Với số tiền ít ỏi và một chiếc xe đạp trong tay, Nguyễn Thị Xuyến (sinh năm 1990, quê Nam Định) đã có mặt tại Hà Nội sau 28 ngày đạp xe một mình từ Bắc Kinh.
7h30 tối 24 Tết, Xuyến trở về trong vòng tay chào đón của bè bạn tại sân vận động Mỹ Đình, Hà Nội. Đây là lần thứ hai Xuyến về nhà ăn Tết kể từ khi trở thành lưu học sinh Việt Nam tại Trung Quốc. Lần này, Xuyến không đi tàu như Tết 2013, cũng không đi máy bay như lời khuyên của mẹ, cô sinh viên Đại học Kinh tế đối ngoại Bắc Kinh lại quyết định về nhà bằng xe đạp.
Xuyến tình cờ đến với niềm đam mê đạp xe khi nhìn thấy tấm băng rôn tuyển thành viên của câu lạc bộ xe đạp ở trường. Tháng 6/2013, Xuyến viết đơn đăng ký và lần lượt vượt qua các thử thách vào vòng cuối. Tuy nhiên, trước vòng loại đạp xe từ Bắc Kinh đến Thiên Tân và trở lại (300 km), Xuyến đành phải dừng bước do vẫn chưa đủ tiền mua xe đạp.
Ranh giới 2 tỉnh Hồ Nam và Quảng Tây ở Trung Quốc. |
Mặc dù bị loại, nhưng ước mơ sở hữu một chiếc xe đạp với Xuyến chưa bao giờ dập tắt. Tháng 9/2013, Xuyến vay tiền bạn bè mua một chiếc xe mới với giá 8 triệu đồng, sau khi bị mất chiếc đạp cũ 3 triệu đã mua hồi tháng 8 nhờ số tiền làm thêm tích cóp được. Cũng từ đây, Xuyến ấp ủ giấc mơ đạp xe về nhà. Mỗi tối, Xuyến dành 2 tiếng đạp một vòng khoảng 30 km từ Triều Dương đến Thiên An Môn.
Lúc đầu, cô gái 24 tuổi dự định đạp xe về nhà vào hè 2014 khi tốt nghiệp bởi lúc đó thời tiết ấm hơn. Tuy nhiên, sau khi đọc một cuốn sách viết về hành trình đi bộ của một thanh niên từ Bắc Kinh về Đức, cộng với lịch nghỉ đông sớm, Xuyến đã quyết tâm biến ước mơ thành hiện thực ngay trong kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán Giáp Ngọ.
Để thử sức bền của bản thân, tháng 11/2013, Xuyến đạp xe từ Bắc Kinh đến Thiên Tân với tổng chiều dài cả đi lẫn về là 300 km trong tiết trời -4 độ C. Sau đó, Xuyến có khoảng 2 tuần để lên lịch trình cũng như liên hệ chỗ ở qua cộng đồng ở trọ miễn phí Couch China.
Dù hành trình chỉ có 1 mình nhưng lúc nào Xuyến cũng lạc quan. |
Ngày 26/12, chiếc xe mảnh khảnh chằng túi thư 2 bên đựng đồ sửa xe, thuốc, sách, quà lưu niệm và ba lô chứa vài bộ quần áo, găng tay, khẩu trang, áo mưa,… cùng Xuyến lên đường khi nhiệt độ đang -8 độ C. Để đảm bảo sức khỏe cho hành trình dài, Xuyến đạp xe khoảng 2 tiếng nghỉ một lần, dự định đi 5 ngày nghỉ 1 ngày và đạp không quá 8h tối.
Tuy nhiên, hành trình không phải lúc nào cũng như Xuyến vạch ra khi cô bạn phải đối mặt với sự chênh lệch nhiệt độ và thay đổi thời tiết. “Càng đi về phía nam, nhiệt độ càng tăng nhưng độ ẩm giảm nên cảm giác rét buốt hơn. Cứ đạp xe một lúc thì mồ hôi bên trong vã ra như tắm trong khi tay chân bên ngoài lạnh cóng”, Xuyến kể lại. Bởi vậy, khi đến Quế Lâm, Quảng Tây, Xuyến đã sốt li bì sau hai ngày cầm cự.
Đó là còn chưa kể đến những đoạn đèo dốc, sửa đường… cô bạn nhỏ phải dắt bộ gần như cả ngày trời. Xuyến nhớ lại: “Ngày thứ 27 khi từ Bản Lợi về cửa khẩu Hữu Nghị Quan, nghĩ rằng chỉ còn 125 km nên đi thong thả, ai dè sửa đường toàn tuyến khiến mình phải dắt bộ, suýt phải ở lại Bằng Tường do quá giờ xuất cảnh”.
Đường sửa, nhiều đá dăm nên Xuyến cũng đã phải 2 lần dắt bộ tìm chỗ sửa xe nhưng cuối cùng vẫn phải tự tay vá xăm cho “chiến hữu”. Không ít lần cô bạn nhỏ bắt gặp ánh mắt tò mò của mọi người khi thấy Xuyến lủi thủi một mình với chiếc xe. “Cháu đi chơi với bạn, chúng nó đạp nhanh quá, cháu đang đuổi theo đây ạ”, câu trả lời lém lỉnh của Xuyến.
Trong 28 ngày, Xuyến chỉ phải ở nhà nghỉ 8 ngày, còn lại đều được ở nhờ. “Có người sẽ nói sao phải khổ sở ở nhờ. Với mình, số tiền mang về đủ để chi tiêu đến Hà Nội nhưng đạp xe cả ngày trên đường đã một mình, nếu ở nhà nghỉ tối đến nhận phòng, đóng cửa lại, không ai nói chuyện thì thật là nhàm chán và nhanh nản, trong khi con đường mà mình chọn là rất dài”, Xuyến chia sẻ.
Có những đoạn đường Xuyến phải gần như dắt bộ. |
Những người cho Xuyến ở nhờ đủ các tầng lớp khác nhau, từ sinh viên, trí thức đến lao động phổ thông nhưng ở họ đều có điểm chung là nhiệt tình, hiếu khách và đam mê du lịch. “Họ không những cho ở nhờ mà còn tận tình chăm sóc khi mình ốm, đợi mình đến rồi mới ăn cơm, thậm chí là mua đồ ăn cho mình đi đường”, Xuyến kể, “Sách và postcard mang theo để mình tặng chủ nhà như một cách cảm ơn đến họ”.
Không chỉ biết thêm nhiều cảnh đẹp trên đường đi và ẩm thực độc đáo ở từng nơi khi dừng lại, chuyến đi lần này còn mang đến cho Xuyến những người bạn mới, cùng đam mê. “Trên đường đi Thạch Gia Trang, mình đã tình cờ gặp một bạn nam cũng đạp xe về nhà ở Hà Nam (Trung Quốc) ăn Tết. Dù cùng đường nhưng cách đi khác nhau nên bọn mình không thể đi cùng”.
Trở về Hà Nội, Xuyến lại tất bật với các tour du lịch cuối năm với vai trò hướng dẫn tiếng Trung. Gác lại những bộn bề năm cũ, trong bảng tổng kết cuối năm của Xuyến, chắc hẳn sẽ không thể thiếu hành trình “Bắc Kinh – Hà Nội: Đường về nhà”.
Vy An
(Ảnh Nhân vật cung cấp)
Nguồn: Vnexpress.net