Độc đáo phong tục làm giấy bản đón năm mới của người Mông

0
12

Bao đời nay, người Mông ở Thanh Hóa đều giữ phong tục làm giấy bản thay “xử ca” vào ngày 30 Tết để đón năm mới. Bởi thế, giấy bản trở thành vật linh thiêng không thể thiếu của người Mông mỗi khi Tết đến xuân về.

Giấy bản là thứ linh thiêng!

Trong đời sống văn hóa, tâm linh của người Mông nói chung và người Mông ở Thanh Hóa nói riêng, giấy bản làm từ các loại cây rừng là vật không thể thiếu trong dịp lễ Tết.

Khi vào nhà người Mông, nhìn lên bàn thờ sẽ thấy những mảnh giấy bản được cắt thành những hình thù khác nhau để trang trí, mảnh giấy nhỏ dán thêm mấy túm lông gà được treo lên tường gọi là “xử ca”.

Nguyên liệu không thể thiếu để tạo chất kết dính là vỏ của nhiều loại cây chứa nhớt.

Xử ca của người Mông đơn giản gồm một tấm giấy dài khoảng 30cm, rộng khoảng 20cm, được treo trên tường nhà đối diện hướng từ cửa chính đi vào. Trên xử ca còn đính 3 nhúm lông gà. Ngoài ra, giấy bản còn được dùng trong các nghi lễ, cúng tế, đám ma… như một vật gắn kết giữa người còn sống và người đã chết.

Người Mông quan niệm, chỉ có giấy bản do chính tay những người phụ nữ làm ra từ các loại cây rừng mới linh thiêng và mới được sử dụng vào những việc quan trọng của mỗi gia đình.

Giấy thờ, giấy cắt vào dịp Tết, dịp lễ… tất cả đều là thông điệp cầu mong những điều tốt lành, may mắn của người sống gửi tới Tổ tiên, thần linh. Họ cho rằng, nếu muốn những lời cầu khấn thành kính mau linh nghiệm tốt nhất là dùng giấy truyền thống do chính tay mình làm.

Bởi vậy, năm nào cũng vậy, cứ khoảng trước Tết 1 tháng, những người phụ nữ Mông lại thức khuya, dậy sớm, vai đeo gùi vào rừng lấy các loại cây rừng về để làm giấy bản.

Nguyên liệu chính để làm giấy thì đều lấy thân cây giang hoặc các loại cây họ nhà tre, luồng.

Làm giấy bản cũng không có một công thức chung nào, để có tờ giấy đẹp, bền thì mỗi gia đình đều có bí kíp riêng, nhưng nguyên liệu chính để làm giấy thì đều lấy thân cây giang hoặc các loại cây họ nhà tre, luồng.

Ngoài ra, một nguyên liệu không thể thiếu để tạo chất kết dính là vỏ của nhiều loại cây chứa nhớt. Tuy công việc làm giấy có những công đoạn nặng nhọc, nhưng cũng yêu cầu phải khéo léo, tỉ mỉ.

Thường mỗi tấm giấy của người Mông ở Thanh Hóa có kích thước 1,2 m x 1,5 m, mỗi gia đình dịp tết làm 3 – 5 tấm giấy.

Gian nan làm giấy bản

Để có được những nguyên liệu làm giấy bản, những người phụ nữ Mông phải lên rừng để tìm. Thức dậy từ tờ mờ sáng, chúng tôi theo chân chị Va Cá Dua ở bản Pù Toong, xã Pù Nhi (huyện Mường Lát), sau hơn 1 giờ đồng hồ đi bộ trong rừng, chị cũng tìm được một bụi giang, vầu ưng ý.

Chị Dua cho biết, để làm được giấy bản, phải chọn những cây đang thì bánh tẻ, lóng đẹp, không bị sâu và chặt bỏ mắt, chỉ lấy phần lóng dài từ 40 – 60 cm. Sau khi lấy được khoảng 40 kg, chị Dua tiếp tục tìm các loại cây có nhiều nhớt, lấy phần vỏ đủ cho tỷ lệ 70% cây giang và 30% vỏ cây có nhớt.

Mang những thứ trên về nhà, chị Dua cùng những người phụ nữ trong nhà dùng dao tước cẩn thận để loại bỏ phần vỏ màu xanh bên ngoài, chẻ thành từng thanh nhỏ như chiếc đũa rồi rửa sạch, sau đó cho vào nồi nấu cùng với loại vỏ cây.

Thời gian nấu từ 12 – 15 giờ, đến khi nào thanh giang mềm nhừ. Tiếp đó, giang được vớt ra ngâm 2 – 3 ngày mới đem ra giã nhuyễn. Khi đã giã nhuyễn giang, người làm giấy dùng vải màn lọc thật kỹ để loại bỏ phần bã và cho ra hỗn hợp để làm giấy.

Chị Dua cho biết:  “Từ nhỏ tôi đã thấy mẹ mình làm giấy mỗi dịp gần Tết. Nếu nói về quá trình làm giấy thì nghe rất đơn giản, nhưng khi bắt tay vào làm từng công đoạn thì cần phải khéo léo, tỉ mỉ. Để làm xong một tấm giấy bản phải mất khoảng 3 đến 4 ngày”.

Người phụ nữ Mông này cũng tiết lộ bí quyết làm giấy bản được truyền từ đời ông bà, bố mẹ mình: “Bắt đầu bằng việc chọn nguyên liệu, việc này quyết định đến 80% chất lượng giấy. Cây giang, nứa, vầu phải chọn những cây không bị sâu, óng xanh và đẹp. Khi nấu cùng với vỏ cây có nhớt cũng cần khéo léo canh chừng không để nước cạn, nếu bị cháy khét thì coi như bỏ đi cả mẻ.

Khi giã và lọc để lấy hỗn hợp làm giấy phải tỉ mỉ, nếu lọc sơ sài chất lượng giấy không mịn, nhưng nếu lọc kỹ quá thì độ kết dính sẽ giảm cũng làm ảnh hưởng đến giấy. Công đoạn cuối cùng là dải đều hỗn hợp lên khuôn. Công đoạn này phụ thuộc vào thời tiết, nếu gia đình nào làm đúng dịp trời nắng ấm, đem ra phơi được nắng thì giấy sẽ trắng, mịn và bền hơn. Nếu gặp trời mưa hoặc không có nắng, giấy sẽ không đạt yêu cầu”.

Ông Lầu Văn Ly, chuyên viên Phòng Văn hóa huyện Mường Lát, cũng là người Mông sống ở xã Pù Nhi nên ông hiểu rất rõ phong tục này của dân tộc mình. Ông cũng cho biết, gia đình từ thời ông bà đến bố mẹ rồi giờ đến vợ ông cũng vẫn giữ nguyên phong tục làm giấy truyền thống này.

“Năm mới đến, dù là gia đình giàu có hay nghèo khó đều phải có giấy bản mới để thay xử ca. Giấy bản là vật tâm linh không thể thiếu của người Mông, các giấy mà sản xuất bình thường là không được mà phải là giấy được chính những người phụ nữ trong gia đình người Mông làm nên”  – ông Ly chia sẻ.

Nguồn: Danviet.vn