Giải mã ‘bức thư tình’ khiến người xem chóng mặt ở khách sạn Mỹ

0
8
Bức tranh nổi tiếng Love Letter được treo trong khách sạn Driskill. Ảnh: Iamachild.

Một số khách thuê phòng ở Driskill thường rất háo hức tới xem bức tranh Love Letters treo ở sảnh, rồi phải đối mặt với các hiện tượng kỳ lạ.

Driskill là khách sạn nằm ở trung tâm thành phố Austin, Texas, Mỹ. Nơi đây gắn liền với nhiều câu chuyện kỳ lạ được du khách truyền tai nhau. Một trong số đó là về bức chân dung cô bé tóc vàng, một tay cầm bó hoa, một tay cầm một bức thư cùng nụ cười rạng rỡ được treo trong khách sạn. 

Bức tranh nổi tiếng Love Letter được treo trong khách sạn Driskill. Ảnh: Iamachild.

Bức tranh nổi tiếng Love Letters được treo trong khách sạn Driskill. Ảnh: Iamachild.

Nhiều người tin rằng, bé gái 4 tuổi trong bức tranh là Samantha Houston, con gái của một thượng nghị sĩ Mỹ. Cô bé theo bố mẹ đến nghỉ ở khách sạn. Trong lúc đuổi theo quả bóng, Samantha đã chết do té cầu thang. 

Một số khách thuê phòng ở khách sạn cho biết họ cảm thấy chóng mặt hoặc buồn nôn khi nhìn bức tranh. Số khác kể rằng họ có cảm giác kỳ lạ, như thể mình bị nhấc lên khỏi mặt đất. Có người tin Samantha đang cố giao tiếp với người sống qua bức tranh và nếu bạn nhìn cô bé đủ lâu, biểu hiện trên gương mặt của cô sẽ thay đổi. Tiếng cười khúc khích của trẻ con trong phòng hội trưởng, hay bóng của cô bé lao xuống cầu thang cũng được du khách nghe, nhìn thấy và kể lại.

Tuy nhiên, một số nguồn tin thì cho rằng nhân vật trong bức tranh ma ám này không phải Samantha Houston. Đây là một bản sao tác phẩm mang tên Love Letters của Charles Trevor Garland (1855-1906). Cô bé trong bức ảnh đang cầm bức thư để gửi cho cha mình, một người lính đã chết trong cuộc nội chiến Mỹ. Giả thuyết này nhanh chóng bị phủ nhận, vì thời điểm nội chiến kết thúc, Garland mới 10 tuổi, và ông là một nghệ sĩ Anh.

Giá thuê phòng ở khách sạn từ 199 USD/đêm. Ảnh: TripAdvisor.

Giá thuê phòng ở khách sạn từ 199 USD/đêm. Ảnh: TripAdvisor.

Theo Archive, bức tranh thực sự là của Garland, nhưng nhân vật trong tranh không chỉ cụ thể một ai. Họa sĩ thường vẽ về các khoảnh khắc cuộc sống thường ngày, và chủ đề ông yêu thích là trẻ em và thú cưng. Do đó, những câu chuyện ma quái đằng sau bức tranh này được nhiều người cho rằng chỉ là do con người dựng nên.

Khi tiến sĩ ngôn ngữ học Karen Stollznow cùng chồng bay từ Australia tới Mỹ du lịch và thuê phòng ở khách sạn này vào năm 2014, cô đã hỏi về những tin đồn. Marcos, một nhân viên ở đó, đã đưa cho các vị khách một tập giấy kể về các câu chuyện kỳ lạ được đồn thổi. Thời điểm đó, Marcos đã làm việc ở đây được 2 năm nhưng anh chưa gặp bất kỳ hiện tượng kỳ lạ nào. 

Khách sạn Driskill cũng là nơi tổng thống Johnson của nước Mỹ lần đầu gặp người vợ của mình.

Phòng ăn sáng của khách sạn Driskill cũng là nơi tổng thống Johnson gặp người vợ tương lai của mình trong buổi hẹn hò đầu tiên. Ảnh: Flickr.

Du khách đến đây còn được nghe một câu chuyện khác về chủ nhân đầu tiên của khách sạn. Ban đầu, tòa nhà Driskill thuộc về đại tá thời nội chiến Jesse Driskill. Năm 1886, ông biến nơi đây thành một khách sạn sang trọng và sau đó để mất tài sản khổng lồ này vào tay một cao thủ chơi bài poker.

Năm 1890, Driskill chết và người ta tin rằng, linh hồn của ông vẫn ám ảnh khách sạn này cho tới tận ngày nay. Nhiều nguồn tin cho biết, Driskill vẫn thường cảnh báo khách thuê phòng về sự hiện diện của mình qua mùi thơm thoang thoảng của xì gà trong không khí, đặc biệt là trong các căn phòng khách nữ.

Một trong những nhân vật nổi tiếng – nữ ca sĩ, chính trị gia người Ireland Annie Lennox – từng gặp hiện tượng kỳ bí khi ở khách sạn. Lennox khi đó đã bày hai chiếc váy định mặc vào tour diễn tối hôm đó trên giường và đi vào phòng tắm. Đến khi quay trở lại, cô thấy một trong hai chiếc váy đã được gấp lại cẩn thận.

Johnette Napolitano, giọng ca chính của nhóm nhạc Rock nước Mỹ Concrete Blonde cũng từng đến đây. Sau đó, cô sáng tác ca khúc Ghost of a Texas Ladies’ Man (Hồn ma của người đàn ông Texas được nhiều cô gái yêu thích) dựa trên trải nghiệm có thật của mình ở khách sạn.

Theo Archive

Nguồn: Vnexpress.net