Với thuế 15% đánh vào du khách, Zimbabwe, nước đang đối mặt khó khăn kinh tế và chính trị, đang khiến người du lịch e dè.
Giữa cơn binh biến cạnh tranh quyền lực, chính phủ Zimbabwe còn phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế nhen nhóm trở lại. Nguồn thu ngoại tệ đáng kể nhất từ du lịch cũng đang bị đe dọa, khi khách quốc tế dần xa lánh đất nước này sau nhiều bất ổn.
Zimbabwe khiến vô số tín đồ du lịch mê mẩn với những sa mạc trải dài và thác Victoria hùng vĩ – thác nước lớn nhất thế giới, từng gây cơn sốt trên Instagram với hồ bơi của quỷ Devil’s Pool. Người dân thân thiện và nồng hậu.
Zimbabwe – đất nước trên bờ sụp đổ
Hồ bơi của quỷ – nơi du khách hụt chân là ngã xuống vực. Video: San Deni.
Theo số liệu từ Tổng cục Du lịch Zimbabwe, những nước châu Phi chiếm tới 85% tổng lượt khách đến Zimbabwe, trong đó Nam Phi xếp thứ ba trong top thị trường quốc tế của nước này. Tuy nhiên đồng rand Nam Phi mất giá trước USD khiến lượt khách từ quốc gia này giảm, còn dưới 10% tổng lượt khách quốc tế.
Zimbabwe cũng là điểm đến yêu thích đối với khách châu Âu và châu Mỹ. Tuy nhiên giá cả đắt đỏ là một trong những trở ngại với du khách bình dân.
Hồi tháng 10, ông George Manyumwa, Chủ tịch Hiệp hội Quản trị Khách sạn Zimbabwe đã kêu gọi chính phủ ngưng khoản phí 15% đánh vào du khách ngoại. Ông cũng cho rằng Zimbabwe đang “đuổi” bớt khách đi cũng bởi tình trạng cảnh sát giao thông mãi lộ – hành vi tham nhũng nhắm vào các phượt thủ nước ngoài.
Chủ tịch Hội đồng Du lịch Zimbabwe nhận định chính sách thu thuế du lịch là “hoàn toàn vô ích, nếu không nói là có tính phá hoại”.
Karikoga Kaseke, giám đốc điều hành Cơ quan Du lịch Zimbabwe (ZTA), năm ngoái từng phát biểu: “Tôi vừa có dịp tới vài quốc gia, tại đó tôi thực sự sốc khi chỉ phải trả 53 USD một đêm cho một phòng khách sạn 5 sao. Thậm chí tôi đã nghĩ họ nhầm lẫn. Đó là lúc tôi nhận ra, nước tôi cần đánh giá lại chi phí dịch vụ nếu không muốn mang danh điểm đến đắt đỏ nhất thế giới”.
Hồi đầu tháng 10, một du khách phàn nàn trên Bulawayo24 News rằng anh ta bị cảnh sát phạt nóng 20 USD vì không bật đèn rẽ trên đường tới thác Victoria, dù chiếc xe thuê mới hoạt động hoàn toàn bình thường. Ảnh: Bulawayo24 News. |
“Thực trạng cảnh sát giao thông nhũng nhiễu khiến du khách không cảm thấy được chào đón, khi họ bị phạt nóng vì vi phạm những điều luật xa lạ. Nhiều người cảm thấy bất an khi cảnh sát xuất hiện quá nhiều trên đường, từ đó nảy sinh nỗi nghi ngại Zimbabwe không phải điểm đến an toàn”, ông Manyumwa nói.
Ông Kaseke, giám đốc điều hành ZTA, cũng nhận định Zimbabwe là một điểm đến lý tưởng cho các phượt thủ, vì vậy chính phủ cần quan tâm hơn tới chất lượng hạ tầng giao thông.
“Do tình trạng tồi tệ của đường sá, Zimbabwe đã đánh mất thị trường khổng lồ của nhóm du khách tự lái xe từ Nam Phi, họ đang chuyển hướng tới Botswana và Namibia. Tỷ lệ tai nạn giao thông cao khiến Zimbabwe trở thành “cái bẫy chết chóc”, cản trở cả du khách trong nước và quốc tế tìm đến”, ông nói.
Đến cuối 2017, ngành du lịch Zimbabwe đón hơn 2,2 triệu lượt khách quốc tế. Tỷ lệ tăng trưởng trong năm 2016 cũng rất khả quan, với hơn 2,1 triệu lượt khách – tăng 5% so với 2015, thu về khoảng 819 triệu USD, theo số liệu của ZTA
Ông Karikoga Kaseke dự đoán Zimbabwe có thể đón hơn 2,5 triệu khách vào năm 2020, nếu không có trở ngại gì. Tuy nhiên, giám đốc điều hành ZTA vẫn bày tỏ quan ngại: “Lịch sử cho thấy ngành du lịch thường bị tác động tiêu cực vào những năm bầu cử. Chúng tôi hy vọng tình hình sẽ ổn định sau đó”.
Nguồn: Vnexpress.net