Cầu kính ở Trương Gia Giới vẫn thu hút rất đông khách du lịch tham quan. Tuy nhiên, để đặt chân lên cây cầu này, bạn phải trải qua một cuộc hành trình không hề đơn giản.
Với chiều dài 430 m, cây cầu kính bắc qua hai vách núi ở công viên quốc gia Trương Gia Giới (Hồ Nam, Trung Quốc) từng dẫn đầu bảng xếp hạng những cầu kính dài nhất thế giới cho tới năm 2017. Dưới đây là trải nghiệm của phóng viên Harrison Jacobs (Business Insider) trong lần đầu được đặt chân tới cây cầu nổi tiếng này.
Harrison Jacobs đến trạm mua vé vào đầu giờ chiều. Anh cho biết bất cứ ai khi tới đây cũng phải trải qua quy trình kiểm tra nghiêm ngặt gồm máy X quang, máy phát hiện kim loại và nhân viên cũng sẽ kiểm tra lại lần cuối theo cách thủ công. Bạn cần chuẩn bị đủ giấy tờ như hộ chiếu có dấu xác nhận nhập cảnh để phòng trường hợp gặp rắc rối. Ngoài ra, nhân viên cũng sẽ nhắc nhở du khách không được mang balo và máy ảnh lên cầu.
Bạn có thể cất những món đồ không được phép mang lên vào tủ gửi đồ có sẵn (phải trả phí). Tuy nhiên, du khách cần lưu ý các tủ đựng không chấp nhận thanh toán bằng tiền mặt hay thẻ tín dụng. Hai phương thức duy nhất được chấp nhận là thông qua các ứng dụng ngân hàng điện tử của Trung Quốc: WeChat Pay và AliPay. Phóng viên của Business Insider cũng gặp không ít rắc rối với vấn đề này. Dù vậy, anh đã nhờ được một nhân viên tại đây thanh toán hộ. Đổi lại, Jacobs phải quay lại trước 18h, thời điểm nhân viên kia hết ca làm.
Giá vé đi cầu kính là 138 RMB (khoảng 480.000 đồng). Trong khi đó, giá vé tham quan khu đại vực Grand Canyon là 118 RMB (khoảng 410.000 đồng). Bạn có thể chọn hình thức mua combo hoặc mua lẻ từng địa điểm.
Quầy vé chấp nhận thanh toán bằng tiền mặt, WePay/AliPay và UnionPay. Tuy nhiên, do các cây rút tiền xung quanh đều không hoạt động nên Jacobs chỉ có đủ tiền mặt để mua vé tham quan cầu kính. Và đây chính là nguyên nhân dẫn đến rắc rối tiếp theo. Nếu không mua combo (cầu kính + Grand Canyon), phải tới 16h30, bạn mới được lên cầu. Ngoài ra, khách mua lẻ vé cầu kính chỉ được mua vé kể từ thời điểm 15h30.
Thời gian chờ mua vé quá lâu khiến nhiều người phải nằm ngủ trên ghế. Hình ảnh này từng được đăng tải trên các phương tiện truyền thông vào thời điểm cây cầu còn là một hiện tượng lớn tại Trung Quốc.
Do lượng khách tham quan quá đông, ban quản lý đã phải đặt ra giới hạn để đảm bảo an toàn cho du khách cũng như tránh hư hại cây cầu. Theo phóng viên từ Insider, mỗi lượt họ chỉ bán 800 vé và tiếp nhận 8.000 lượt du khách/ngày. Tuy nhiên, ngay cả khi xếp hàng ngay ngắn, bạn cũng cần tính đến trường hợp bị những người dẫn tour chen lấn, xô đẩy để mua vé cho đoàn (thường là 40, 50 vé/lượt).
Ít nhất có 600 khách hàng xếp hàng chờ đến lượt mua vé mỗi khi quầy bắt đầu mở bán.
Bạn cần xác định tinh thần sẽ phải chờ rất lâu mới cầm được tấm vé này trên tay.
Trước khi lên cầu, du khách buộc phải đeo bao bọc giày do ban quản lý phát. Theo Jacobs, một phần nguyên nhân khiến bạn không được mang camera, balo hay drone lên cầu là vì những người quản lý sợ chúng sẽ làm vỡ mặt kính của cây cầu.
Trên thực tế, cây cầu được làm cực kỳ kiên cố với 99 tấm kính cường lực có độ dày 23.6 inch (khoảng 58 cm). Nó có thể chịu được trọng lượng của 800 người cùng một thời điểm và khoảng 8.000 người/ngày. Với những con số “khủng” như vậy, Jacobs cảm thấy khá khó hiểu trước lệnh cấm của những người quản lý.
Khách du lịch đứng chật ních cả cây cầu. Ai cũng cố tạo những kiểu dáng quen thuộc để chụp ảnh. Bạn không nên kỳ vọng quá nhiều vào việc thoải mái đứng chụp hình bởi chốc chốc lại có người chen lên. Dòng người đi tới, đi lui hầu như không lúc nào có dấu hiệu vãn.
Dù mọi người phải mang bọc giày trước khi lên cầu, mặt kính vẫn có khá nhiều vết xước, gây khó khăn cho việc chiêm ngưỡng cảnh quan bên dưới.
Bên cạnh những điều khó chịu khác, Jacobs cho biết: “Tôi không nghĩ ra nên dùng từ gì để miêu tả về cảnh quan xung quanh nhìn từ trên cầu. Thiên nhiên nơi đây thật hùng vĩ biết bao”.
Dù vậy, bạn cũng nên cân nhắc tới việc lên cây cầu kính này vào những ngày hè. Nhiệt độ ngoài trời có thể lên cao hơn 30 độ. Ngoài ra, viễn cảnh 800 con người cùng bước trên cây cầu kính hẳn chỉ nghĩ thôi cũng khiến bạn đổ mồ hôi hột.