Đạp xe trên con đường ‘tử thần’

0
13
Cây Thánh giá đặt ven đường Yungas. Ảnh: Arestia Rosenberg.

Bolivia Đạp xe trên đường Yungas với những khúc cua tay áo và không rào chắn, phượt thủ có thể bỏ mạng trong nháy mắt, nếu bất cẩn.

Dưới đây là hành trình đạp xe của Arestia Rosenberg, phóng viên Daily Beast, trên đường Yungas tại La Paz.

Tôi đang lao xuống dốc thì một chiếc xe bán tải khổng lồ bỗng xuất hiện ở khúc ngoặt. Trong một giây, tôi phải quyết định: đi chậm lại để nhìn xung quanh với nguy cơ mất lái và bị chấn thương, hoặc cứ tiến lên phía trước và có thể bị xe tông. Đánh liều đạp nhanh hơn và đi vòng qua khúc cua, tôi may mắn bình an vô sự.

Suốt hành trình đạp xe trên đường Yungas, tôi đã phải đưa ra nhiều quyết định sống – chết trong nháy mắt. Chỉ cần một sai sót, bạn có thể ngã xuống… vách đá sâu hơn 600 m.

Đó là lý do Ngân hàng Phát triển liên Mỹ (IDB) gọi Yungas là con đường nguy hiểm nhất thế giới vào năm 1995. Những đoạn đường hẹp, hàng loạt khúc cua tay áo, không rào chắn, vực sâu bên dưới, sương mù dày đặc, thác nước đổ ngang đường, đá lở và bụi bặm là mối nguy hiểm thường trực. Hàng năm có tới 200 – 300 người bỏ mạng tại đây.

Cây Thánh giá đặt ven đường Yungas. Ảnh: Arestia Rosenberg.

Cây Thánh giá đặt ven đường Yungas. Ảnh: Arestia Rosenberg.

Con đường “tử thần” thu hút hơn 25.000 người đạp xe đam mê mạo hiểm tới chinh phục hàng năm. Tuy vậy, tôi không phải là người thích đạp xe trên địa hình núi cao và chẳng có chút kinh nghiệm chinh phục bất kỳ một con đường nào trên núi.

Khi đến La Paz vào năm 2017, tôi biết mình buộc phải đi xe đạp trên đường Yungas. Dân địa phương và những người ngoại quốc định cư ở đây liên tục giới thiệu với tôi rằng, đó là một trải nghiệm không nên bỏ lỡ, sẽ an toàn nếu có hướng dẫn viên. Tôi không nghĩ mình sẽ lâm vào nguy hiểm chết người, nhưng chấn thương là điều có thể. Dù vậy, tôi vẫn ngồi trên xe tải với 17 người khác vào một sáng sớm thứ bảy, tuần đầu tiên của tôi ở thị trấn, để trải nghiệm đạp xe.

“Khoảng 20 người đạp xe đã chết tại đây từ năm 1998. Điều tôi sợ nhất là mất lái và bị chấn thương”, Marina Lvova, một tay mơ đồng hành với tôi trong chuyến này, nói.

Phượt thủ được trang bị mũ bảo hiểm chắc chắn. Ảnh: Arestia Rosenberg.

Phượt thủ được trang bị mũ bảo hiểm chắc chắn. Ảnh: Arestia Rosenberg.

Con đường dài khoảng 64 km từ thành phố La Paz đến thị trấn Coroico, Bolivia phần lớn là dốc xuống, còn chuyến đạp xe bắt đầu từ độ cao hơn 4.600 m và kết thúc tại đoạn đường ở độ cao 1.188 m. Năm 2006,  một đoạn đường mới đi vào hoạt động với làn rộng hơn, rào chắn và vỉa hè – nhưng đó không phải cung đường chúng tôi đi.

Hướng dẫn viên Hector Varga đảm bảo rằng tôi sẽ ổn. Tôi cố gắng tin tưởng vì anh ấy nói mình có 16 năm kinh nghiệm với 250 lần dẫn khách mỗi năm.

“Đôi khi bạn dính chấn thương vì quá khích và vượt quá giới hạn của bản thân”, Hector giải thích khi xe tải leo lên dãy núi Andes. “Điều quan trọng là lái một xe đạp tốt, đi cùng người có kinh nghiệm và hướng dẫn rõ ràng. Bạn phải tuân thủ các quy tắc. Người Bolivia không thường xuyên làm theo quy tắc, vì vậy họ chấp nhận rủi ro”.

Sau khi nhìn ngắm vài con lạc đà alpaca và dãy núi tuyết, chúng tôi lên đến đỉnh núi và bắt đầu hành trình. Hector và những phụ tá dỡ xe đạp xuống, chuẩn bị hành trang cho cả đoàn. Chúng tôi phải đội mũ bảo hiểm trông như loại dành cho người lái motor chứ không phải đạp xe trên núi, mặc áo phản quang màu cam và đeo găng tay.

Cả đoàn nghe hướng dẫn an toàn, đảm bảo tất cả đi với tốc độ vừa sức, đi một hàng, giữ khoảng cách ít nhất 5 – 10 m và theo lề bên trái đường. Đi bên trái? Phần đường gần vực sâu hơn mà không hề có rào chắn sao? Tôi không nghe lầm, rõ ràng khi xuống núi, ôtô và xe đạp không bao giờ đi bên phải đường. Tôi dần hiểu hơn vì sao con đường này lấy đi sinh mạng của nhiều người đến thế.

Tôi lấy xe và lên đường. Chúng tôi cứ đi và dừng tại nhiều điểm để chụp ảnh hoặc nghỉ. Trời lạnh cóng, lập tức tôi phải lấy thêm áo khoác xuống từ xe tải. Chiếc xe này sẽ đi theo đoàn để cung cấp đồ dùng cần thiết, đề phòng bất cứ ai muốn dừng lại hoặc cần hỗ trợ y tế.

Đi trên con đường nhựa quanh co, tôi rất thoải mái và cảm thấy mình đang làm tốt mà không biết rằng khúc này là đoạn đường mới. Khi dừng trước hầm chui, Hector báo rằng phía trước là khoảng 30 mét rải sỏi – đoạn để chúng tôi làm quen với phần còn lại của hành trình. Đường hầm không nhiều sỏi bằng đá vụn, bánh sau nghiêng ngả liên tục khiến tôi khó khăn lắm mới có thể vững tay lái.

Đây mới là điểm bắt đầu thực sự của con đường “tử thần”. Tôi bắt đầu hoảng loạn. Chúng tôi lại lên xe tải một lát và ngắm nhìn cảnh quan chuyển từ vùng cận nhiệt đới sang nhiệt đới trước khi tiếp tục thử thách.

Chặng đường nhấp nhô đá sỏi. Ảnh: Arestia Rosenberg.

Chặng đường nhấp nhô đá sỏi. Ảnh: Arestia Rosenberg.

Tôi cởi bớt áo khoác khi đạp xe giữa những rặng núi, lao qua thác nước và dòng sông cắt ngang đường, ngơ ngẩn trước cây cỏ tốt tươi… Mỗi lần như vậy tôi phải dặn mình tập trung, vì biết tai nạn có thể xảy ra vào những khoảnh khắc như thế. Tôi phải luôn nhìn về phía trước để trông chừng ổ gà hay đá tảng. Nhưng đôi khi nhìn xuống, tôi mới nhận ra chính xác mình đạp xe nhanh và gần mép vực đến đâu. Vài lần tôi gần như ngã khi vấp phải những đoạn mấp mô.

Tới vài điểm dừng, Hector chỉ vào những cột mốc đánh dấu nơi xảy ra tai nạn chết người. Tôi thấy một vài cột mốc trông như hộp thư. Hector cho biết đó là Đài tưởng niệm cho một số nạn nhân xấu số. Chúng tôi còn đi qua một dấu thập đánh dấu nơi 100 người tử vong trong chiếc xe buýt chạy đêm. Có vô số cột mốc và đài tưởng niệm dọc con đường, một số lưu giữ những câu chuyện nổi tiếng, còn phần nhiều số phận của những nạn nhân bị lãng quên.

Tới đoạn cuối cùng của chuyến đi, tôi thấy người đi trước ngã xuống. “Chúa ơi, anh ổn chứ?”, tôi gọi với. Tôi gần như mất thăng bằng khi cố dừng xe phía sau, nhưng anh ấy lại đứng lên như không hề có chuyện gì xảy ra. Rõ ràng, có người còn ít kinh nghiệm hơn tôi.

Đoàn đạp xe chụp ảnh lưu niệm tại một điểm dừng ven vách núi. Ảnh: Arestia Rosenberg.

Đoàn đạp xe chụp ảnh lưu niệm tại một điểm dừng ven vách núi. Ảnh: Arestia Rosenberg.

Hành trình kết thúc ở làng Yolosa, cách Coroico khoảng 7 km trên đường Yungas. Chúng tôi reo hò, đập tay và ăn mừng với vài cốc bia lạnh. Tôi phấn khích đến mức không thể diễn tả cảm giác của mình với bạn đồng hành. Chúng tôi đều cười đùa khi kể lại câu chuyện về chuyến đi của mình. 

Theo Daily Beast

Nguồn: Vnexpress.net