Tác giả trên đường tác nghiệp ở Châu Âu – Ảnh: NVCC
Một buổi sáng yên tĩnh ở thị trấn vùng biên giữa ba nước Slovenia, Áo và Italia, tôi thức dậy ngó ra cửa sổ, thấy những cành cây trơ trụi không lá, chóp nhà thờ và những nóc nhà xa xa dưới thung lũng. Vạn vật chìm trong màu trắng thanh bình và lặng lẽ của sương sớm, và của tuyết hòa làm một.
Tôi thích cái cảm giác êm dịu và dễ chịu mà mình có được trong những buổi sáng thế này. Mỗi chuyến đi là một lần mở mang thêm đầu óc, và thấy lòng phơi phới hơn. Bản đồ chất trong xe, GPS bật lên, thông tin đã chuẩn bị sẵn, máy ảnh nạp đầy pin… thế là đi.
Không giàu tiền nhưng giàu trải nghiệm
Tài sản không chỉ là tiền bạc mà còn là trải nghiệm – Ảnh: Pixabay
Những chuyến đi đưa tôi đến những vùng đất lạ và hiểu thêm về những gì mình đã đọc, đã biết, nhưng chưa từng tận mắt chứng kiến hoặc trải qua. Tôi cũng gặp vô số người xa lạ nhưng độc đáo. Chẳng hạn như ở quốc gia bé tí tẹo Liechtenstein, tôi gặp một anh chàng đang thong thả lùa một đàn cừu trên đường. Hỏi ra mới biết, anh ấy là một tiến sĩ sử học, lùa cừu đi chơi… cho vui!
Tôi nhớ lại khi ở Ý, gia đình tôi có quen một gia đình người Mỹ cởi mở đến từ ngoại ô San Francisco. Người cha là một chuyên gia thiết kế đồ họa, từng mang vợ và ba con trai sang sống ở Hong Kong, Bangkok, rồi Pháp và Ý.
Họ, những người Mỹ nhưng “chết mê mệt” vì nước Ý và cho con học trường Pháp, hưởng thụ giáo dục kiểu Pháp, là ví dụ tiêu biểu về những công dân toàn cầu. Gia đình 5 thành viên ấy (và một chú chó xù) đã luôn di chuyển bằng xe camper trên những nẻo đường Châu Âu trong những kỳ nghỉ.
Họ rong ruổi trên rừng, các công viên quốc gia, các bãi biển nổi tiếng và hoang sơ nhất ở nhiều nơi trên thế giới. Họ cứ đi như thế, vừa đi vừa tìm hiểu, vừa học, và gắn kết các mối quan hệ gia đình với con cái và chồng vợ trong hành trình của mình.
Chụp trên một con phố của San Sebastian, xứ Basque, Tây Bắc Tây Ban Nha – Ảnh: Trương Anh Ngọc
Điều mà họ thu lượm được trong các chuyến đi là gì? Ông bố thiết kế đồ họa bảo, “tôi nhìn thấy thế giới mà ta đang sống và tôi thấy mình là một nhân tố trong đó”. Chị vợ ông bảo, “tôi tiếp cận các nền văn hóa, tôn giáo và những ngôn ngữ khác nhau, tôi thích thế”.
Đối với họ, những chuyến đi cũng là một cách để cân bằng cho cuộc sống và công việc của họ. Họ tận hưởng các chuyến đi một cách vui vẻ và đáng yêu nhất có thể. Họ không giàu tiền, họ khẳng định thế, nhưng họ giàu tri thức và vốn sống.
Họ bảo, “chúng tôi đi, bởi chúng tôi cũng muốn con cái mình hiểu rằng, thế giới này thật rộng và ta cần phải đi để tìm hiểu nó”.
“Đi dạy ta về lòng bao dung”
Càng đi càng thêm hiểu mình, hiểu người – Ảnh: NVCC
Việc đi, tự thân nó cũng đã là một sự xê dịch, di chuyển và để làm được điều ấy, đòi hỏi rất nhiều kỹ năng khác nhau và sự hiểu biết, nhưng quan trọng nhất là ý thức và tư duy.
Nếu bạn cảm thấy thế giới trước mắt bạn chật hẹp và đơn giản bạn cần những điều mới mẻ hơn những gì bạn đã trải qua, bạn sẽ làm những điều nào đó để kiếm tìm cảm giác mới, trải nghiệm mới, những con người mới và thậm chí, những tâm hồn đồng điệu, vốn không ở nơi mà bạn đang sống.
Trên một cung đường Nam Phi – Ảnh: Trương Anh Ngọc
Việc đi do đó xuất hiện như một lẽ đương nhiên, như một nhu cầu tự thân thúc đẩy mình tiếp cận những cái mới, những trải nghiệm mới. Những trải nghiệm ấy có khi ngay trong thành phố của bạn, nhưng cũng có khi xa hơn, ở nơi nào đó trên thế giới, và tùy hoàn cảnh sống, tùy túi tiền, tùy những cơ hội mà bạn tạo ra để có được, mà bạn đi đâu và làm gì.
Thế giới đã rộng mở hơn trong sự hội nhập, các cơ hội đi ra thế giới cũng nhiều hơn. Tấm hộ chiếu của chúng ta cũng đã được nhiều nước chấp nhận mà không cần đến visa, tại sao bạn lại ngồi một chỗ, nhìn những người khác đang tung bay ở các phương trời bằng suy nghĩ nhỏ hẹp và đôi khi phiến diện của bản thân?
Mình đã học được cách không phán xét người khác không cùng quan điểm, đã biết cách vị tha và lắng nghe nhiều hơn, một phần chính vì những chuyến đi đã mở mang cho mình tầm mắt và giúp mình thấy đang thiếu điều gì trong tri thức và tâm hồn.
Tuyết trắng ở Slovenia – Ảnh: Trương Anh Ngọc
Đi cũng là để học, để nhìn ra những gì khiếm khuyết của bản thân mình, và càng đi sẽ càng thấy mình chỉ là một hạt cát bé xíu trong sa mạc của cuộc đời này, hành tinh này.
Nhà văn người Mỹ Eugene Fodor nói, “Bạn không cần phải có nhiều tiền để có thể du lịch một cách hoành tráng”. Nhà văn người Brazil Paulo Coelho lại nói: “Đi chưa bao giờ là vấn đề về tiền bạc mà là lòng dũng cảm”.
Lòng dũng cảm ấy có thể chính là sự dũng cảm thoát khỏi những điều tẹp nhẹp và ti tiện của đời thường để thay đổi cách nhìn về thế giới, và đến với nó, bằng những chuyến đi… Như Benjamin Disraeli từng viết: “Đi dạy ta về lòng bao dung”.
Tôi cũng luôn luôn nghĩ đi giúp ta khiêm tốn hơn, bao dung hơn, điềm đạm hơn. Và đi rồi lại muốn đi nữa. Sự kết thúc của hành trình này chính là sự mở đầu của những hành trình mới. Cứ thế mãi. Trên đường. Đi, khi ta còn rất trẻ.
Nguồn: Dulich.tuoitre.vn