Everest – đỉnh núi danh giá hay bãi rác cao nhất thế giới

0
14
everest-dinh-nui-danh-gia-hay-bai-rac-cao-nhat-the-gioi

Mỗi năm có hàng trăm người cố gắng để lên đỉnh núi cao nhất thế giới và để lại trên đường đi một lượng rác và chất thải không nhỏ.

Cái tên Everest mang đến niềm tự hào cho bất kỳ ai từng đến đây, tự hào khi vượt qua nhiều thử thách, chinh phục thành công đỉnh núi của thế giới. Tuy nhiên, nhiều người đến rồi đi và vô tình hay cố ý đang làm ô nhiễm nơi đây.

everest-dinh-nui-danh-gia-hay-bai-rac-cao-nhat-the-gioi

Đỉnh núi cao nhất thế giới còn được biết đến là “bãi rác cao nhất thế giới”.

Tại sao Everest bẩn đến vậy?

Everest từ chỗ là đích đến chinh phục của những tay leo núi thuần thục nhất trở thành mục tiêu của mọi du khách thích mạo hiểm. Mỗi năm có hàng trăm người cố gắng để lên đỉnh núi cao nhất thế giới. Số người này để lại trên đường đi một lượng rác và chất thải không nhỏ. Ngày nay, người leo núi có thể trả tiền để tận hưởng trải nghiệm xa hoa khi chinh phục thiên nhiên. Tại một điểm trại cao hơn 5 km còn có lớp tập yoga, phục vụ sushi và quầy bar với đủ các loại rượu và đồ uống cao cấp. Mọi hoạt động này đều thải rác.

Theo báo cáo của trường Grinnell College 2015, ước tính có khoảng 12 tấn phân người xả ra trên núi mỗi năm hoặc bị chôn vùi trong tuyết xung quanh bốn khu cắm trại gần đỉnh hoặc ở trong các nhà vệ sinh thô sơ xây gần nguồn cung cấp nước. Khoảng 50 tấn rác từ các khung lều trại bị vỡ, vỏ bình chứa oxy tới túi bọc thức ăn xuất hiện khắp đường leo lên núi, chưa kể cả các xác chết nửa chôn vùi của hơn 200 người leo núi thiệt mạng. Bởi thế, lâu nay đỉnh Everest còn có thêm biệt danh “bãi rác cao nhất thế giới”.

Ai đang nỗ lực làm sạch Everest?

Năm 2014, chính phủ Nepal yêu cầu mỗi người leo núi trên đường đi xuống phải mang về ít nhất 8 kg rác hoặc sẽ bị phạt 4.000 USD. Một số công ty thám hiểm tổ chức chuyến đi tình nguyện dọn rác trên núi. Sherpas tên gọi của những hướng dẫn viên người địa phương trên đỉnh Everest còn được nhận tiền thưởng khi mang thêm rác xuống sau mỗi chuyến dẫn khách. Năm 2013, một đoàn thám hiểm liên quân Ấn Độ – Nepal đã thu về được lượng rác ấn tượng lên tới 4,4 tấn chỉ trong 6 tuần. Một nửa trong số rác thải đó là “chất thải gây hại”. Các Sherpas hiện không còn tìm thấy nhiều rác như trước, chứng tỏ các nỗ lực làm sạch thực sự mang lại hiệu quả. Nhưng “không ai biết được bao nhiêu rác vẫn còn ngoài kia dưới lớp băng tuyết”, Dawa Steven một cựu hướng dẫn viên nói.

Bao nhiêu người leo Everest?

Hàng nghìn người đã đặt chân lên đỉnh núi danh giá kể từ khi Edmund Hillary và Tenzing Norgay lần đầu tới đây năm 1953. Tính riêng năm 2013, có 658 khách leo núi chỉ trong 2 tháng mùa xuân. Năm 2012, chỉ riêng một ngày có tới 234 khách đặt chân lên đỉnh núi. Kết quả đỉnh núi của thế giới ngày càng trở nên đông đúc. Hàng dài người chờ đợi dưới các điểm leo khó khăn nhất. Thậm chí các Sherpas còn nghĩ đến việc dựng thang leo để giảm bớt tắc nghẽn tại Hillary Step – điểm leo biểu tượng cuối cùng trước khi lên đỉnh núi. “Leo đỉnh Everest không còn là một trải nghiệm hoang dã mà giống như thưởng thức McDonald’s vậy”, Graham Hoyland, tác giả cuốn Last Hours on Everest nói.

Những người lên đỉnh Everest là ai?

Phần lớn trong số họ là khách du lịch, không phải nhà leo núi thực thụ. Sherpas mất hàng tuần trước mỗi mùa leo núi để chuẩn bị dây thừng, thang và các thiết bị khác dọc theo tuyến đường giúp du khách có thể leo dễ dàng hơn. Bởi vậy, ngay cả những người thiếu kinh nghiệm cũng có thể leo Everest, chỉ cần trả 30.000 đến 100.000 USD một người cho công ty thám hiểm. Những tiến bộ trong thiết bị hỗ trợ và dự báo thời tiết góp phần tăng trưởng số lượng người leo núi. Năm 1990, chỉ có 18% người leo tới được đỉnh. Đến năm 2012, con số này đã tăng lên 56% nhờ vào sự phát triển công nghệ. Chính phủ Nepal khuyến khích việc này bởi nó mang về lợi nhuận 3 triệu USD mỗi năm từ việc thu phí 11.000 USD/ người leo núi. Tuy nhiên, lượng người quá tải trên sườn dốc cao 6 – 7 km là điều rất nguy hiểm.

Nguy hiểm phải đối mặt khi Everest quá tải

Khi người leo núi phải đứng hàng giờ đồng hồ chờ đợi ngoài trời, họ đã lãng phí nhiệt độ cơ thể và nguồn cung cấp oxy để dành khi lên cao hơn. Các nhóm lớn thường cột dây cùng nhau, cũng có nghĩa nếu một người ngã và dây an toàn rơi, tất cả sẽ cùng rơi theo. Theo các Sherpas, mức độ nguy hiểm ở Everest ngày càng cao. Năm 2014, trận tuyết lở tại điểm Khumbu Icefall đã khiến 16 người thiệt mạng. Chính phủ Nepal bồi thường thiệt hại 400 USD cho mỗi gia đình nạn nhân.

Làm sao để Everest an toàn hơn?

Chính phủ Nepal đã thay đổi đường leo núi để tránh khu vực nguy hiểm Khumbu Icefall. Các Sherpas được kêu gọi mang theo đèn hiệu báo sạt lở, thiết bị có giá khoảng 300 USD giúp các nhân viên cứu hộ có thể tìm thấy người bị chôn vùi khi xảy ra tai nạn.

Xem thêm:  Những người hùng thầm lặng trên đỉnh Everest

Như Bình (theo Theweek)

Nguồn: Vnexpress.net