Cuộc hội ngộ của những du khách có sở thích đáng sợ

0
8
cuoc-hoi-ngo-cua-nhung-du-khach-co-so-thich-dang-so

“Tôi nghĩ, sợ gì mà không trượt từ đỉnh Everest. Mọi người đã nhìn tôi như gã điên khi lao vun vút qua họ”, Tormod Granheim nói về ngày giấc mơ thành hiện thực.

Vào một ngày mùa đông lạnh giá trong tháng 2, người ta lại thấy từng nhóm người mũ áo dầy cộp cùng nhau đổ xô về Finse, Na Uy để tham gia lễ hội lớn nhất thế giới dành cho những nhà thám hiểm mạo hiểm Expedition Fines.

Đôi khi, để có được những chuyến đi truyền cảm hứng, các nhà thám hiểm đã sẵn sàng đánh đổi mạng sống. Do đó, Expedition Fines festival còn được nhiều người biết đến với tên gọi: cuộc gặp gỡ của những kẻ có sở thích đáng sợ. Nhưng cũng có người gọi họ là anh hùng.

Người chinh phục đỉnh Everest trong một ngày

cuoc-hoi-ngo-cua-nhung-du-khach-co-so-thich-dang-so

Tormod là người Na Uy đầu tiên chinh phục Everest chỉ trong 1 ngày. Ảnh: PandaBothe.

16/5/2006 là một ngày khó quên đối với người dân Na Uy khi Tormod Granheim làm nên lịch sử với kỷ lục chinh phục đỉnh Everest trong một ngày và là người đầu tiên dùng ván trượt tuyết để đi xuống từ sườn phía bắc.

“Dự án này là giấc mơ lớn của tôi và người bạn Tomas. Tôi đã nghĩ đó sẽ là ngày tuyệt vời nhất trong cuộc đời của mình. Nhưng mọi thứ không như vậy”, nhà thám hiểm Na Uy giọng bỗng đanh lại khi anh nhắc đến cái chết của người bạn đồng hành, khi Tomas bị trượt xuống núi và biến mất khỏi tầm nhìn của Tormod.

Thi thể của nhà thám hiểm Thụy Điển được tìm thấy sau đó 4 ngày và được đưa xuống bằng trực thăng từ phía Tây Tạng. “Đó thực sự là một kinh nghiệm khó khăn với tôi”, người đàn ông 42 tuổi lặng lẽ nói, khác hẳn với nụ cười táo bạo và ánh mắt lấp lánh khi anh bắt đầu câu chuyện.

Không ngủ quên trên chiến thắng, Tormod tiếp tục trở thành người Na Uy đầu tiên chinh phục 82 đỉnh núi cao nhất (từ 4.000 m trở lên) trong dãy Alps.

Cuộc hội ngộ của những du khách có sở thích đáng sợ
 
 

Cuộc hội ngộ của những du khách có sở thích đáng sợ

Trượt tuyết từ đỉnh Everest xuống chân núi là một trải nghiệm phấn khích, nhưng có người đã phải trả giá bằng cả mạng sống.

Cặp sinh đôi đầu tiên chinh phục 7 đỉnh núi cao nhất tại 7 lục địa

Nhân vật khác cũng truyền cảm hứng mạnh mẽ tới du khách trong lễ hội năm nay là cặp sinh đôi Tashi và Nungshi Malik, 25 tuổi. Họ đã hoàn thành thử thách Explores Grand Slam để lập kỷ lục là cặp sinh đôi đầu tiên chinh phục 7 đỉnh núi cao nhất tại 7 lục địa (gồm cả hai cực) khi mới 23 tuổi.

cuoc-hoi-ngo-cua-nhung-du-khach-co-so-thich-dang-so-1

Hiện tại, hai cô gái đến từ miền bắc Ấn Độ này đã thành lập một quỹ nhằm khuyến khích trẻ em gái học leo núi với nỗ lực giúp phụ nữ quê nhà chống lại sự bất bình đẳng giới. Ảnh: Anders Stavhag.

Nungshi cho biết cha cô, một quân nhân, là người đã truyền cảm hứng cho hai chị em về tình yêu với các ngọn núi. “Tiếp xúc với núi lần đầu tiên của chúng tôi là năm 2009, khi đó cha đã hỏi tôi muốn làm gì. Hai chị em đã trả lời chúng tôi muốn làm mọi thứ”.

Dưới sự hướng dẫn của cha, cặp sinh đôi bắt đầu tham gia các khóa học leo núi. Càng học, họ càng hiểu rõ bản thân mình muốn gì và dành nhiều năm miệt mài luyện tập để viết nên một thiên anh hùng ca cho riêng mình.

Cũng giống Tormod, cảm giác chinh phục đỉnh vinh quang không trọn vẹn. Khi lên đỉnh Everest, chưa kịp vui mừng hai cô gái đã nhìn thấy xác chết đã bị đông cứng của một nhà leo núi trẻ, tuổi chưa đến 20 và đã nằm đó rất lâu. Lợi ích của việc chinh phục thử thách là đưa hai chị em xích lại gần nhau hơn.

Phụ nữ tới Nam Cực nhiều lần nhất

Nổi bật trong số những nhà thám hiểm giữ kỷ lục thế giới tại lễ hội là “nữ hoàng tuyết” Hannah McKeand, 43 tuổi. Năm 2006, cô gái tóc vàng này đã lập kỷ lục thế giới cho chuyến đi tới Nam Cực nhanh nhất, với 39 ngày, 9 tiếng, 33 phút.

Dù năm 2016, Hannah để tuột kỷ lục này vào tay người khác, nhưng cô vẫn nắm một kỷ lục khác: người phụ nữ tới Nam Cực nhiều lần nhất trong lịch sử.

“Tôi sống ở London, làm việc trong nhà hát và rất giỏi đi bộ với giày cao gót. Trong quán bar, tôi đã nói đùa với bạn bè rằng một ngày nào đó tôi sẽ đến Nam Cực. Và rồi như một định mệnh, tôi có chuyến đi của riêng mình”.

Dù trải qua những giây phút kinh hoàng, điều kiện thời tiết khắc nghiệt và bị thương, Hannah cho biết khi đến vùng đất lạnh lẽo này cô chợt nhận ra cô thuộc về nơi này.

Hannah sau đó bỏ công việc nhàn nhã ở nhà hát. Hiện cô sống ở hai nơi: Na Uy và Mỹ. Cô cùng một người bạn mở công ty, chuyên đào tạo kỹ năng cho những ai muốn thám hiểm vùng đất lạnh giá nhất thế giới này.

Người tìm thấy bánh lái chính của tàu Titanic

Dory Golden là người Ireland đầu tiên ghé thăm nơi xác tàu Titanic đang nằm, ở ngoài khơi Newfoundland vào tháng 8/2000. Sau 12 tiếng lặn dưới nước tại độ sâu 3.700 m, anh đã tìm thấy bánh lái chính của con tàu. Đây là một phát hiện rất có ý nghĩa vì nhiều cuộc tìm kiếm quy mô lớn trước đó được tổ chức nhưng không tìm thấy chiếc bánh lái này.

Nói về bản thân tại cuộc gặp gỡ ở Finse, anh khiêm tốn: “Cảm giác phát hiện ra bánh lái thật thú vị. Tôi cảm giác như mình vừa viết nên một trang trong bản thiên anh hùng ca. Đến Finse lần này, tôi muốn kể cho mọi người nghe về trải nghiệm của tôi. Nhưng điều quan trọng nhất, tôi muốn được lắng nghe kinh nghiệm và các câu chuyện truyền cảm hứng của nhiều nhà thám hiểm khác – những người đã lập nên kỳ tích vang dội hơn tôi”.

Finse là vùng nằm rất xa ở Na Uy, được mệnh danh là tiểu Bắc Cực vì khí hậu lạnh giá, băng tuyết luôn rơi rất dày.

Lễ hội Expedition Fines được tổ chức mỗi năm một lần. Năm đầu tiên tổ chức là 2011.

Đây là sự kiện thường niên, được tổ chức với mục đích tạo ra nơi giao lưu của các nhà thám hiểm, phượt thủ, du khách yêu thích mạo hiểm. Họ đến để lắng nghe kinh nghiệm hoặc truyền cảm hứng cho người khác qua những trải nghiệm của mình.

Nguồn: Vnexpress.net