Cuộc chiến với rác thải nhựa tại Phú Quốc lên báo nước ngoài

0
25
cuoc-chien-voi-rac-thai-nhua-tai-phu-quoc-len-bao-nuoc-ngoai

Người dân Phú Quốc lo ngại khách du lịch sẽ không quay trở lại hòn đảo nếu biển ô nhiễm, song nhiều người vẫn quen vứt rác bừa bãi.

Paul Hellier, nhà môi trường học đến từ Australia, dành thời gian nghiên cứu những vấn đề nghiêm trọng về rác thải tại Phú Quốc.

“Nhiều người dân trên đảo nói rằng du khách sẽ tìm đến đây, nhưng nếu có quá nhiều rác thì khách sẽ không quay lại. Điều này thật đáng buồn khi người dân cần lý do liên quan đến kinh tế để thay đổi”, Paul chia sẻ với ABC.

cuoc-chien-voi-rac-thai-nhua-tai-phu-quoc-len-bao-nuoc-ngoai

Paul dọn rác trên bãi biển tại Phú Quốc. Ảnh: Paul Hellier.

Anh nhận định, người dân trên đảo sử dụng rất nhiều đồ dùng bằng nhựa. Họ bán đồ uống đựng trong ly nhựa, kèm ống hút và túi nilon cho khách mang đi – phần lớn những thứ này sẽ trôi ra biển sau đó.

Khi anh cùng đoàn tình nguyện viên đến một làng chài, xe tải không thể vào thu gom rác vì đường chỉ rộng khoảng 2 m. Người dân cứ thế vứt rác xuống sông. “90% rác thải sẽ bị đánh dạt vào bờ và người dân lại sống chung với rác”, Paul nói.

Tại Australia, người dân quen với những hoạt động tình nguyện dọn dẹp bãi biển, nhưng Paul gặp nhiều khó khăn khi kêu gọi người bản địa thực hiện chiến dịch tương tự – hiếm thấy ai đó làm gì không công tại Việt Nam.

Hơn nữa, thời tiết cũng không ủng hộ Paul. “Chúng tôi lựa chọn một bãi biển dài khoảng hai km, dọn dẹp từ đường mép nước biển tới hàng cây có rác. Tôi muốn vệ sinh cả bãi biển nhưng giờ là mùa mưa nên hoạt động cũng không được thường xuyên”, anh nói.

Cuộc chiến với rác thải nhựa tại Phú Quốc trên báo nước ngoài
 
 

Cuộc chiến với rác thải nhựa tại Phú Quốc trên báo nước ngoài

Paul dẫn dắt đội tình nguyện viên dọn sạch bãi biển tại Phú Quốc. Video: ABC.

Paul cho biết chiến dịch vẫn sẽ diễn ra khi anh kêu gọi được 50 tình nguyện viên, sẵn sàng nhặt rác trong điều kiện mưa ẩm kéo dài. Anh cũng kết nối thành công để thực hiện chiến dịch dọn sạch đường phố trên đảo hàng tháng, và kêu gọi người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.

Người nước ngoài và chủ khách sạn là những nhân tố đi đầu trong chiến dịch, nhiều người dân bản địa cũng bắt đầu tham gia. Sau mỗi buổi vệ sinh, những điều phối viên cho biết người dân dần chú ý hơn và nhận ra trách nhiệm cá nhân.

Theo Paul, rác thải nhựa từ lâu là vấn nạn môi trường tồn tại trên những hòn đảo nhỏ của Việt Nam và nhiều vùng miền của Đông Nam Á.

Trong quá khứ, người dân có thói quen sử dụng những sản phẩm từ thiên nhiên như lá chuối để gói thức ăn – loại bao bì này có thể phân hủy khi bị vứt bỏ. Tuy nhiên, bao bì nhựa không thể tự phân hủy và thường trôi dạt ngoài đại dương nếu không được tập kết trên đất liền.

“Từ khi bao bì nhựa ra đời, người dân sử dụng rộng rãi vì tính hiệu quả, thuận tiện và kinh tế, nhưng không có hướng dẫn nào về cách xử lý hoặc tác hại của loại vật liệu này”, Paul cho hay.

Nhà môi trường học Australia cho rằng chìa khóa cho vấn đề chính là giáo dục, từ đó nâng cao nhận thức về tác động của rác thải nhựa tới môi trường biển, nghề nuôi trồng và đánh bắt thủy sản, đồng thời kêu gọi người dân tham gia các hoạt động vệ sinh bãi biển.

Theo bạn, người dân Phú Quốc có thể làm gì để thay đổi thực trạng này?

Nguồn: Vnexpress.net