Khi du lịch châu Âu, bạn sẽ phải đối mặt với đủ chiêu trò từ những tên trộm với “hệ thống” bài bản, thao tác mau lẹ, khiến người bị trộm khi nhận ra cũng chẳng biết than ai.
Châu Âu là điểm đến ước mơ của nhiều người với những kiến trúc cổ xưa, lâu đài tráng lệ và nhiều kinh đô thời trang như Milan (Italy), Paris (Pháp)… Tuy nhiên, bất chấp vẻ đẹp làm ngây ngất lòng người ấy, nhiều du khách sau chuyến ghé thăm châu Âu đã phải thốt lên một câu chua chát: “Châu Âu đẹp thật đấy mà trộm nhiều quá”.
Từ câu chuyện của MC Kỳ Duyên…
Gần đây, đoạn livestream của MC Nguyễn Cao Kỳ Duyên được chia sẻ rần rần trên các diễn đàn du lịch. Chủ đề không có gì mới mẻ nhưng là câu chuyện muôn thưở với bao người: Ăn cắp ở châu Âu.
“Châu Âu không hề an toàn như nhiều người vẫn tưởng. Nếu tới đây, mọi người nên xác định tinh thần trước rằng những đất nước này có rất nhiều trộm cắp. Chính tôi đây qua Italy cũng bị tụi đó lấy sạch đồ, mất luôn cả hộ chiếu, phải ở lại Italy”, Kỳ Duyên kể lại kỷ niệm buồn của mình trong lần ghé thăm xứ sở mì ống.
MC Kỳ Duyên từng là nạn nhân của nạn trộm cắp ở châu Âu. Ảnh: NNT. |
Theo nội dung chia sẻ của MC, những kẻ ăn cắp ở châu Âu thường không hoạt động một mình mà được tổ chức thành từng nhóm, thao tác bài bản và cực kỳ nhanh. MC Kỳ Duyên cho biết có lần vì lòng tốt mà đã phải trả giá bằng toàn bộ vali, ví tiền.
“Có lần, tôi mua vé tàu ra sân bay, một người đàn ông cao tuổi lại gần nhờ đọc vé giúp vì ông ta không nhìn được chữ ghi cổng nào. Tôi chỉ cho ông ta đi cổng 21 nhưng ông ấy lại bảo không biết cổng đó ở đâu. Tôi tiến lên một bước để chỉ về phía cổng số 21 cho ông ấy, quay đi quay lại chẳng thấy ví tiền, vali đâu nữa.
Vấn đề ở chỗ bọn trộm cắp này hoạt động rất ngang nhiên ở những điểm đông người. Vì thế, ngay cả khi bạn nhận ra đồ mình “không cánh mà bay”, cũng rất khó để xác định chúng chạy về phía nào”, cô nhấn mạnh.
Trong video dài 14 phút, Kỳ Duyên và người bạn kể nhiều câu chuyện khác về trải nghiệm của chính họ cũng như từ những người quen. MC 53 tuổi tiết lộ thủ đoạn của những tên trộm bên châu Âu còn tinh vi đến độ đóng giả cảnh sát để lừa đảo. Bạn của cô chính là nạn nhân trong câu chuyện ấy và cái giá phải trả cho một bài học cao đến… 3.000 USD.
Bài đăng của MC Kỳ Duyên nhận được hơn 1.100 lượt bình luận và tới 2.400 lượt chia sẻ từ cộng đồng mạng, kèm theo đó là vô vàn câu chuyện bây giờ mới kể từ những người Việt từng là nạn nhân của trộm cắp khi du lịch châu Âu.
… đến những con số “ghê hồn” trong thực tế
Chẳng phải đến khi MC Kỳ Duyên lên tiếng người ta mới biết về nạn trộm cắp ở châu Âu. Thực tế, câu chuyện này từ lâu đã trở thành vấn nạn với khách quốc tế du lịch tới Lục địa già.
Theo thống kê từ The Global Economy năm 2016, các nước châu Âu chiếm tới 6 suất trong top 10 nơi có tỷ lệ trộm cắp lớn nhất thế giới tính trên 100.000 người. Đan Mạch là quốc gia dẫn đầu với 3.949 kẻ trộm/100.000 người và xếp ngay sau là Thụy Điển với tỷ lệ 3.817/100.000 người, những con số đáng báo động với bất kỳ ai đang tính chuyện tới châu Âu.
Châu Âu đẹp mơ màng nhưng cũng khiến du khách bàng hoàng về nạn trộm cắp. Ảnh: Indie Travel Podcast. |
Cuối tháng 10 năm ngoái, trang du lịch nổi tiếng Trip Savvy thậm chí i dành nguyên một bài báo nói về những thành phố ở châu Âu nơi mà móc túi đã được nâng lên tầm “nghệ thuật”. Ba cái tên hàng đầu được chỉ ra bao gồm Rome (Italy), Barcelona (Tây Ban Nha) và Prague (Czech).
Những “cao thủ” ở Rome không chỉ hoạt động ở những điểm thu hút khách du lịch như Coliseum hay Vatican mà còn ngay trên các phương tiện công cộng, đặc biệt là xe buýt. Bài báo chỉ đích xác tuyến số 64 là nơi các tay trộm hoành hành nhiều nhất bởi các du khách thường di chuyển bằng xe này.
Rome cao tay nhưng Barcelona cũng chẳng kém phần. Chính Nhân Bình, người xuất hiện trong video cùng MC Kỳ Duyên, cũng suýt trở thành nạn nhân của các “nghệ nhân” nơi này.
“Do thói quen nên khi ngồi nhâm nhi, mình hay để điện thoại trên bàn. Có một ông bán báo đến gần, chào mời mua rồi để chồng báo lên trên điện thoại của mình. May mà đã nghe qua nên mình vội lấy tay chộp vào chỗ cái điện thoại thì phát hiện ra tay ông bán báo kia đang ở ngay phía dưới”, anh hài hước chia sẻ câu chuyện suýt bị “ảo thuật gia” Tây Ban Nha hô biến mất chiếc điện thoại.
Thủ thuật của những kẻ trộm
Nếu đơn thuần chỉ biết thò tay vào túi để móc đồ của khách, ăn trộm ở châu Âu đã chẳng được nâng lên tầm “nghệ thuật”. Chúng có nhiều mánh khóe với nhau và chủ yếu dựa trên khả năng phối hợp nhóm linh hoạt. Trang web The Savvy Backpacker đã tổng hợp lại một vài kiểu điển hình sau để du khách có thể phòng tránh khi đi du lịch châu Âu:
– Những người vận động từ thiện
Chúng thường xuất hiện theo nhóm, đặc biệt là các nhóm nữ, trên tay cầm những cặp tài liệu xin ủng hộ. Những kẻ này sẽ nói họ đang quyên tiền cho hội người mù, người điếc nên cần tấm lòng hảo tâm của bạn. Tuy nhiên, thực tế chẳng có hội nào, những đồng tiền quyên góp sẽ về hết túi chúng. Trong khi bạn đang mải mê đọc hoặc ký những tờ giấy xác nhận từ thiện, sẽ có kẻ tranh thủ thó đồ từ sau. Trò này diễn ra nhiều nhất ở Paris, Pháp.
Có vô số bài được bọn ăn trộm dùng để đánh lạc hướng và lấy tiền của khách du lịch. Ảnh: The Savvy Backpacker. |
– Đám đông trên tàu điện
Các chuyến tàu thường hay rơi vào tình trạng đông nghẹt khách. “Đội hình” phổ biến nhất của bọn trộm là khoảng 4-6 đứa trẻ. Chúng chạy vào giữa đám đông trên tàu, cố gắng lấy món đồ đã nhắm trước rồi nhảy ra trước khi cửa đóng. Vì thế, ngay cả nếu bạn có nhận ra, mọi thứ cũng đã quá trễ bởi tàu đã rời ga.
– Đánh lạc hướng ở cây ATM
Bạn phải thực sự cẩn trọng khi đi rút tiền tại cây ATM một mình bởi bọn trộm có thể đang theo dõi và chuẩn bị giở trò. Ngay khi bạn nhập xong mã PIN, sẽ có hai tên áp sát lại gần. Tên đứng trước mặt sẽ thu hút sự chú ý bằng nhiều cách như đẩy vai, hỏi chuyện khiến bạn không thể tập trung vào màn hình. Tên đằng sau nhanh tay ấn số tiền lớn nhất có thể rút rồi cầm tiền “cao chạy xa bay”.
Bên cạnh đó, bạn cũng phải chú ý che kĩ mà PIN khi nhập bởi rất có thể bọn trộm đã gắn camera giấu kín để soi mật khẩu. Sau đó, chúng sẽ chờ thời cơ để trộm thẻ ngân hàng của bạn và rút sạch tiền.
– Lòng tốt đặt sai nơi
Một tên sẽ giả vờ đánh rơi đồ trước mặt bạn. Trong khi bạn đang cúi xuống nhặt hộ, tên còn lại từ sau sẽ nhanh tay chôm chỉa tất cả những gì có thể. Nói vậy không có nghĩa bạn nên từ chối giúp đỡ người khác. Tuy nhiên, trong bất kỳ trường hợp nào, bạn cũng cần có ý thức tự giữ gìn tài sản của mình.
Những nạn nhân tiềm năng
Xếp hạng đầu tiên trong danh sách tiềm năng của bọn trộm chính là khách du lịch. Họ thường bị chú ý vào những điều mới lạ mà lơ là cảnh giác xung quanh. Thêm vào đó, người đi du lịch gần như không thể đem tay không nên dù ít dù nhiều, bọn trộm vẫn có thể thu về thành quả.
The Savvy Backpacker cho rằng khách du lịch châu Á (đặc biệt là Trung Quốc) có nguy cơ bị trộm nhắm đến nhiều hơn. Luận điểm này từng được South China Morning Post nhắc đến trong một bài báo liên quan đến các rắc rối với khuôn mặt châu Á khi đi du lịch châu Âu.
Ngoài ra, những người mang vác đồ lỉnh kỉnh cũng dễ bị chú ý do họ không thể quan sát hết xung quanh nếu đụng phải “chiến thuật” chặn đầu chặn đuôi như đã nói bên trên.
Đôi khi, bạn phải nhớ đừng để lòng tốt đặt nhầm chỗ. Theo Savvy Backpacker, người Australia có xu hướng bị trộm nhiều nhất khi đi du lịch châu Âu bởi họ quá tử tế và thân thiện. Chính vì thế, lũ trộm cắp thường nhắm đến họ như một đối tượng tiềm năng để hành nghề.
Nguồn: News.zing.vn