Cuộc tấn công của loài khỉ nơi rừng thiêng Bali

0
7
cuoc-tan-cong-cua-loai-khi-noi-rung-thieng-bali

Một người đàn ông quỳ xuống giơ tay đón con khỉ vào lòng, nhưng những gì ông nhận được chỉ là vết cào và cắn.

Khu rừng khỉ (Monkey Forest) nằm trong lòng thị trấn Ubud, Bali, Indonesia là nơi sinh sống của hàng nghìn chú khỉ. Đây là điểm đến ưa thích cho những ai quý mến loài vật này. Tuy nhiên, không phải trải nghiệm nào cũng tuyệt vời như mọi người tưởng tượng.

cuoc-tan-cong-cua-loai-khi-noi-rung-thieng-bali

Một chú khỉ ngồi đợi du khách ở cửa ra vào. Ảnh: Our Big Fat Travel Adventure.

Amy và Andrew, một cặp đôi người Anh nghỉ việc năm 2013 và bắt đầu hành trình vòng quanh thế giới không có hồi kết kể lại chuyến thăm khu rừng khỉ ở Indonesia.

Những rủi ro nơi rừng khỉ

Monkey Forest rất nổi tiếng, xung quanh lối đi đến khu rừng là rất nhiều đền thờ ẩn trong cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp. Bất kỳ nơi nào trên chặng đường cũng thu hút du khách dừng chân. Bạn sẽ thấy một phụ nữ bán chuối ngay lối vào để có thể mua cho khỉ ăn.

Đằng sau vẻ ngoài tinh nghịch của loài khỉ là thói quen ăn trộm ví và máy ảnh, thậm chí đuổi theo và cắn du khách. Vốn sống trong thiên nhiên nên răng cửa của chúng rất lớn và luôn tiềm ẩn nguy cơ đem bệnh dại cho người không may bị cắn.

cuoc-tan-cong-cua-loai-khi-noi-rung-thieng-bali-1

Lũ khỉ đã quá quen với việc được cung cấp đồ ăn miễn phí. Ảnh: Our Big Fat Travel Adventure.

Trước đó, một bác sĩ ở Jakarta cảnh báo Amy không được chạm vào bất kỳ động vật nào trên đảo và đảm bảo nhóm của cô đã được tiêm phòng dại trước khi đến đây. Thời gian ủ bệnh có thể lên đến 2 năm và một vết cắn nhỏ từ động vật hoang dã cũng có thể gây chết người nếu để bị nhiễm trùng và không được điều trị kịp thời.

Cuộc tấn công của loài khỉ

Khỉ tràn ra theo chân du khách ngay từ lối ra vào. Một người đàn ông trong nhóm Amy mang theo túi hoa quả to, nhưng chưa kịp cho ăn đã bị một con khỉ tấn công cào rách túi. Không những thế, một loạt con khỉ khác đu lên người du khách, giật ống kính máy ảnh, hoặc cào móng vào người đòi đồ ăn. Người đàn ông quỳ xuống giơ tay đón một con khỉ vào lòng, nhưng những gì ông nhận được chỉ là vết cào và cắn.

“Tôi và Andrew cảm thấy thực sự khó chịu”, Amy nói. “Chúng tôi quyết định quay ra ngoài nhưng lũ khỉ cứ đuổi theo không dứt. Khi đó, nhân viên của Monkey Forest bảo chúng tôi ném chuối cho lũ khỉ thì chúng mới chịu dừng lại, nhưng quả thật trên người chúng tôi chẳng còn sót lại tý gì. Chúng tôi gần như phải chạy để tìm đến một địa điểm an toàn hơn”.

Trung bình mỗi ngày ở khu rừng này xảy ra ba trường hợp khỉ cắn người. “Có rất nhiều du khách khác lâm vào tình cảnh bị mất đồ hay bị giật máy ảnh như chúng tôi”, Amy cho hay. Cô cho biết không thể đổ lỗi cho loài khỉ bởi từ lâu con người đã trở thành nguồn cung cấp đồ ăn cho chúng và những túi du khách mang theo người, trong con mắt loài khỉ đều trở thành túi đồ ăn.

Amy đưa ra lời khuyên: không nên mang quá nhiều đồ đạc, đi giày thể thao để tránh bị vấp ngã trong trường hợp khỉ nhảy lên người, không mang theo đồ ăn và cố gắng không chạm vào lũ khỉ. Hãy tôn trọng chúng như một loài động vật hoang dã, thay vì thể hiện tình cảm yêu thương giống như đối với vật nuôi trong nhà.

Xem thêm: 10 thắc mắc thường gặp khi du lịch Bali

Hải Thu

Nguồn: Vnexpress.net