Australia Cảm giác lửa luôn đuổi theo sau khiến không khí trong xe căng thẳng cực độ. Tất cả những gì Thái có thể làm là tập trung cầm lái.
Trần Đức Thái, 25 tuổi, có lẽ không thể quên lần đầu thấy những cánh rừng cháy ngùn ngụt trước mắt một ngày cuối năm 2019. Trước đó, cựu du học sinh bậc thạc sĩ này cùng hai người bạn khởi đầu chuyến road trip từ Sydney vào 26/12.
Là người lên lịch trình, Thái cập nhật kỹ tình hình cháy rừng, nhưng phải thay đổi kế hoạch ngay từ điểm dừng đầu tiên là bãi biển Pebbly, thuộc bang New South Wales (NSW) – cách Sydney khoảng 280 km. Khi đi được khoảng 150 km, cả nhóm gặp thông báo cấm đường do một mảng rừng cháy trên hướng ra biển. Họ đi thêm 50 km theo chỉ dẫn của dân địa phương, nhưng cuối cùng mọi đường vòng ra biển cũng bị đóng, trời âm u khói. Cả nhóm quyết định bỏ qua nơi này để tiếp tục hành trình.
Những ngày tiếp theo trôi qua nhẹ nhàng, tưởng như không còn rắc rối gì có thể xảy ra. Ngày 30/12, Thái và bạn dự định lái xe hơn 700 km từ bang Victoria về rừng Bago State Forest của NSW. Suốt chặng này, cả nhóm luôn dừng tại những trạm nghỉ ven đường nhưng không nán lại quá lâu để tiết kiệm thời gian, và bởi không khí bên ngoài quá ngột ngạt, như trời sắp có bão – điều sau này anh mới biết là dấu hiệu cháy rừng. Khi rời khỏi lãnh thổ Victoria, họ được biết 1/3 diện tích bang này đã cháy.
Về đến NSW, bầu trời lại xanh trong. Khoảng 18h, GPS báo xe còn cách Bago State Forest 200 km, Thái và các bạn nhìn thấy một đám mây lớn ẩn hiện sau ngọn đồi. Đám mây kỳ lạ này có màu xám, với phần đỉnh trắng tinh. Thực ra nó là Flammagenitus, một đám mây khổng lồ hình thành khi sức nóng dữ dội của lửa khiến không khí bốc lên nhanh chóng. Hiện tượng này thường xảy ra khi núi lửa phun trào hoặc có cháy rừng.
Khi lái xe đến gần hơn, Thái và hai người bạn mới biết đám mây hùng vĩ được hình thành do một đám cháy lớn sau đồi, lửa ngày càng lan rộng. Ảnh: NVCC. |
Càng đi xa hơn, cả nhóm càng lo lắng khi GPS chỉ đường về đúng ngọn đồi mà phía trên là đám mây ánh lửa đỏ. Đến 19h30 cùng ngày, GPS báo còn cách rừng 100 km thì họ gặp chốt chặn đường đầu tiên tại một ngã ba. Lối bên phải rẽ vào ngọn đồi cháy bị chặn, trong khi lối bên trái vẫn mở. Thái và hai người bạn quyết định nghỉ lại chốt chặn để nghe ngóng tình hình, và tặng chai nước mát cuối cùng cho nhân viên trực tại đó.
“Từ ngã ba, khung cảnh không còn ẩn hiện mà lộ rõ trước mắt: cả bầu trời chìm trong khói đen và lửa làm ánh nắng chiều mùa hè không còn rực rỡ như mọi khi. May thay, khi nhìn sang lối rẽ bên trái (hướng chúng tôi đi tiếp), trời vẫn trong xanh và mây vẫn trắng. Đứng giữa ngã ba đường đó làm tôi cảm nhận rõ rệt giữa thiên đường và địa ngục chỉ cách nhau một con đường“, chàng trai 25 tuổi bày tỏ.
Khi chắc chắn khu rừng vẫn an toàn và còn mở cửa, họ quyết định lên đường và rẽ theo lối bên trái. Cung đường mở ra những cánh rừng xanh mướt trong nắng chiều, càng đi các chàng trai càng hứng khởi trước khung cảnh đẹp mắt dù vẫn chưa thấy khu cắm trại cần đến ở đâu.
20h15, cả nhóm đến thị trấn Tumbarumba, nơi còn cách rừng Bago khoảng 30 km. Thị trấn không một bóng người như một cảnh trong phim ma, nhưng vốn tính ưa phiêu lưu mạo hiểm, Thái và các bạn càng phấn khích lái xe sâu vào rừng. Đường vào rừng đầy sỏi đá, cây cối im lìm trong bóng tối, thi thoảng có bóng trắng vọt qua của những chú thỏ băng qua đường.
Càng vào sâu trong rừng, cả nhóm càng lo lắng vì kim xăng đã đến gần vạch cuối, điện thoại mất sóng, GPS chập chờn. Đến gần khu cắm trại, họ vẫn không thấy một dấu hiệu nào của con người. “Cảm giác rùng rợn khi ở giữa rừng không định hướng và lo lắng về những động vật thoắt ẩn thoắt hiện đủ làm cho tim loạn nhịp đôi ba lần”, Thái chia sẻ.
Phải lái thêm 15 km vào rừng, cả nhóm mới thấy biển báo đóng cửa hoàn toàn vì cháy rừng, trái ngược với chỉ dẫn của nhân viên ở chốt chặn. Họ thở phào vì còn có thể quay lại, dù trong thâm tâm Thái vẫn muốn tiếp tục băng rừng trong đêm. Cả nhóm bàn bạc tìm cách ra khỏi rừng thật nhanh, cùng dò đường vì GPS không còn chính xác. Lúc đó đã là 21h, trời tối hẳn, chỉ có ánh trăng yếu ớt len qua những tán cây, Thái cảm thấy vừa sợ vừa thích thú.
May mắn đã mỉm cười khi các chàng trai thoát khỏi khu rừng trong đêm mà không gặp sự cố nào. Họ quay trở lại ngã ba có chốt chặn vào buổi chiều, thấy ngọn lửa đã lan rộng trên những quả đồi. Thái lo lắng đến sự an nguy của người dân địa phương, vì mỗi gia đình ở đó đều sở hữu đất đai rộng hàng hecta, sẽ mất nhiều thời gian sơ tán.
Anh và hai người bạn quay lại thị trấn Tumbarumba sau 45 phút, với một bình xăng gần cạn. Cả ba dừng lại một trạm xăng đã đóng cửa và bàn bạc về kế hoạch cho chặng đường tiếp theo.
“Dù trạm xăng đóng cửa, nhưng đứng trước một dấu hiệu của con người sau gần 2 tiếng lái xe trong rừng buổi tối, chúng tôi mừng khôn xiết. Cả 3 đứa như những những người vô gia cư, dựng ghế ngồi trước trạm xăng bắt đầu ăn tối dưới ánh đèn đường lập loè”, Thái nhớ lại.
Trần Đức Thái (phải) và Lâm, bạn đồng hành, ăn tối trước trạm xăng đã đóng cửa. Ảnh: NVCC. |
Cả nhóm không chắc mình sẽ ngủ ở đâu trong đêm đó, chỉ biết để đi tiếp họ phải lái thêm 70 km đến một cây xăng còn mở cửa, trước khi bắt đầu hành trình 300 km về Canberra ngay trong đêm. Nhưng ngay khi họ chuẩn bị nổ máy, một chiếc xe cứu hỏa ghé vào trạm xăng. Hóa ra những người lính cứu hỏa cũng cần đổ xăng nên gọi cho ông chủ mở cửa lại, và còn nói giúp để Thái có thể đổ xăng ngay sau đó.
Đội cứu hỏa của thị trấn Tumbarumba đã tới ngọn đồi mà nhóm của Thái đi qua vào buổi chiều để hỗ trợ dập lửa. “Họ cũng kể rằng một người lính ở đơn vị khác đã hy sinh do cơn lốc lớn thổi đổ xe cứu hoả. Chỉ trong vài phút, một lượng lớn thông tin ập đến, nó chân thực hơn rất nhiều so với những gì thời sự hay mạng xã hội đưa, tôi rùng mình bởi hiện thực tàn khốc về thiên nhiên Australia”, Thái tâm sự.
Tạm biệt những người dân Tumbarumba, ba chàng trai trở về Canberra ngay vì lửa sắp đuổi đến nơi. Khi ấy đã là 22h30, họ đều tỉnh như sáo và tranh nhau cầm lái dù đã lái xe trong nhiều trong ngày.
“Lái xe lúc 22h30 dưới bầu trời đỏ rực là một trải nghiệm đáng sợ. Đó không phải ánh hoàng hôn muộn ở nơi cách xa xích đạo, đó cũng không phải buổi trình diễn ánh sáng như lễ hội Vivid Sydney, và đó hẳn nhiên không phải pháo hoa bắn đón mừng năm mới, đó là những ánh lửa bùng cháy đang thiêu đốt vô số ngọn đồi”, Thái thuật lại những hình ảnh in đậm trong tâm trí mình.
Đêm hôm đó Thái là người lái xe chặng đầu. Đó là 100 km khó khăn và căng thẳng nhất mà anh từng lái bởi đường núi men rừng quanh co khúc khuỷu và tốc độ giới hạn 110 km/h. Cả chặng đường bầu trời đêm rực ánh lửa hắt lên từ những ngọn đồi. Thái chỉ có thể dán mắt vào khoảng không trước mặt có ánh đèn pha, bởi lối đi men rừng rất tối và anh sợ kangaroo chạy cháy có thể nhảy qua đường bất cứ lúc nào.
“Nguyên tắc khi đi road trip nói chung là không được lái xe quá nhiều trong một ngày, do hoạt động tưởng đơn giản này cần sự tập trung cao. Hôm đó chúng tôi đã lái hơn 700 km trong khoảng 8 tiếng rưỡi“, Thái nói. Thông thường anh và các bạn đồng hành không vượt giới hạn này để đảm bảo sức khỏe. Nhưng trong cảnh những đám cháy rừng bủa vây, cả ba người đều lo lắng nên không ai có thể chợp mắt, và đều muốn cầm lái.
Cách khoảng vài cây số, họ lại thấy xe cảnh sát, xe cứu hoả nháy đèn đi ngược chiều và chặn đường. Những lực lượng chức năng này có nhiệm vụ tập trung dân cư để sơ tán và đưa những khách du lịch đi lạc ra đường lớn. Thái và hai người bạn lo cảnh sát chặn xe lại, cả nhóm sẽ không biết đi đường nào về Canberra.
Trên đường về, cả nhóm dừng xe khoảng 3 – 4 lần, có lúc để đổi lái, lúc vì gặp cảnh sát (theo luật pháp Australia, tài xế phải giảm tốc độ khi thấy xe cảnh sát nhấp nháy đèn), khi để chờ một con nhím băng qua đường.
Mỗi lần mở cửa xe là một lần họ phải ngửi mùi khói đậm đặc và cái nóng hầm hập bao quanh người, trong khi không khí trong rừng ban đêm đáng lẽ phải mát lạnh. Khói không ảnh hưởng đến tầm nhìn nhưng tác động đến hô hấp. Ngay cả khi xe bật điều hòa và quạt thông gió, mùi cháy khét vẫn bay vào. Họ không dám ra ngoài quá 5 phút mỗi lần dừng xe vì không thở nổi.
“Ở Sydney qua 3 mùa cháy rừng, tôi hiểu mùi khói này, nhưng ở mức độ rất nhẹ. Cái mùi khói khi di chuyển qua muôn nghìn cây số đã giảm bớt đi rất nhiều trước khi đến được với thành phố. Ngay tại điểm phát, mùi khói và không khí đậm đặc CO2 đủ làm bất kì ai chết ngạt”, Thái lý giải.
Cảm giác lửa luôn đuổi theo phía sau làm không khí trong xe luôn căng thẳng cực độ và tất cả những gì cả nhóm có thể làm lúc đó là tập trung lái xe. Dù vậy, lần cuối cùng dừng xe, Thái vẫn chủ đích chọn một đoạn đường có khoảng trống để chụp lại bầu trời đêm rực ánh lửa. Lúc đó, chàng trai này thực sự đã khóc.
“Khi chụp xong và nhìn thấy sản phẩm, tôi đã rơm rớm nước mắt, nó vừa đẹp mà vừa buồn. Tấm ảnh là sự kết hợp nét đẹp tuyệt vời của vũ trụ và hiện thực biến đổi khí hậu”, anh bày tỏ.
Dải ngân hà lấp lánh trên bầu trời đêm, một bên vẫn rực ánh lửa. Ảnh: NVCC. |
Chàng trai này lý giải về quyết định liều lĩnh của mình khi dừng xe chụp ảnh: “Không phải tôi muốn ‘sống ảo’, mà bởi tôi tin rằng những bức ảnh có sức mạnh lan toả và tác động đến con người hơn rất nhiều so với số liệu khô khan. Tôi còn muốn chụp nhiều nữa, nhưng không khí ngột ngạt, và chính bản thân biết rằng những đám cháy đang tiến tới gần. Nếu dừng lại lâu hơn, có thể chính nhóm chúng tôi cũng không còn sống để kể câu chuyện này”.
Lái xe ra tới đường chính khi quá nửa đêm, nhóm của Thái biết tin đoạn đường họ vừa đi qua đã bị chặn hoàn toàn vì lửa lan rộng. Họ thoát khỏi khu vực bị ảnh hưởng bởi cháy lúc 2h30 sáng 31/12 khi đến Canberra, và không có chỗ ngủ suốt cả chặng đường sau đó.
Chuyến đi kết thúc an toàn, có lẽ Thái sẽ không bao giờ quên hai ngày cuối cùng trong hành trình. Anh vốn có nhận thức rõ ràng về biến đổi khí hậu khi còn ở Việt Nam, nhưng trải nghiệm lần này đã giúp anh có cái nhìn chân thực về mức độ khốc liệt của cháy rừng và những người lính cứu hỏa đã hy sinh cao cả đến thế nào để ngăn chặn thảm họa thiên nhiên.
Phạm Huyền ghi
Nguồn: Vnexpress.net