Chèo thuyền vượt thác trên sông Ayung – Ảnh: Thủy Trần |
Đu dây tử thần, leo núi hay chèo thuyền vượt thác vốn là những môn thể thao – du lịch mạo hiểm khá phổ biến ở nước ngoài và mới xuất hiện ở Việt Nam, cụ thể là ở tận Madagui (Lâm Đồng) – quá xa cho lữ khách sống ở tận miền Bắc.
Vì thế, mắt bạn tôi trở nên long lanh và háo hức, khi cầm tờ rơi giới thiệu “White water rafting – chèo thuyền vượt thác” đầy màu sắc trên ban công nhà nghỉ ở Ubud (đảo Bali, Indonesia).
1. Bali – điểm đến nổi tiếng với dịch vụ du lịch chuyên nghiệp. Có đến 3-4 công ty chào bán “tour Bali rafting” nhưng chi phí cao quá, toàn ở mức 60-70 USD/khách, mức giá đủ làm “đau đầu” dân đi bụi. Sau một hồi lùng sục thông tin trên mạng, chúng tôi cũng tìm ra được một trang web, có lẽ là công ty cung cấp tour rafting rẻ nhất ở Bali.
Chèo thuyền vượt thác là một trò chơi đòi hỏi tinh thần đồng đội, sự mạo hiểm và lòng dũng cảm. Chỉ nghĩ đến việc được cầm mái chèo ngồi trên thuyền hơi băng qua thác ghềnh, trôi đi giữa thiên nhiên hoang dã là đã thấy rạo rực ở trong người.
Chúng tôi lập tức liên hệ với balitobali.com để bắt đầu cơ hội được khám phá một Bali khác từ những dòng sông.
Khung cảnh thanh bình trên đường xuống bến sông – Ảnh: Thủy Trần |
Hai người trong chúng tôi chọn sông Ayung, một dòng sông xinh đẹp ở gần Ubud và hai người còn lại chọn Telaga Waja, dòng sông bắt nguồn từ chân ngọn núi thiêng Agung, nơi có ngôi đền mẹ Besakid danh tiếng.
Nếu không phải là dân địa phương đi chợ sớm thì Ubud sẽ thức dậy khá muộn. Khoảng 9g kém 15, khi tôi vừa kết thúc bữa sáng tại khách sạn thì người lái xe đã đợi ở dưới sảnh. Trên xe có 3 thanh niên địa phương đến từ đảo Java, 1 cô gái người Bỉ và 1 cô người Thụy Điển, cùng 2 người Việt Nam.
Câu chuyện trên xe diễn ra cực kỳ sôi nổi. 3 khách người địa phương đã từng đi Chèo thuyền vượt thác và đây là lần thứ 3 họ đến với Telaga Waja. Hai cô gái kia cũng như chúng tôi, khá hồi hộp vì đây là lần đầu tiên trong đời. Chúng tôi cùng chia sẻ với nhau những kinh nghiệm du lịch bụi ở Bali, thậm chí cả ở Việt Nam.
Nhận trang bị cá nhân: Mũ bảo hiểm, áo phao và mái chèo để chuẩn bị hành trình – Ảnh: Thủy Trần |
2. Chiếc ô tô nhanh chóng rời xa cố đô Ubud xinh đẹp, bon bon trên con đường chạy giữa những ngôi làng, những cánh rừng và những thửa ruộng bậc thang đang vào mùa gieo mạ. Núi Agung vươn mình trên nền trời xanh thẳm, kiêu hãnh và hùng vĩ.
Đã 3 lần đến thăm đền Besakid, ngôi đền vốn tựa lưng vào ngọn núi linh thiêng này, vậy mà đây là lần đầu tiên tôi được “diện kiến” Agung. Bởi lẽ, 3 lần đến Besakid là 3 lần ngôi đền chìm trong mưa gió và mây mù.
Khi chúng tôi đến điểm tập kết thì đã có vài chục du khách ở đó. Rất nhanh chóng, các nhóm được chia ra, nhận hướng dẫn viên, mái chèo, áo phao và đội mũ bảo hiểm. Du khách được yêu cầu cất hết tài sản vào túi chống nước, trừ máy ảnh chuyên dụng. Không khí náo nhiệt và phấn khích vô cùng.
Băng qua một cánh đồng lúa với dừa lửa trồng xen kẽ – một hình ảnh điển hình của Bali, chúng tôi đến bờ con sông Telaga Waja. Những chiếc thuyền hơi được làm căng và đưa xuống nước. Du khách được hướng dẫn cách phối hợp và di chuyển, nhớ các hiệu lệnh tiến lên, lùi xuống, cúi đầu hay nằm ngả ra phía sau.
Có khoảng hơn 10 thuyền phao cho du khách, một thuyền cứu hộ riêng luôn đi sau cùng.
Đợi xuất phát trên bờ sông Telaga Waja – Ảnh: Thủy Trần |
3. 11g. Nắng lấp lánh xuyên qua những tán dừa rọi xuống mặt sông. Đội của tôi cùng một cặp Hàn Quốc đi trăng mật xuất phát sau cùng bắt đầu thả trôi theo dòng Telaga Waja. Dòng nước trong trẻo mát lạnh kéo thuyền đi, nhanh chóng vượt qua đoạn bến sông êm đềm.
Tốc độ dòng chảy vào mùa mưa khá nhanh và mạnh, lòng sông không quá sâu nhưng gập ghềnh đá. Chiếc thuyền lao đi, va vào đá tảng xoay tròn, các tay chèo loay hoay đẩy thuyền ra, rồi lại lao đi. Tiếng hú, tiếng hò la, tiếng cười giòn tan, cả tiếng mái chèo đập nước vang lên rộn rã cả một khúc sông.
Mọi người phải liên tục dùng chèo để đẩy thuyền vượt qua ghềnh đá.
Con sông xinh đẹp chảy giữa hai sườn núi cao vời vợi, đâu đó có những thửa ruộng bậc thang vừa gieo mạ, đám cây bụi xanh um, những thác nước ẩn mình đổ xuống từ trên cao. Thật là một bức tranh thiên nhiên hoang sơ xinh đẹp. Ai cũng hòa mình vào không gian ấy, cùng chia sẻ những giây phút sống động với bạn đồng hành, với thứ cảm xúc vừa phấn khích, vừa lâng lâng, tưng bừng và đôi khi… hốt hoảng.
Mỗi lần nghe hiệu lệnh ngả người ra sau là một lần thót tim khi thuyền lao đánh rầm vào vách đá hay trôi qua đánh vèo ngay dưới một đoạn cây đổ vắt ngang trên mặt nước. Mỗi lần phải hợp sức nhún nhảy để gỡ thuyền ra khỏi nơi mắc cạn là thêm một lần tinh thần đồng đội được phát huy.
Thời tiết khá tốt, nắng nhẹ, trời xanh. Hơi thở rừng nhiệt đới tràn ngập.
Sau khi chèo độ 1 giờ, chúng tôi dừng nghỉ tại một bãi đất trống ven sông trước khi chèo nốt nửa quãng đường còn lại. Khuôn mặt ai nấy đều đỏ bừng, ướt nhẹp và hân hoan một cách kỳ lạ. “Tuyệt vời” và “Không thể tin được” là những câu mà nhiều du khách thốt lên, sự thỏa mãn thể hiện rõ trong ánh mắt và nụ cười.
Trên sông TelagaWaja – Ảnh: Thủy Trần |
4. Thử thách cuối cùng và cũng là giây phút đáng nhớ nhất trong hành trình là khi chúng tôi thả thuyền trôi qua một đập nước cao chừng 4m. Hướng dẫn viên yêu cầu chúng tôi nắm chắc vào dây thừng, nằm ngả ra phía sau và đẩy thuyền tiến lên phía trước.
Chưa kịp suy nghĩ gì thì hẫng một cái, chiếc thuyền phao dựng đứng mình lao xuống, nước đổ ập lên người và tất cả hạ cánh “bùm” xuống sông. Chỉ trong tích tắc, trong tiếng la hét là tiếng cười đùa của các nhóm khách cũng vừa thả thuyền “bùm, bùm” như chúng tôi.
Hành trình chèo thuyền vượt thác tiếp tục trong một cơn mưa bất ngờ và kết thúc sau hai giờ mệt nhoài. Mọi người đi bộ lên lưng chừng núi, băng theo lối mòn đầy hoa lá và cỏ dại, những bờ ruộng bé xíu chênh vênh để tới điểm ăn trưa.
Ngôi nhà sàn đầy nắng, thênh thang giữa núi rừng và đồng lúa, với những phần ăn đậm chất Indonesia. Bạn tôi ngồi trên băng ghế, mắt nhìn về phía dòng Telaga Waja, háo hức bảo, lần sau trở lại Bali, nhất định chúng mình lại đi “white water rafting”!
Chụp ảnh lưu niệm với bạn đồng hành sau một hành trình thú vị – Ảnh: Thủy Trần |
Thông tin cho bạn + Ở Bali có hai dòng sông để du khách lựa chọn chèo thuyền vượt thác gồm: • Sông Ayung, gần cố đô Ubud: Với phong cảnh lãng mạn và thơ mộng đôi bờ, những khu resort xinh đẹp xen kẽ với những thửa ruộng bậc thang trù phú, những thác nước ẩn mình, vách đá được chạm khắc nghệ thuật. • Sông Tegala Waja bắt nguồn từ trên núi Agung: len lỏi trong những cánh rừng nhiệt đới với thiên nhiên hoang dã, những dòng suối trong trẻo và thác nước đầy thách thức. + Du khách thường phải dành ra một ngày cho mỗi tour chèo thuyền vượt thác kéo dài khoảng 2 giờ cho một quãng đường sông dài 10-12km tùy tour và tùy theo điểm xuất phát của công ty tổ chức tour. Các du khách được gom lại và đi cùng nhau, chia đội 4 người/1 xuồng hơi, mỗi xuồng có một người hướng dẫn. + Chi phí cho một khách, +/- 275.000 Rupiad (khoảng 550.000 đồng), thậm chí rẻ hơn nếu bạn mặc cả khéo với các đại lý bán tour, bao gồm: chi phí đón và đưa về khách sạn; dụng cụ và thiết bị an toàn cho trò chơi, hướng dẫn viên, túi chống nước để bảo vệ tài sản, khăn tắm, phòng tắm và thay đồ, ăn trưa và chi phí bảo hiểm (cho du khách từ 7-60 tuổi). + Thời gian đón/gom khách từ các điểm khác nhau trên đảo như Nusa Dua, Kuta, Legion, Sanur, Ubud được lên kế hoạch rất chi tiết và khá chính xác. Bạn nên chọn tour xuất phát vào buổi sáng cho dù với sông Ayung các công ty tổ chức làm 2 tour sáng, chiều. Tour trên sông Telaga Waja, với tốc độ dòng chảy nhanh và gập ghềnh hơn so với Ayung, chỉ hoạt động vào buổi sáng và kết thúc vào buổi chiều. |
Nguồn: Dulich.tuoitre.vn