kinh hoàng và quyết tâm thay đổi thực trạng này”, luật sư Doore nói với Reuters.

Kate van Doore đã giúp đỡ nhiều trẻ em khi lập quỹ Forget Me Not. Ảnh: Thomson Reuters Foundation News.

Kate van Doore đã giúp đỡ nhiều trẻ em khi lập quỹ Forget Me Not. Ảnh: Thomson Reuters Foundation News.

Những kẻ buôn người tìm thấy cơ hội kiếm tiền béo bở từ những trại trẻ mồ côi – nơi thu hút một lượng tiền từ thiện lớn từ những cá nhân, chính phủ, tổ chức từ thiện…

Tại các quốc gia đang phát triển, từ Campuchia đến Haiti, những trại trẻ mồ côi mọc lên như nấm, các địa chỉ này cần có trẻ em sống ở đây. Các chuyên gia nhận định những tay buôn thường dụ dỗ người nghèo ở vùng sâu vùng xa, hứa hẹn cho con cái của họ cơ hội học hành. Chúng làm giấy tờ giả, đặt tên mới cho các em nhỏ, đưa chúng vào trại để thu hút nhà hảo tâm và du khách nước ngoài.

Luật sư Van Doore cho biết, nữ mục sư điều hành trại trẻ mồ côi Uganda đã làm hồ sơ giả cho lũ trẻ, đẩy các em vào “hoàn cảnh đáng thương” để hút tài trợ. Nhiều em bị sốt rét và suy dinh dưỡng.

Tại Kathmandu, tổ chức Forget Me Not phát hiện ra giấy báo tử giả của cha mẹ lũ trẻ, nhiều em bị ép phải nói dối. “Những câu chuyện đáng sợ lộ ra khi các gia đình đến cổng thăm con, bọn trẻ chỉ đứng nhìn cha mẹ chúng qua cửa sổ”, Doore tiết lộ.

Tạo sức ép với chính phủ

Kể từ khi câu chuyện về hồ sơ giả lộ ra, Forget Me Not đã cứu hàng trăm trẻ em từ các trại trẻ ở Nepal. Tổ chức này giúp nhiều em nhỏ đoàn tụ với cha mẹ và chăm sóc những trường hợp chưa tìm thấy gia đình.

Doore đang kêu gọi đóng cửa hàng loạt trại trẻ mồ côi – tác nhân đe dọa trẻ em và tiếp tay cho những kẻ buôn người. Cô gây sức ép để chính phủ Anh và Australia vào cuộc.

Joseph Mwuara, 20 tuổi, là một trường hợp thoát khỏi đường dây buôn bán trẻ em. Mwuara phát biểu trong hội nghị Trust Conference về việc một chủ trại trẻ mồ côi gần ngôi làng ở Kenya đã đón mình từ nhà bà và hứa cho cậu đi học.

“Chuyện này thật tồi tệ. Chúng tôi phải làm rất nhiều việc để kiếm thức ăn. Nếu không được việc, chúng tôi sẽ bị phạt nhịn đói”, chàng trai trẻ nói. Khi có người đến thăm và quyên góp tiền, các em phải khiến khách vui lòng, nhưng các món quà tặng sẽ bị đem bán.

Trẻ em trong nhiều trại mồ côi không được hưởng những khoản trợ giúp từ các nhà hảo tâm. Ảnh: Griffith University.

Trẻ em trong nhiều trại mồ côi không được hưởng những khoản trợ giúp từ các nhà hảo tâm. Ảnh: Griffith University.

Mwuara nói rằng trẻ em trong trại bị ép phải vắt sữa bò, lau dọn nhà kho và làm ruộng. “Bọn họ rất bạo lực. Họ đã đánh gãy chân một cậu bé”, Mwuara cho biết thêm. Hiện chàng trai này tham gia các chương trình nâng cao nhận thức về nạn buôn bán trẻ mồ côi và giúp đỡ các trường hợp bị đưa vào trại trẻ bất hợp pháp.

Trong một báo cáo năm 2017, Bộ Ngoại giao Mỹ nhìn nhận nạn buôn trẻ mồ côi chính là một chế độ nô lệ hiện đại. Báo cáo cho thấy nhu cầu làm từ thiện và tình nguyện của khách du lịch trong trại mồ côi đã thúc đẩy việc buôn bán trẻ em nở rộ.

Nhiều trại trẻ mở ra tại các điểm du lịch. Một số nơi bắt các em biểu diễn, ra đường ăn xin, hoặc ép lao động. Thiếu sót trong quy trình sàng lọc tình nguyện viên khiến nhiều bé có nguy cơ bị lạm dụng tình dục. Đội ngũ tình nguyện viên thay đổi liên tục cũng tác động đến quá trình hình thành tính cách của trẻ khi trưởng thành.

Snezana Vuckovic, 24 tuổi, lớn lên ở trại trẻ mồ côi ở Serbia và bị một giáo viên cưỡng hiếp, bắt nạt, đánh đập. “Chúng tôi bị đánh. Chúng tôi đã thực sự bị tra tấn. Tôi vẫn thường giật mình tỉnh dậy trong đêm, thấy mình đang khóc và run rẩy. Tôi đẩy mọi người ra xa”, Vuckovic phát biểu tại hội nghị Trust Conference.

2
 
 

2

Tara Winkler, nhà hoạt động xã hội Australia, phát hiện ra những sự thật đen tối về trẻ mồ côi tại Campuchia. Video: 9News.

Hành động

Tổ chức Forget Me Not và Lumos muốn chuyển hướng khoản tiền tài trợ vào các trại mồ côi sang hỗ trợ các gia đình và cộng đồng chăm sóc trẻ em.

Hiện nhiều tổ chức xã hội đã vào cuộc để đẩy lùi loại hình du lịch tới các trại trẻ mồ côi ở những quốc gia phát triển. Một số tổ chức tiêu biểu là UNICEF, Save the Children, Friends International và ReThink Orphanages.

Australia là quốc gia đầu tiên hành động, gây áp lực lên các công ty lữ hành nhằm chấm dứt loại hình du lịch thăm trại mồ côi. Chính phủ nước này cũng chuẩn bị giới thiệu Đạo luật Nô lệ Thời hiện đại trong tháng 11.

Luật sư Doore cho biết cô cũng đang đàm phán với các giới chức Anh. “Nếu mọi người biết sự tổn hại mà họ gây ra bởi tài trợ, tình nguyện và thăm trại trẻ mồ côi, nó sẽ có tác động thực sự. Chúng ta cần gửi thông điệp đó tới mọi người”, cô nói.

Nguồn: Vnexpress.net