Ngay từ nhỏ, trẻ em Đan Mạch đã được cha mẹ dạy “thua cuộc” cũng là một điều đáng quý, vì nó là một phần của cuộc sống.
Người dân Đan Mạch thường được ca ngợi là những người hạnh phúc nhất trên thế giới. Họ thậm chí còn nổi tiếng với Hygge – phong cách sống tìm cho mình sự thỏa mãn, vui vẻ từ những việc đơn giản, nhỏ bé nhất.
Hạnh phúc đối với người dân ở quốc gia giàu có này thường đến từ việc rất bình thường như: cuộn tròn trong chăn ấm để đọc một cuốn sách, nhâm nhi cốc chocolate nóng, cười đùa với người thân dưới ánh nến lung linh…
Ngồi bên bếp lửa, đọc một cuốn sách trong đêm đông yên tĩnh cũng khiến người dân ở quốc gia Bắc Âu cảm thấy hạnh phúc. Ảnh: BBC. |
Nếu như phải đối mặt với những đen đủi bất khả kháng, người Đan Mạch cũng luôn sử dụng một câu thần chú mang tên “Pyt” để vượt qua. Cũng giống Hygge, Pyt không có từ tiếng Anh tương tự. Nó bao hàm ý nghĩa “đừng bao giờ để tâm”, “đừng lo lắng về vấn đề này” hoặc “hãy quên nó đi”.
Nói cách khác, Pyt là từ diễn đạt khía cạnh tích cực, thể hiện bạn chấp nhận một tình huống nằm ngoài tầm kiểm soát. Đôi khi, các tình huống ấy khiến bạn khó chịu. Pyt cũng được dùng để an ủi người khác, khuyến khích bạn chấp nhận, vượt qua khó khăn và tiến về phía trước.
Tháng 9/2018, Pyt được công nhận là từ vựng người dân Đan Mạch yêu thích nhất.
Người Đan Mạch thường thích bỏ qua mọi thứ không vui và tiếp tục tiến về phía trước, thay vì ngồi đó ca thán. Ảnh: BBC. |
Chris MacDonald, nhà sinh lý học, nhà văn và diễn giả người Mỹ, trong bài viết có tiêu đề “Những điều Đan Mạch dạy tôi về hạnh phúc”, cho biết Pyt là một trong những từ yêu thích của ông. Nó là âm thanh tích cực nhất mà Chris từng nghe. “Từ đó có một sức mạnh to lớn, nó giúp chúng ta buông bỏ để thay đổi. Tôi cảm nhận thấy có nhiều sự nhẹ nhõm ẩn chứa trong từ ngữ đó”.
Karen Rosinger vẫn nhớ về tinh thần Pyt và Hygge mà bố mẹ cô đã truyền cho mình, vào một buổi tối muộn của 20 năm về trước. Khi đó, một cặp du khách Anh bị tai nạn xe đạp. Người vợ ngã xe và gãy xương đòn. Bác sĩ tiếp nhận ca bệnh đó là bố Karen. Sau khi đưa nữ du khách đi chụp X-quang và băng bó, ông gọi điện về cho mẹ Karen để thông báo việc về muộn. Mẹ Karen đã nói với chồng hãy mời vợ chồng du khách Anh đó về nhà mình dùng bữa tối.
Du khách khi đến Đan Mạch thường mua các món đồ lưu niệm có chữ Pyt tại các cửa hàng địa phương. Ảnh: BBC. |
Khi ăn tối, người chồng vô ý làm đổ rượu vang đỏ ra khăn trải bàn trắng. Một sự yên lặng bao trùm bữa ăn. Người vợ vội quay sang trách chồng nhưng mẹ Karen đã chặn ngang. Bà nói rằng, đó không phải vấn đề và bà sẽ giặt chiếc khăn trải bàn đó. Bầu không khí từ căng thẳng đã trở nên thoải mái hơn. Vài ngày sau đó, đôi vợ chồng Anh quay lại nhà Karen để dùng bữa tối với bố mẹ cô trong không khí vui vẻ. Karen tin rằng, chính tư duy thoải mái của quan điểm sống Hygge và Pyt đã tạo ra sức mạnh, thay đổi mọi thứ khó khăn trở nên dễ dàng hơn.
Từ Pyt cũng xuất hiện trong các lớp học, được dán trên một miếng bìa cứng. Sự xuất hiện của nó như một sự khích lệ đối với những đứa trẻ không giành được chiến thắng trong một cuộc đua hay trò chơi. Lũ trẻ ngay từ nhỏ được cha mẹ dạy rằng thua cuộc cũng là một trong những điều đáng quý, vì nó là một phần của cuộc sống.
Ngoài ra, từ này còn có nghĩa nhắc nhở mọi người nên lạc quan, dù phải thay đổi kế hoạch vào phút chót. Ví dụ như nếu bạn đã chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng cho một chuyến đi biển, nhưng biển động và kế hoạch không thể thực hiện. Với người Đan Mạch, họ sẽ vui vẻ chuyển cuộc đi chơi đó tới các bể bơi trong nhà và không mấy bận tâm đến việc kế hoạch đã đổ bể trước đó.
Anh Minh (Theo BBC)
Nguồn: Vnexpress.net