Đảo Hộ chiếu – biên giới kỳ lạ trên thế giới

0
8
Biên giới đất liền duy nhất ở Bahrain nhìn từ trên cao. Ảnh: CNtraveler.

Eo đất nối hai trạm biên giới của Bahrain và Arab Saudi trên đảo Hộ chiếu có thể là đường biên giới đất liền ngắn nhất thế giới.

Trên thế giới, có hơn 10 quốc gia chỉ có một đường biên giới giáp với một quốc gia khác. Bahrain là cái tên mới nhất góp mặt trong danh sách đó.

Theo CNN, Bahrain là quốc gia nhỏ thứ ba ở châu Á, có diện tích xấp xỉ Austin, Texas, Mỹ. Quần đảo của vùng Vịnh Ba Tư này nằm cách 22 km về phía đông so với Arab Saudi và 48 km về phía tây bắc so với Qatar. Vậy đường biên giới đất liền của quốc đảo này như thế nào?

Biên giới đất liền duy nhất ở Bahrain nhìn từ trên cao. Ảnh: CNtraveler.

Biên giới đất liền duy nhất ở Bahrain nhìn từ trên cao. Ảnh: CNtraveler.

Năm 1954, khi Vua Saud của Arab Saudi đến thăm tiểu vương quốc Bahrain, ông đã đề nghị xây một con đường đắp cao để nối liền hai nước. Người Bahrain cũng tỏ ý rất hào hứng với ý tưởng họ có thể bỏ thói quen lái xe bên trái và bắt đầu lái xe bên phải giống như những người hàng xóm. Do đó, Bahrain đã phải thay đổi toàn bộ bản đồ đường sá để có làn đi phù hợp với dự án cơ sở hạ tầng hoành tráng này.

Hàng tấn cát sỏi và đá nạo vét đã tạo nên một đường biên giới mới cho Bahrain. Đường cao tốc King Fahd được khai trương vào ngày 12/11/1986. Điều thú vị là biên giới quốc tế giữa hai quốc gia là một hòn đảo nhân tạo ở giữa cầu, được gọi là Đảo Hộ chiếu.

Mỗi quốc gia điều hành một trạm biên giới tại phần đất trên đảo của họ, và hai nửa được nối với nhau bằng một eo đất chỉ rộng 152 m. Thậm chí nó có thể đã đủ điều kiện để trở thành đường biên giới đất liền ngắn nhất trên Trái đất. Khi toàn bộ công trình mở cửa, nó đã trở thành con đường đắp dài thứ tư thế giới.

Đảo Hộ chiếu vào lúc hoàng hôn. Ảnh: Wikimap.

Đảo Hộ chiếu vào lúc hoàng hôn. Ảnh: Wikimap.

Đảo Hộ chiếu có diện tích không lớn hơn một sân golf ở Vịnh Ba Tư, nhưng lại là nơi dừng chân ấn tượng sau hàng giờ lái xe qua lại giữa Dammam của
Arab Saudi và Manama, thủ đô Bahrain. Mỗi nửa hòn đảo có nhà thờ Hồi giáo và các thương hiệu thức ăn nhanh của riêng mình.

Cả hai bên đều có một tòa tháp quan sát lộng lẫy với một nhà hàng được đặt trên đỉnh. Không có gì thư thái và yên bình hơn việc tận hưởng một số món ăn đặc trưng như fattoush hay moutabal và ngắm hoàng hôn lặn dần giữa biển khơi bao la.

Bạn có thể dành hàng giờ trên Đảo Hộ chiếu – dù bạn muốn hay không.

Nhưng nếu nghĩ rằng Đảo Hộ chiếu là một thiên đường của những nhà thờ hay quán ăn nhanh thì bạn đã lầm. Hòn đảo này thường xuyên gặp vấn đề về giao thông. Hầu hết tài xế trên đường cao tốc King Fahd là người Arab Saudi sẽ rời đi sau khi đã tận hưởng cả ngày trời nghỉ dưỡng và mua sắm (tận dụng các chính sách văn hóa, mua sắm và cả rượu bia thông thoáng hơn của Bahrain). Mỗi ngày có tới 27.000 phương tiện lưu thông qua con đường này. Vào cuối tuần, con số có thể tăng gấp đôi hoặc ba, khiến việc kiểm soát hộ chiếu có thể lên tới 3 tiếng.

Hai nước có kế hoạch mở rộng con đường lên tới 45 làn xe trên Đảo Hộ chiếu, và thậm chí có thể mở thêm một đường đắp thứ hai có đường sắt. Bên cạnh đó, nếu kế hoạch dài hơi Cây cầu Tự do Qatar Bahrain (“Qatar Bahrain Freedom Bridge”) được xây dựng theo mô hình tương tự, Bahrain có thể sẽ là quốc đảo duy nhất trên thế giới có hai đường biên giới đất liền tách biệt nhau.

Trường Đặng

Nguồn: Vnexpress.net