Thay vì nghỉ tại khách sạn, William – du khách Anh chọn xin ngủ nhờ ở các gia đình Việt để tìm hiểu văn hóa địa phương và anh đã không thất vọng chút nào.
Tham gia Couchsurfing (cộng đồng cho du khách ở tại nhà riêng) từ tháng 8/2015, Hương Ly (sinh viên Cao đẳng Du lịch, Hà Nội) vẫn không thể quên được lần đón Joe – một du khách Mỹ lần đầu đến Việt Nam. Sau khi đọc lời nhắn ngỏ ý tìm nơi ở, Ly cẩn thận tìm hiểu thông tin của Joe. Thấy yên tâm vì những nhận xét tích cực từ các chủ nhà từng cho anh ở trước đây, Ly mạnh dạn thông báo gia đình sự xuất hiện của vị khách lạ. May mắn cả nhà cô đều quý mến Joe và họ đã có một tình bạn vượt biên giới, thậm chí bà ngoại Ly còn nhận anh làm cháu ngoại.
Ngủ nhờ miễn phí
Couchsurfing (gọi tắt là CS) có thể hiểu là một mạng lưới tìm chỗ nghỉ trọ miễn phí trên toàn thế giới. Trang web này ra đời tháng 4/2003 và đến nay có khoảng 10 triệu thành viên tham gia từ 200.000 thành phố trên khắp thế giới. Khi đăng nhập, chỉ cần đánh tên điểm đến, ai cũng có thể dễ dàng tìm được những người sẵn sàng cung cấp một chỗ ngủ nhờ trên hành trình khám phá.
Anh Hiếu (áo trắng) cùng nhóm đạp xe vòng quanh thế giới đến Việt Nam. Ảnh: Hiếu Mike |
Là đại sứ CS tại Hà Nội, anh Lê Minh Hiếu (32 tuổi, Hà Nội) cho biết cộng đồng này đến Hà Nội khá sớm, từ khoảng năm 2007 nhưng đến năm 2012 mới thực sự bùng nổ và thu hút được sự quan tâm của đông đảo bạn trẻ. Cộng đồng CS được hình thành trên khắp cả nước nhưng hoạt động mạnh nhất là ở Hà Nội và TP HCM. Hiện trên trang web CS, Việt Nam có hơn 102.000 thành viên, trong đó Hà Nội có khoảng 24.000 thành viên, TP HCM là hơn 31.000.
Một trong những nguyên tắc hàng đầu của mạng lưới này là miễn phí, dựa trên sự tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau. Sẽ không có gì làm lạ với các thành viên (Couchsurfer) khi họ sẵn sàng ngủ một giấc qua đêm chỉ trên ghế sofa tại gia đình mới quen hay chấp nhận để vị khách lạ ngủ trong nhà (Host).
Với sự phát triển của cộng đồng CS, các chuyến du lịch vòng quanh thế giới ngày càng nhiều. Đó là hành trình của Derek Boocock, người đàn ông từng làm dậy sóng truyền thông trong nước năm 2014 khi đạp xe qua 28 nước đến Việt Nam với căn bệnh ung thư. Nhờ CS và thường xuyên ngủ cắm trại trên đường, ông chỉ phải chi khoảng 5 USD một ngày cho ăn uống. Hay Đinh Hằng – tác giả cuốn “Quá trẻ để chết – Hành trình xuyên nước Mỹ” cũng đã có 10 tháng rong ruổi khắp Mỹ, Mexico, Cuba mà không hề tốn một đồng nào cho khách sạn nhờ mạng lưới cho ngủ nhờ này.
Đối với dân du lịch bụi muốn tìm chỗ nghỉ nhờ, nguyên tắc cần ghi nhớ chính là không đòi hỏi. Anh Hiếu cho biết Luca Mazzali – một khách Italy đến Hà Nội hồi tháng 2 đã đồng ý ngủ trong lều trên tầng thượng vì nhà anh không còn phòng trống. Với Luca, lựa chọn đó không đơn giản là tiết kiệm mà là cảm giác an toàn và được hòa mình vào cuộc sống của cư dân bản địa.
Hơn cả ngủ nhờ
Với rất nhiều thành viên tham gia,CS không đơn thuần là nơi xin và cho ở nhờ. Đó còn là điểm hẹn để gặp gỡ, giao lưu và tìm hiểu văn hóa địa phương thông qua chủ nhà cũng như cộng đồng CS bản địa.
William, 26 tuổi, đến từ Anh tham gia cộng đồng CS năm 2013. Với anh, một trong những điều tuyệt vời nhất khi tham gia cộng đồng này là được gặp gỡ mọi người, trải nghiệm cuộc sống như dân địa phương thay vì chỉ qua sách hướng dẫn du lịch.
Một sự kiện dành cho các thành viên CS gặp gỡ và giao lưu. Ảnh: Courchsurfing Hanoi. |
Đến Việt Nam năm 2015 và khám phá dải đất hình chữ S với sự giúp đỡ của CS, anh hào hứng kể lại những trải nghiệm mà không phải du khách nào cũng có được. Đó là bữa ăn với người dân địa phương trong nhà rông và giúp đỡ các trẻ em mồ côi ở Kon Tum, hát và chơi piano tại một quán cà phê Sài Gòn, nói chuyện với chủ nhà trên cây ở Huế…
Còn với Lê Bá Tài (sinh viên sư phạm, Thanh Hóa), người từng cho khoảng 20 khách du lịch nước ngoài đến ở nhờ trong vòng một năm qua, anh cũng học được rất nhiều điều hay từ họ. “Người cho mình những hoạt động hay để dạy học sinh, người chia sẻ cách pha một ly cà phê sữa ngon, người chỉ cho mình cách làm món ăn đặc trưng của nước họ với những thực phẩm có thể mua được ở Việt Nam”, Tài nhớ lại.
CS cũng là nơi tổ chức sự kiện để các thành viên và mọi người cùng tham gia như học tiếng Anh, dã ngoại, hướng dẫn viên, từ thiện, đạp xe, bơi lội, bóng đá, nhiếp ảnh… Khi đến một nơi mới, bạn có thể xem các sự kiện sắp được tổ chức để tham gia, tùy thuộc vào sở thích. Có như vậy, các thành viên không hề có cảm giác là một du khách lạc lõng mà nhìn ngắm mọi thứ xung quanh với con mắt thân thuộc hơn.
Vy An
Chia sẻ câu chuyện hay kinh nghiệm Couchsurfing của bạn về mail kimanh@vnexpress.net.
Nguồn: Vnexpress.net