(Dân Việt) Sáng 1.5, UBND huyện Ia Grai (Gia Lai) đã tổ chức lễ hội đua thuyền độc mộc trên dòng sông Pô Kô. Lễ hội diễn ra với mục đích bảo tồn các giá trị văn hóa độc đáo của địa phương và góp phần phát triển du lịch của huyện Ia Grai nói riêng và tỉnh Gia Lai nói chung.
Theo đó, địa điểm tổ chức lễ hội là bãi bồi ven hồ Sê San 4 thuộc địa phận làng Dăng, xã Ia O, huyện Ia Grai. Tổng cộng có 12 đội tham gia, thuộc 3 xã khu vực biên giới là Ia Khai, Ia Krai và Ia O. Mỗi đội đua có 2 vận động viên, chiều dài chặng đua là 500m. Theo ghi nhận của PV, mặc dù tại xã Ia O thời tiết khá nóng bức nhưng lượng du khách đổ về lễ hội khá lớn.
Ngay từ sáng sớm, du khách đổ về bãi bồi ven dòng sông Pô Kô khá đông.
Nhiều thành viên của các đội cũng rất háo hức cho màn trình diễn của đội nhà.
Anh Nguyễn Hoàng Lâm (31 tuổi, du khách đến từ Bình Định) cho hay: “Mặc dù thời tiết ở khu vực biên giới ngày hôm nay khá nắng nóng nhưng tôi thấy không khí ở đây rất sôi động, người dân cũng như các thành viên đội đua thuyền khá háo hức. Gia đình tôi cũng đã đến đây khá nhiều lần vào các kỳ nghỉ lễ. Hy vọng, lễ hội này sẽ được tổ chức hàng năm để người dân các vùng miền có thể biết đến nhiều hơn nữa…”.
Không khí càng lúc càng căng thẳng khi tiếng trống khai hội vang lên.
Trong 3 xã tham dự, xã Ia O và xã Ia Khai đều có 5 đội tham gia còn xã Ia Krai 2 đội.
Thuyền độc mộc là một phương tiện rất quan trọng trong đời sống sinh hoạt của bà con đồng bào dân tộc thiểu số người Jrai. Chiếc thuyền được tạo ra từ những thân gỗ lớn. Từ những dụng cụ đơn sơ, qua bàn tay khéo léo của người Jrai đã đục, đẽo thành những chiếc thuyền độc mộc. Nhưng trải qua thời gian, những chiếc thuyền độc mộc đã vắng bóng trên dòng sông vùng biên giới. Chính vì vậy, dịp nghỉ lễ 30.4-1.5 năm nay, UBND huyện Ia Grai đã tổ chức lễ hội đua thuyền độc mộc nhằm phối hợp cùng với bà con trên địa bàn bảo tồn loại thuyền đang dần bị lãng quên này. Bên cạnh đó, góp phần phát triển du lịch của huyện Ia Grai nói riêng và tỉnh Gia Lai nói chung.
Những chiếc thuyền độc mộc được đục đẽo bằng các dụng cụ đơn sơ trở thành tâm điểm của lễ hội mùa này.
Ông Lê Ngọc Quý – Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Grai chia sẻ: “Thuyền độc mộc nhiều năm qua không còn dùng nữa, người già có kinh nghiệm chọn lựa cây gỗ, đến cách tính toán rồi đẽo nên một chiếc thuyền độc mộc hoàn chỉnh nay chỉ đếm trên đầu ngón tay. Để bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống của thuyền độc mộc gắn liền với tên tuổi của người anh hùng A Sanh (người lái đò trên dòng Pô Kô), UBND huyện đã quyết định lựa chọn loại hình thuyền gỗ truyền thống và dòng sông huyền thoại một thời để tổ chức hội đua thuyền lần này. Đây là việc làm cần thiết để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đang ngày mai một trên địa bàn huyện”.
Đến với lễ hội đua thuyền lần đầu tiên trên dòng sông Pô Kô, du khách còn được tận mắt chứng kiến cuộc tranh tài hấp dẫn đến từ các đội đua.
Ngoài ra, gắn với lễ hội ban tổ chức còn trưng bày nhiều gian hàng đặc sản của địa phương như: Chôm chôm, sầu riêng, cà phê, cá cơm lòng hồ Sê San… Khi tham gia lễ hội, du khách còn được trải nghiệm các món ẩm thực cơm lam, gà nướng…
Nguồn: Danviet.vn