Cuộc sống cơ hàn của người dân nơi diễn ra SEA Games 30

0
10
Cuoc song co han cua nguoi dan noi dien ra SEA Games 30 hinh anh 1

Đối lập với sự xa hoa của khu nhà giàu, nhiều người ở Manila (Philippines) đang phải lê lết sống qua ngày trong điều kiện thậm tệ.

Năm nay, thủ đô của Philippines sẽ là nơi diễn ra hầu hết trận đấu bóng đá tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á. Nhờ sức hấp dẫn của môn thể thao vua, cái tên Manila đang trở nên hot hơn bao giờ hết.

Ban tổ chức có lý do để chọn thành phố này làm tâm điểm của giải đấu. Manila có những cơ sở vật chất hiện đại, nhiều tòa nhà cao tầng, trung tâm thương mại sầm uất chẳng khác gì ở Singapore hay các quốc gia tiên tiến trên thế giới.

Riêng khu nhà giàu Makati được xem như ốc đảo biệt lập với phần còn lại của thành phố. Đường xá luôn được vệ sinh sạch sẽ, cây xanh tươi tốt cùng dàn phương tiện giao thông thế hệ mới giúp tránh ô nhiễm không khí.

Không phải ai cũng có thu nhập trong mơ để sinh sống tại khu nhà giàu như Makati. Họ có thể chọn cuộc sống trung lưu cho tới bình dân ở những khu vực khác. Có những người buộc phải chọn sống trong những khu ổ chuột hôi thối…

4 triệu người không biết đến ngày mai

Dù chính quyền đã có nhiều nỗ lực để nâng cao phúc lợi cho người dân, khoảng cách giữa người giàu và kẻ nghèo ở Manila vẫn xa vời vợi. Thành phố có khoảng 20 triệu dân nhưng cỡ 4 triệu trong số đó đang chui rúc trong những khu ổ chuột bẩn thỉu, hôi thối. 

Sarah, chủ blog du lịch nổi tiếng với hơn 50.000 lượt thích trên mạng xã hội, Coffee then Travel, đã quyết định chi tiền tham gia Slum Tour (du lịch khu ổ chuột) thông qua một đơn vị trung gian. Những gì chứng kiến sau đó khiến cô sốc và phải mô tả bằng từ “nghèo đói đến mức cực đoan nhất”.

Chia sẻ trên blog cá nhân, Sarah cho biết cô đồng hành cùng một hướng dẫn viên tên Remy. Họ khởi hành từ thành phố bằng xe Jeepney, một loại phương tiện phổ biến ở Philippines, đi dọc con sông Pasig chảy xuyên qua vùng đô thị Manila. Đây là nơi những người dân khu ổ chuột sinh sống và làm việc.

Theo Sarah, khu vực ven sông có cả nghìn gia đình làm nhà bất hợp pháp. Ngôi nhà của họ chỉ tạm bợ với những tấm ván gỗ hoặc kim loại. Những người này có thể gọi là cùng cực của sự nghèo đói. Căn nhà rỗng tuếch, không có đồ đạc giá trị.

Người dân sống lê lết qua ngày bằng cách chèo thuyền tự chế, vớt rác trên sông và mong chờ kiếm được chút đồ bán được. Nếu may mắn, họ có thể kiếm 1,5 USD/ngày, đánh đổi bằng sức khỏe khi vật lộn trên dòng sông ô nhiễm.

Khu ổ chuột không có đèn điện. Trong các con hẻm u tối, những người phụ nữ ngồi giữa đường cho con mới sinh bú. Chó sủa inh ỏi, tranh nhau miếng thức ăn. Mùi hôi thối từ chất thải của con người lẫn động vật bốc lên nồng nặc.

Càng vào sâu, những gì hiện ra trước mắt lại càng tệ hại. Mặt đất giống như hỗn hợp bẩn thỉu, được trộn từ rác, chất thải của người và động vật. Người dân ở đây hầu như không đi dép. Chân ai nấy đều dính chất bẩn kia nhưng đó chẳng phải điều họ bận tâm.

Trung tâm của khu ổ chuột này là một nhà máy bỏ hoang. Bên ngoài, nhiều tốp người làm việc trên những núi nhựa. Cách đó không xa, bạn có thể tìm thấy một điểm bán nước. Người dân ở đây thường mua với giá 3 peso/thùng để tắm rửa và sử dụng trong sinh hoạt thường ngày. 

Cuoc song co han cua nguoi dan noi dien ra SEA Games 30 hinh anh 5
Ăn rác là cách những người dân ở đây sống qua ngày. Ảnh: SCMP.

Nếu hỏi người dân ở đây ăn gì để sống qua ngày, bạn sẽ nhận được câu trả lời là rác. Họ có một khu xử lý đồ ăn riêng. Những người trong này sẽ lọc đồ ăn thừa còn sót lại và đóng vào túi nylon. Thứ mà người bình thường nhìn chỉ muốn nôn ọe lại là niềm hạnh phúc của cộng đồng cùng cực ở khu ổ chuột.

“Tuổi thọ trung bình của người dân ở đây là 40. Điều này không có gì ngạc nhiên khi bạn phải sống trong tình trạng ô nhiễm và thiếu dinh dưỡng như vậy”, Sarah nghẹn ngào.

Lửa, khói độc, ma túy

Số liệu từ Cục Phòng cháy Chữa cháy Philippines cho thấy từ đầu năm 2018 đến nay, hơn 2.200 vụ hỏa hoạn đã xảy ra tại thủ đô Manila và phần lớn bắt nguồn từ các khu ổ chuột.

Marybeth Antier, 24 tuổi, mô tả lại khoảnh khắc kinh hoàng khi ngọn lửa giết chết 6 thành viên trong gia đình cô. “Tôi thấy ngọn lửa ngùn ngụt thiệu rụi căn nhà chúng tôi đang sống. Các con của tôi còn ở bên trong, nhưng tôi không thể vào để cứu chúng”, cô nói.

Lễ tang của họ cũng không thể thực hiện tử tế. 6 thi thể phải nằm chen chúc trong 2 quan tài chật chội. Tuy nhiên, đó là tất cả những gì người còn sống có thể chi trả.

Cuoc song co han cua nguoi dan noi dien ra SEA Games 30 hinh anh 6
Khi “bà hỏa” xuất hiện, việc ngăn chặn là không thể với người dân khu ổ chuột.

Cuộc sống kham khổ khiến nhiều người tìm đến con đường buôn ma túy. Dù vậy, họ thường kết thúc bên trong song sắt, bỏ lại gia đình bơ vơ giữa đống rác thải của khu ổ chuột.

Trường hợp của Payatas còn kinh khủng hơn thế. Chồng cô hiện ngồi tù vì buôn ma túy. Trong khi đó, đứa con nhỏ mới 4 tháng tuổi đã chết yểu vì hít quá nhiều khói độc từ bãi rác. Payatas vẫn phải sống tiếp, bởi đơn giản, cô không còn lựa chọn nào ngoài việc lục thùng rác, mong chờ kiếm được khoản tiền nhỏ để lê lết qua ngày.

Người sống giữa âm dương

Một trong những “đặc sản ổ chuột” ở Manila cộng đồng người nghèo sống trong nghĩa trang. 

“Tôi đã ở đây trong 51 năm và cũng cố rời đi nơi khác trong 51 năm. Chính phủ muốn chúng tôi ra đi. Chúng tôi cũng muốn đi. Nhưng chúng tôi phải đi đâu”, Elvira Miranda, 68 tuổi, hiện sống cùng chồng con trong khu nghĩa trang phía bắc Manila, nói với The Guardian.

Đó là thực tế tàn khốc khi bạn nghèo, không có việc làm và phải sống trong thành phố đông đúc bậc nhất thế giới. 

“Chúng tôi giữ cho nghĩa trang sạch sẽ. Hầu hết người ở đây đều không có thu nhập. Chúng tôi chỉ cố làm vài việc lặt vặt để kiếm thêm, ví dụ như bán hoa cho gia quyến hay làm bia mộ, xây quan tài”, Miranda kể.

Giống như nhiều người khác, Miranda từ vùng nông thôn lên thành phố với hy vọng có cuộc sống tốt hơn. Dù vậy, những người này sớm nhận ra công việc giữa thành phố 20 triệu dân này là điều xa xỉ. Họ lui đến những khu ổ chuột dựng nhà hoặc sống bên trong những nghĩa trang công cộng.

Cuoc song co han cua nguoi dan noi dien ra SEA Games 30 hinh anh 7
Cộng đồng người sống trong những khu mộ đông không kém các khu ổ chuột tồi tàn khác. Ảnh: The Guardian.

Họ làm nhà bên trong, trên đỉnh hoặc ngay sát những ngôi mộ. Với những người này, ma quỷ không còn là vấn đề đáng bận tâm. Bởi ít nhất ở đây, họ có thể yên tâm ngủ mà không bị thu phí. Tất nhiên, những khu nghĩa trang kiểu này hoàn toàn không thể đáp ứng các nhu cầu cơ bản như vệ sinh, điện hay nước sạch.

Theo The Guardian, các khu nghĩa trang ổ chuột đã xuất hiện từ những năm 1950. Bắc Manila, khu nghĩa trang lâu đời và lớn nhất thành phố, là nơi sinh sống của nhiều thế hệ gia đình. Ước tính, khoảng 6.000 người từ 800 gia đình đang sống ở đây bên cạnh 1 triệu người đã chết.

Một nhóm những người này làm việc ngay ở khu nghĩa trang. Họ được thân nhân người chết trả tiền để trông coi mộ với số tiền chỉ khoảng 600 peso/năm (khoảng 300.000 đồng). Số khác làm thợ xây, đào mộ… Trung bình, khoảng 80-100 đám tang diễn ra mỗi ngày ở khu nghĩa trang, đem đến khoản thu nho nhỏ cho họ.

Thi thoảng, người dân trong khu ổ chuột lại nghe thấy tiếng súng nổ. Cảnh sát Philippines đã thực hiện nhiều cuộc tấn công trong chiến dịch chống ma túy do Tổng thống Rodrigo Duterte phát động. Từ tháng 6/2016, chiến dịch này đã cướp đi tính mạng của hơn 12.000 người và không ít trong số đó diễn ra tại các nghĩa trang ổ chuột.

Cuoc song co han cua nguoi dan noi dien ra SEA Games 30 hinh anh 8
Những ngôi nhà tạm bợ nối liền thế giới âm dương. Ảnh: The Guardian.

Tháng 8/2017, Irish, con trai của Carmelita Bahacan, bị giết ở tuổi 37. “Đêm đó, cảnh sát đột kích khu nghĩa trang. Họ bắn nó 5 phát. Nó chết ngay sau phát súng đầu tiên nhưng họ vẫn tiếp tục bắn”, Bahacan nói. Lúc này, bà đang sống trong một căn nhà tạm bợ được xây ngay trên mộ phần của con trai.

Bahacan hài lòng về điều đó. “Tôi muốn Irish ở cạnh mình. Nó được chôn cùng cha tôi. Sớm thôi, tôi cũng sẽ được chôn ở đó”.

Cuộc sống người dân ở các khu nghĩa trang cũng tệ hại chẳng kém gì những “căn nhà” tại khu ổ chuột ven sông Pasig. Những gì họ đang phải chịu đựng thấp hơn rất nhiều tiêu chuẩn sống của người bình thường. Dù vậy, chính quyền vẫn chưa thể tìm ra câu trả lời cho 1/5 dân số nghèo khổ của thành phố.

Năm 1996, cư dân ở nghĩa trang Bắc Manila từng kêu gọi chính quyền mở cho họ một trường học, khu vệ sinh và nhà thờ. Yêu cầu này cho đến nay vẫn bị phớt lờ. Trong thời gian chờ đợi những mong ước nhỏ nhoi được hồi đáp, họ vẫn phải lê lết sống qua ngày bằng công việc trong khu nghĩa trang…

Sân đấu diễn ra lễ khai mạc SEA Games độc nhất lịch sử Sân đấu trong nhà Philippine Arena (Bulacan, Philippines) được ban tổ chức chọn làm điểm diễn ra lễ khai mạc SEA Games 30, đánh dấu sự kiện chưa từng có tiền lệ.

Nguồn: News.zing.vn