Lần đầu đến Hà Nội để nấu các món ăn phục vụ thực khách Việt, đầu bếp Eelke Plasmeijer muốn nguyên liệu hoàn toàn từ địa phương.
Eelke Plasmeijer là bếp trưởng của nhà hàng Locavore, nằm ở trung tâm Bali, Indonesia. Trước khi chuyển tới đây, anh từng có thời gian phục vụ tại một nhà hàng 2 sao Michelin ở Amsterdam, Hà Lan.
Hiện Eelke đam mê xu hướng ẩm thực locavore. Locavore là từ ghép từ local (địa phương) và vorous (ăn), mang ý nghĩa “những người chỉ mua ẩm thực gần nhà, trong vòng bán kính 160 km”. Tại các điểm xa xôi hơn, người dân sẽ tính ẩm thực locavore trong bán kính 400 km.
Món cá chiên với gạo rang, ăn kèm khế chua, củ đậu muối mặn ngọt Eelke phục vụ thực khách Việt Nam. Ảnh: Kim Ngọc. |
Xu hướng này được nhiều người yêu thích vì cho rằng, thực phẩm trồng tại địa phương luôn tươi ngon, bổ dưỡng. Nó cung cấp cho thực khách một chế độ ăn uống lành mạnh hơn so với thực phẩm nhập khẩu hay bán trong siêu thị. Ngoài ra, ăn thực phẩm trồng tại địa phương có tác dụng bảo vệ môi trường, giảm tối đa khí thải nhà kính, ô nhiễm không khí, đất và nước.
Mỗi món ăn Eelke mất thời gian lên ý tưởng khác nhau. Có món, anh chỉ mất một vài giờ là hoàn thành xong công thức, có món mất hàng tuần, thậm chí hàng tháng. Ảnh: Kim Ngọc. |
Còn đối với Eelke, việc sử dụng các nguyên liệu địa phương nhằm tôn vinh nét đẹp ẩm thực truyền thống của nơi anh nấu ăn. Khi đến Việt Nam, Eelke đã mang theo danh sách các món ăn ngon nhất, được yêu thích nhất của mình ở Bali để phục vụ người dân.
Tuy nhiên, thay vì dùng nguyên liệu, các loại rau, gia vị của người Indonesia, anh tìm thực phẩm tương tự ở Việt Nam để chế biến. Ví dụ như khi làm món cocktail từ quả dâu Indonesia, Eelke dùng hạt lựu ở Việt Nam để thay thế, vì tính chất của hai món này tương tự.
Eelke cho biết ẩm thực Việt Nam rất tươi, ngon, thậm chí các loại rau, củ, quả còn đa dạng hơn ở Indonesia. Do vậy, anh không quá khó khăn để tìm các loại thực phẩm chế biến món ăn.
Anh Minh
Nguồn: Vnexpress.net