Du khách kể khổ sau chuyến nghỉ lễ

0
10
Quy-Nhon-2150-1430793902.jpg

Khách sạn mất nước, du khách đành ra tiệm gội đầu để mua nước vệ sinh thân thể; một đoàn khách 11 người phải qua đêm nhờ ở một cơ quan quân sự vì bị mất phòng, là những chuyện khổ sở của người đi nghỉ trong kỳ 6 ngày vừa qua.

Trở về từ chuyến du lịch Sa Pa, chị Thu Trang, trú tại Hà Nội, kể lại thảm cảnh khi khách sạn bị cắt nước. Để hỗ trợ khách, chủ khách sạn phải đánh xe xuống các ghe ở dưới bản chở từng téc nước về phục vụ.

Một số khách sạn khác cũng trong tình trạng tương tự, thậm chí có người còn phải ra quán massage, gội đầu xin tắm với giá 40.000 đồng một lần. Dù vậy, “có quán còn từ chối khách chỉ gội đầu, để ưu tiên cho khách vừa tắm vừa gội”, chị Trang kể.

Một đoàn khách 11 người từ Quảng Ninh đến Nha Trang phải qua đêm ở phòng làm việc của khu quân sự dù đã đặt chỗ nghỉ trong khách sạn. Lý do là hai bên hiểu nhầm nhau về ngày đặt phòng.

Ông Nguyễn Văn Khánh, Giám đốc Công ty du lịch Tuổi Trẻ – đơn vị dẫn tour khách này ngờ rằng có thể sự chênh lệch giá quá cao giữa khách tour và khách lẻ nên khách sạn đã hủy phòng.

Ngoài chuyện phòng nghỉ, vấn đề ăn uống cũng là điều đáng lo ngại với nhiều du khách. Tại Vũng Tàu, để tiết kiệm chi phí, mọi người thường mang đồ và chọn vỉa hè đường Thùy Vân, Bãi Sau làm nơi ăn uống, hát hò. Điều này khiến anh Nguyễn Công Tráng, một người dân bản địa, phàn nàn: “Họ xả rác khắp nơi khiến bãi biển mất hết cả mỹ quan”.

Quy-Nhon-2150-1430793902.jpg

Đoàn khách dài cổ chờ đồ ăn ở một nhà hàng ở Quy Nhơn. Ảnh: Thanh Bình

Chọn Quy Nhơn, Bình Định cho chuyến nghỉ lễ với hy vọng sẽ bớt đông đúc nhưng chuyến du hý của chị Hồ Thị Thanh Bình, Hà Nội cũng chẳng như kỳ vọng. Phải ngồi chờ suốt một tiếng đồng hồ cho bữa ăn rồi lại đi ra với bụng đói, không được phục vụ. Nhà hàng cũng đành cáo lỗi vì khách quá đông. “8h30 tối, cả đoàn lại lếch thếch đi tìm quán khác”, chị Bình nhớ lại.

Còn “ăn như thời bao cấp” là ấn tượng của anh Phạm Bá Quốc Hưng, nhân viên tại Hotdeal về bữa tối ở Hội An. Dù mới 7h, hầu như quán nào cũng treo biển hết cơm gà. “Thấy quán nào báo còn cơm, tất cả mọi người đổ xô đến, phân chia từng đĩa trong khi cơm thì khô, gà lại bở”, Hưng mô tả.

Trên diễn đàn Lý Sơn Island, thành viên Cao Hoàng Anh cũng chia sẻ cảm xúc “bị ám ảnh bởi phòng vé cảng Sa Kỳ bởi phải đứng xếp hàng cả tiếng đồng hồ”.

Tình trạng tắc nghẽn giao thông, taxi quá tải cũng phổ biến ở các điểm du lịch. Anh Phan Đức Ngọc, một hướng dẫn viên tại Sài Gòn kể do Cần Thơ chặn đường ở bến Ninh Kiều, đoàn khách của anh phải đi bộ gần 2 km để vào khách sạn.

“Thành phố không bố trí đường khác cho mọi người về khách sạn. Hành trình trở nên mệt mỏi hơn do trời nắng nóng và đông đúc”, anh Ngọc cho hay.

cong-vien-8786-1430801703.jpg

Người người ken nhau trong một công viên ở TP HCM ngày nghỉ lễ. Ảnh: Hữu Công

Ở các thành phố du lịch nổi tiếng trong kỳ nghỉ vừa qua, việc đón bắt taxi cũng thường là “hên, xui” vì hầu như các xe đều có khách, hoặc lái xe từ chối đi chặng ngắn.

Tuy nhiên, với chị Đỗ Minh Phương, nhân viên Công ty Cổ Phần Hội chợ triển lãm và Quảng cáo Việt Nam, chuyến nghỉ ở Đà Nẵng cùng bạn bè thảnh thơi và vui vẻ. Thay vì chọn các điểm đông đúc như Bà Nà, chị thăm chùa Linh Ứng vào buổi sáng nên được vãn cảnh nơi thông thoáng.

“Được tài xế taxi tư vấn nên chúng tôi chọn được quán ăn ngon. Giá cả ở các nhà hàng dịp này cũng niêm yết rõ ràng nên không bị chặt chém. Cả nhóm 10 người ăn hải sản mà hóa đơn chưa đến 3 triệu đồng”, chị Phương hồ hởi kể thêm.

Theo khảo sát của VnExpress đối với hơn 12.000 người về các lựa chọn cho kỳ nghỉ lễ, 11% số người tham gia quyết định du lịch, trong khi 66% chọn ở nhà.

vote-travel-5761-1430813701.jpg

Vy An

Nguồn: Vnexpress.net