Trung Quốc Khi âm nhạc cất lên với những giai điệu cao vút, đoàn khách Việt đã bỏ qua sự ngại ngùng và hoà mình nhảy múa cùng dân địa phương.
Cái tên Shangri-la gây tò mò cho nhiều khách du lịch nào bởi nó gắn liền với thế giới tâm linh xa xôi được hư cấu qua tiểu thuyết giả tưởng Đường chân trời đã mất của nhà văn Anh James Hilton. Trực tiếp chiêm ngưỡng vẻ đẹp đó, anh Tấn Đức – hướng dẫn viên lâu năm của Vietravel – đã kể lại những kỷ niệm của mình với vùng đất này khi dẫn khách tham quan.
Anh Tấn Đức (đứng sau) chụp ảnh cùng người dân địa phương ở Lệ Giang. Ảnh: NVCC. |
Nơi người dân sống hoà bình và trân quý nhau
Dân cư ở Shangri-la gồm nhiều thành phần, chủ yếu là người Tây Tạng, người Hán cùng vài tộc người thiểu số. Có chút khác biệt là vậy, nhưng những con người này đều chan hoà với nhau, kiếm sống chủ yếu bằng nghề nông và làm dịch vụ du lịch.
“Vẻ đẹp mà tạo hoá ban tặng cho Shangri-la không lưu giữ nhiều ký ức đẹp trong tôi bằng buổi chiều thu tháng 9. Khi đó, đoàn khách mà tôi cùng đồng hành đã có cơ hội hoà vào dòng chảy văn hoá bản địa tại Shangri-la, rất thú vị”, anh Đức kể.
Khu phố cổ Shangri-la có tên gọi Dukezong, tuổi đời hơn 1.300 năm, là một trong những nơi tập trung sinh sống của người Tạng từ lâu đời. Tại quảng trường trung tâm rộng lớn của khu phố, khi âm nhạc cất lên với những giai điệu cao vút, hệt như những đỉnh núi quanh năm phủ đầy tuyết trắng, đoàn khách Việt đã bỏ qua những rào cản ngôn ngữ và nhảy múa cùng người dân bản địa. Những nụ cười, ánh mắt trìu mến trao nhau, mọi người trong đoàn tham gia nối vòng tay lớn.
Múa cộng đồng tại Shangri-la. Ảnh: NVCC. |
Từ những ngõ nhỏ quanh khu phố cổ, người dân địa phương đổ dồn về quảng trường ngày càng đông. Người múa nhiều, người xem càng nhiều hơn. Ai mệt thì rời vòng tròn và ngồi nghỉ. Còn ai mới đến thì tiếp tục gia nhập, không khí càng lúc càng sôi nổi.
“Múa tập thể thì rất dễ học, chỉ cần vài động tác cơ bản là có thể hoà nhập được, chủ yếu là tinh thần cộng đồng khi kết vòng tay lớn”, anh hướng dẫn viên nói.
Quan sát và hào hứng khi nhìn thấy đoàn khách Việt tham gia vào hoạt động nhảy múa tập thể, một hướng dẫn địa phương người Tạng cho biết: “Hè và thu là hai mùa chúng tôi duy trì hoạt động văn hoá cộng đồng vì thời tiết dễ chịu. Mỗi chiều, từ lúc mặt trời từ từ lặn xuống núi tới khi phố lên đèn, quảng trường này là nơi gắn kết người dân với du khách thông qua âm nhạc”.
Đoàn khách Việt nhảy múa tại quảng trường sau khoảng 30 phút thì mệt lả người, nhưng hạnh phúc. Trên trán họ lấm tấm mồ hôi, nhưng trên môi lại rạng rỡ nụ cười vì trải nghiệm đáng nhớ mà Shangri-la mang lại.
Lạc vào chốn thiên đường nơi hạ giới
Thực tế, Shangri-la nghĩa là thiên đường. Vùng đất này có tên cũ là Trung Điện, vốn là một ngôi làng nhỏ nằm cách Lệ Giang 5 tiếng chạy xe về phía bắc. Người Trung Quốc nắm bắt được tâm lý của du khách nên vào năm 1997 đã đổi tên Trung Điện thành Shangri-la. Hiện nơi đây trở thành điểm đến quen thuộc của du khách khi đặt chân đến Vân Nam.
Trong tiểu thuyết Đường chân trời đã mất, những người sinh sống ở Shangri-la gần như bất tử, sống lâu vượt quá tuổi thọ thông thường và có bề ngoài lão hoá rất chậm. Và ở đời thực, Shangri-la nằm trên cao nguyên hơn 3.300 mét so với mực nước biển, bao quanh bởi những ngọn đồi xanh tươi tốt. Hồ nước ở đây đẹp và không khí thật sự trong lành.
Đoàn khách Việt còn xem múa cộng đồng ở Lệ Giang. Ảnh: NVCC. |
Trên sườn núi cao 3.380 mét, Tùng Tán Lâm là tu viện dòng Phật giáo Tây Tạng lớn nhất ở Vân Nam, được xây dựng năm 1679, hiện là nơi sinh sống của 700 tu sĩ và Lạt Ma.
Shangri-la còn nổi tiếng với công viên quốc gia Pudacuo. Đây là khu vực rộng khoảng 1.300 km2 và là công viên quốc gia đầu tiên ở Trung Quốc. Công viên này là nơi cư trú của 20% các loài cây khác nhau, 1/3 lượng chim và động vật có vú, cùng 100 loài quý hiếm trên toàn lãnh thổ nước này.
Thảo Nghi
Nguồn: Vnexpress.net