Gia đình Paola

0
12
9NJhIh2n.jpg

Quito – thành phố xích đạo

9NJhIh2n.jpgPhóng to
Ông bố Victor Hugo và cô con gái Paola (thứ hai và thứ ba từ trái sang). Ngoài cùng là bà mẹ vui tính và tốt bụng – Ảnh: Thu Hà

Lòng vòng hồi lâu, ông bảo để đưa về nhà ông, biết đâu con gái ông có thể sửa bởi theo ông, cô này rất hay vọc máy tính. Không còn đường, thôi thì đành vậy.

Thợ máy tính… Paola

Ông đưa chúng tôi vòng vèo giữa những khu dân cư trên sườn núi. Quito là một thung lũng núi lửa già và hẹp. Sau này Victor Hugo – người lái taxi đưa tôi về nhà – cho biết dân cư ở khu trung tâm hay mặt phố dưới thung lũng là người giàu. Người nghèo ở trên sườn đồi vì đất trên cao rẻ hơn, dĩ nhiên càng nghèo ở càng cao. Thế nên đường về nhà ông lắm lúc rợn cả người vì dốc cao dựng đứng, ngay giữa thủ đô. Ban đêm, nhờ địa hình dốc và thung lũng, đứng ở đâu nhìn thành phố sáng đèn cũng đẹp.

Về nhà, ông và vợ ríu rít gọi con. Một cô gái Trung Mỹ đậm chất Latin, mắt sâu, mũi cao và da ngăm bánh mật. Đó là Paola Morales, nay 28 tuổi. Cô lịch lãm ôm khách, áp má vừa đủ thân thiện. Sau đó với một cái tuôcnơvit và một con dao, cô tháo tung máy tính. 10 phút sau trả lại, khởi động, máy tính chạy vù vù.

Nhà Paola là số ít người dân ở đây có thể nói tiếng Anh bởi cô từng học đại học và cô em út đang học lớp 10. Còn lại kiếm một người biết tiếng Anh cực khó khăn. Kể cả hôm diễn ra Festival thanh niên – sinh viên thế giới, trong các tình nguyện viên người Ecuador không phải ai cũng nói được tiếng Anh.

Ông Victor Hugo và vợ – bà Noemi Hinojosa – là người bản địa, sống ở Quito từ nhiều đời nhưng trước kia họ sống ở vùng ngoại ô, xa trung tâm khoảng 40km. 30 năm trước ông đưa gia đình về khu này để kiếm việc làm và cho các con ăn học. Họ có bốn người con, một trai và ba gái, đều được học hành. Ông làm nghề lái taxi. Dù tự nhận mình là nhà nghèo nhưng gia đình ông có bốn chiếc xe hơi. Ở Quito xe hơi là phương tiện chính. Giá cả taxi cũng như ở VN, khá rẻ, chừng 3 USD đi được 5km.

Lai hợp giữa những dòng văn hóa

Những ngày sau đó, hai cha con Paola đưa chúng tôi thăm thú nhiều nơi. Chính nhờ họ chúng tôi mới được biết nhiều về thủ đô của đất nước Trung Mỹ tươi đẹp này. Chỉ cần một ngày du khách cũng có thể khám phá hết những điểm cần đến ở Quito với những nét đặc trưng rất Ecuador.

Ông Victor gợi ý sẽ đưa chúng tôi tới thăm một bảo tàng và cho biết vì ông từng là người trong quân đội, có thẻ riêng nên được ra vào bảo tàng quân sự này. Có lẽ ông có ý định của mình.

Một buổi ở bảo tàng, chúng tôi hiểu gần hết lịch sử của đất nước này. Ngoài những gươm giáo và giáp trụ quân đội Tây Ban Nha khi đến đây xâm chiếm vào năm 1534, có một bức họa trong bảo tàng khiến tôi thắc mắc: những phụ nữ lõa thể bị quăng quật dưới vó ngựa. Paola giải thích: đó là hình ảnh cách điệu sự cưỡng bức của thực dân da trắng với phụ nữ bản địa và chính từ đó sinh ra thế hệ con lai. Ecuador có 15,2 triệu dân và trong số đó 65% là dân số lai, người bản địa da đỏ chiếm 25%.

Ở khu phố cổ Mariscal – một khu bảo tồn có dân cư, rộng 320ha – du khách có thể mãn nhãn nhìn đường phố và sinh hoạt. Đường phố lát đá như được làm cách đây vài trăm năm, cổ kính. Bancông nhà nào cũng có nhiều hoa. Quảng trường nhà thờ trung tâm thanh bình, nhiều người ra cho đàn chim bồ câu hàng ngàn con ăn và bay lượn.

Buổi chiều tối, thú vị nhất là dưới ánh sáng rực rỡ của phố phường, bất cứ đâu cũng có thể đắm mình trong các điệu nhạc Mỹ Latin sôi động như salsa, casino, merengue hoặc thưởng thức hương vị của những loại cocktail chỉ Quito mới có như pina colada, morada…

Những ngày cuối cùng ở đất nước đẹp xinh này, chúng tôi dò hỏi và ông Victor Hugo cùng cô con gái Paola bằng lòng dắt đi hành trình đến một làng da đỏ, cách Quito 350km. Buổi sáng sớm chúng tôi khởi hành trong háo hức, trong lớp sương mù dày đặc khi cả thủ đô còn đang ngái ngủ…

Nấu ăn ở nhà

Đêm cuối cùng ở Quito, chúng tôi xin phép gia đình Paola được đến đây nấu ăn, món VN.

Buổi tối hôm đó cả nhà quây quần và tròn mắt nhìn chúng tôi làm thức ăn, nhất là cách ướp gia vị vì cư dân ở đây chỉ dùng nước xốt. Đến món… muối tiêu chanh để chấm rau luộc (vì họ không dùng nước mắm) mà cô gái Paola phải lấy giấy viết ra để ghi lại nguyên liệu.

Bữa tối xong cả nhà nghe nhạc và nhún nhảy. Nghe có khách, ông bà cụ ngoại của Paola trên 80 tuổi cùng đưa các cháu đến dự và suốt đêm ông bà cụ cười vang sảng khoái.

Nguồn: Dulich.tuoitre.vn