Đi cấy cùng mẹ ngày cuối năm

0
6
pNhc2aBs.jpg

Mời bạn đọc thi viết “Giúp mẹ ngày xuân”Tải MẪU DỰ THI tại đâyMời bạn đọc xem tất cả bài thi được đăng tại đây

pNhc2aBs.jpgPhóng to
Mùa xuân ra đồng – ảnh chỉ mang tính chất minh họa của tác giả Nguyễn Văn Toàn dự thi ảnh Xuân trong tôi

Mẹ à! Dù xa quê đã lâu nhưng tất cả những gì đặc trưng của tết quê mình con vẫn nhớ rất rõ. Đôi khi con thấy thèm lắm cái lạnh “cắt da thịt”, con nhớ lắm những đêm giao thừa mưa phùn, con ước lại được ngồi ngủ gật bên nồi bánh chưng cùng bố. Con thích cảm giác được dọn dẹp nhà cửa, con muốn lại được đi chợ tết cùng mẹ, được đi nghĩa trang thắp hương mộ ông bà… Và mẹ biết không, hơn tất cả, con thèm được một lần tìm lại cái không khí vội vã, những tiếng cười vui vẻ trên những ruộng cấy ngày cuối năm. Tại mẹ sinh con trên quê lúa nên cảm xúc về tết của con cũng khác vậy đấy mẹ à.

Bao giờ cũng thế, cứ năm nào có lịch cấy trước tết là năm đó thấy tết vui hơn (hay là do con nghĩ vậy thôi?). Những ngày cận tết, trên cánh đồng dường như vui hơn, ai cũng cố gắng làm cho xong trước tết. Tuy là vội vã nhưng vẫn rộn lên những câu chuyện về việc gói bánh chưng, dọn nhà, mua sắm… cho tết. Và dường như không khí đó làm cho cái lạnh cuối năm bớt buốt giá hơn!

Cũng trong cái lạnh của những ngày cuối năm ấy, trên những thửa ruộng ấy, có một chuyện khiến con day dứt mãi. Con nhớ năm đó cấy muộn, nhà mình neo người nên mãi đến ngày 28 mới cấy xong. Vậy là còn hai ngày để chuẩn bị. Trên cánh đồng vẫn còn nhiều thửa ruộng trắng. Chiều 28, mẹ con mình cấy nốt thửa còn lại, con đã kể mẹ nghe bao nhiêu là dự định về ngày hôm sau đi chợ tết cùng bạn, về việc dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị tết như thế nào…

Rồi có người đi qua nói với mẹ: “Ruộng nhà chị ở Đồng Trong mạ héo hết rồi, do mấy hôm trời lạnh quá đấy mà, chị đi xem để còn cấy lại cho kịp vụ”. Nghe đến đó thôi là cái mặt con nhăn lại, ấm ức một cách vô lý mà không kịp để ý đến tiếng thở dài mẹ đang cố nén. Thay vì an ủi mẹ, con đã im lặng. Đoán được ý nghĩ của con, mẹ bảo: Mai con cứ đi chợ, để mẹ làm, được bao nhiêu thì được, còn đâu ra tết tính. Những hình ảnh về phiên chợ tết đã tạo điều kiện để tính ích kỉ, trẻ con trong con lớn thêm khiến con không kịp suy nghĩ để rồi buông một câu “dạ” ngon lành đến thế.

Đến tận bây giờ giây phút đó vẫn là nỗi xấu hổ trong con. Con chưa bao giờ kể mẹ nghe lý do tại sao ngày hôm sau con đã không đi chợ mà ở nhà giúp mẹ. Khi đang trên đường đi chợ, ngang qua ruộng nhà mình, cảnh tượng ruộng lúa héo đi vì rét đã khiến con phải dừng lại. Cho đến tận bây giờ con cũng không biết tại sao hình ảnh đó lại tác động đến con nhiều đến thế. Tưởng tượng ra cảnh một mình mẹ nhỏ nhoi trên ruộng nước mênh mông khiến con thấy xót xa. Con chỉ bỏ công một buổi sáng trên thửa ruộng đó, nhưng mẹ đã gắn bó cả cuộc đời với cây lúa, sao mẹ có thể “để qua tết được”, điều đó cũng đồng nghĩa với việc mẹ sẽ “ăn tết không ngon”. Lúc con thấy cay cay nơi sống mũi cũng là lúc con nhận ra sự vô tâm của mình, là lúc con thấy xấu hổ và hối hận, là lúc con nhận ra mình mới chỉ lớn chứ chưa trưởng thành… Và con đã quay về!

Những năm xa quê, những cái tết xa nhà giúp con hiểu rằng mình hạnh phúc hơn rất nhiều người. Và con biết rằng chưa bao giờ con ghét tết. Dù là xa nhà, dù là thiếu thốn nhưng con còn được ngồi đây, ôn lại những kỷ niệm cùng mẹ sau một năm bận rộn đã là một may mắn. Những cái tết nhắc con về trách nhiệm, về tình cảm gia đình, giúp con biết yêu thương nhiều hơn!

Và vì thế, mẹ đừng buồn vì con ở xa, mẹ nhé! Những ngày cuối năm, con lại tự hỏi “đồng quê mình đã cấy xong chưa!”.

Cuộc thi viết “Giúp mẹ ngày xuân” sẽ nhận bài đến 24g ngày 31-12-2013, dành cho tất cả công dân Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam (trừ cán bộ, nhân viên báo Tuổi Trẻ).

Bài thi có thể đề cập đến một hay nhiều nội dung sau: chia sẻ những cảm xúc, kỷ niệm khi cùng mẹ chuẩn bị đón tết cổ truyền, những suy nghĩ, ý thức, trách nhiệm với cha mẹ và gia đình trong ngày tết, những kế hoạch dự định giúp đỡ mẹ trong việc chuẩn bị đón tết cổ truyền… Những nội dung trên chỉ mang tính gợi ý. Các câu chuyện chia sẻ trong bài thi cần là người thật, việc thật.

Bài viết dưới 1.000 chữ bằng tiếng Việt có dấu, chưa từng đăng tải ở bất cứ đâu, kể cả các trang mạng xã hội, blog, diễn đàn…; khuyến khích bài thi có thêm hình ảnh hay hình vẽ minh họa.

Có hai cách gửi bài: truy cập địa chỉ liên kết http://tuoitre.vn/giup-me-ngay-xuan, vào mục “Gửi bài” và thực hiện theo hướng dẫn; hoặc tải mẫu dự thi TẠI ĐÂY, hoàn tất bài thi và gửi về email toasoantto@gmail.com. Ban tổ chức không nhận bài viết tay gửi qua đường bưu điện.

Các bài dự thi tốt sẽ được đăng hoặc trích đăng trên Tuổi Trẻ Online (tuoitre.vn) và trang web của cuộc thi http://tuoitre.vn/giup-me-ngay-xuan và không có nhuận bút.

Cuộc thi là một hoạt động nằm trong chuỗi chương trình “Giúp mẹ ngày xuân” do Hội Liên hiệp thanh niên VN TP.HCM, báo Tuổi Trẻ và Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM phối hợp tổ chức, với sự tài trợ của Công ty Procter & Gamble Việt Nam và Saigon Co-op. Lễ trao giải dự kiến vào ngày 12-1-2014 tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM.

Cơ cấu giải thưởng:

Mỗi giải thưởng gồm giấy chứng nhận của ban tổ chức và các sản phẩm từ đơn vị tài trợ, cụ thể:

– 1 giải nhất: 1 chuyến du lịch dành cho người đoạt giải đi cùng với mẹ trị giá 20 triệu đồng và 1 năm sử dụng sản phẩm Ariel và Downy của P&G

– 1 giải nhì: 1 máy giặt trị giá 5 triệu đồng và 1 năm sử dụng sản phẩm Ariel và Downy của P&G

– 1 giải ba: 1 lò viba trị giá 3 triệu đồng và 1 năm sử dụng sản phẩm Ariel và Downy của P&G

– 1 giải bài viết được bạn đọc bình chọn nhiều nhất (dựa trên số lượng bạn đọc bình chọn cho bài viết tại trang web của cuộc thi): 1 máy hút bụi trị giá 3 triệu đồng và 1 năm sử dụng sản phẩm P&G (12 gói sản phẩm Tide + Downy)

– 6 giải khuyến khích: 1 năm sử dụng sản phẩm P&G (12 gói sản phẩm Tide + Downy)

Nguồn: Dulich.tuoitre.vn