Hàng không lột xác vì COVID-19: mọi quy trình hướng đến không chạm

0
11
Hàng không lột xác vì COVID-19: mọi quy trình hướng đến không chạm - Ảnh 1.

Hàng không lột xác vì COVID-19: mọi quy trình hướng đến không chạm - Ảnh 1.

Một số hãng hàng không áp dụng biện pháp để trống ghế giữa để tăng giãn cách – Ảnh: CNN

Chúng ta có thể sớm quen với cảnh đội quân robot dọn dẹp ở sân bay, khử trừng quầy thủ tục và quầy bán vé. Chúng ta có thể thấy hành khách đi qua các trạm kiểm soát an ninh và hành lý mà không cần chạm vào bất cứ thứ gì.

Và chúng ta có thể lên máy bay, dùng chuyển động mắt và tay để mở hộp hành lý hay điều khiển màn hình giải trí ở ghế ngồi.

Mọi quy trình đều hướng tới không chạm. Tiếp viên sẽ từ bỏ bộ đồ đồng phục may đo kỹ càng để khoác lên mình bộ đồ chống COVID-19 theo phong cách phi hành gia.

Hầu hết những điều trên đều là giả định, nhưng có thể sớm biến thành hiện thực, thậm chí phổ biến như công nghệ sinh trắc học hay máy quét toàn thân đã được áp dụng trước đây.

“Đám mây” khắp nơi

Alex Dichter từ công ty tư vấn quản lý McKinsey & Company chỉ ra những biện pháp nghiêm ngặt được thực hiện ở Trung Quốc, như sử dụng hệ thống mã QR trên điện thoại để đánh dấu du khách theo màu xanh lá, vàng hay đỏ. Màu xanh lá nghĩa là kết quả xét nghiệm của du khách âm tính với virus, và chính quyền biết rõ nơi họ đã từng đến.

“Bạn phải quét mã ở mọi nơi, mọi lúc. Nhiệt độ cơ thể được kiểm tra nhiều lần. Bạn phải điền đơn khai báo y tế. Thật khó để tưởng tượng quy trình tương tự được áp dụng ở phương Tây”, Dichter nói với đài CNN.

Nhưng dữ liệu là yếu tố then chốt để chúng ta trở lại bầu trời. Dichter đặt nghi vấn một số quốc gia sắp tới sẽ tập trung vào biện pháp này.

Do đó, quy trình cần được thiết lập để nếu có hành khách dương tính với virus corona sau khi lên chuyến bay, hãng hàng không có thể liên lạc với mọi hành khách khác cùng chuyến.

“Các hãng hàng không sẽ nhân cơ hội này để đẩy mạnh xu hướng tự phục vụ. Đây là xu hướng đã có từ lâu, nhưng các hãng hàng không đã chậm áp dụng”, Dichter nhận định.

Gần đây các hãng hàng không đang áp dụng việc bỏ trống ghế giữa. Hãng Frontier tại Colorado, Mỹ bắt hành khách phải trả thêm phụ phí để giữ ghế giữa trống. Hãng Easyjet ở châu Âu cũng đề xuất bỏ trống ghế giữa.

Nhưng Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) hôm 5-5 đã lên tiếng phản đối yêu cầu các hãng hàng không bỏ trống ghế giữa tại các hàng ghế trên máy bay để giãn cách xã hội. IATA cho rằng biện pháp này không giúp làm tăng an toàn cho hành khách.

Về lâu dài, vấn đề tài chính mà COVID-19 gây ra cho các hãng hàng không cộng với việc khách hàng nhạy cảm với giá hơn sẽ khiến ngành này tinh gọn nhiều thứ để giảm chi phí.

Hộ chiếu, thẻ lên máy bay, khẩu trang

Hàng không lột xác vì COVID-19: mọi quy trình hướng đến không chạm - Ảnh 2.

Qatar Airways cho phi hành đoàn mặc đồ bảo hộ PPE – Ảnh: CNN

Trong kỷ nguyên mới của ngành hàng không, chúng ta có thể biết chắc trang thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE) không thể thiếu.

Các hãng hàng không châu Âu Lufthansa, Air France và KLM đã bắt buộc hành khách và phi hành đoàn đeo khẩu trang. Tại Mỹ, hãng Delta, United, American Airlines và JetBlue cũng tương tự. Air Canada đã bắt buộc đeo khẩu trang kể từ ngày 20-4.

Tại châu Á, Singapore Airlines, Air Asia và Cathay Pacific cũng đã bắt buộc đeo khẩu trang.

Xa hơn, Qatar Airways ở Trung Đông là một trong số vài hãng hàng không cho phi hành đoàn mặc bộ quần áo PPE vì dịch COVID-19.

“Ít nhất là trong cả năm 2020, hành khách sẽ đeo khẩu trang”, Federico Heitz, giám đốc điều hành Kaelis, nhà cung cấp đồ bảo hộ PPE cho hơn 20 hãng hàng không.

Heitz nói với CNN Travel rằng nhu cầu sử dụng Túi Tự Bảo Vệ (SP.3) rất cao, bao gồm khẩu trang, găng tay, nước rửa tay, khăn lau cồn và tờ rơi với các mẹo về cách ngăn chặn virus lây lan. Các túi có thể tùy chỉnh để phù hợp với các hãng hàng không.

“Những gì xảy ra trong 5 năm tới phụ thuộc vào việc có tìm ra vắcxin hay không, và cách thức virus tiến hóa. Hiện tại chúng ta chắc chắn cần được bảo vệ.”, Heitz nói.

Hồ sơ y tế khỏe mạnh

Hàng không lột xác vì COVID-19: mọi quy trình hướng đến không chạm - Ảnh 3.

Hệ thống khử trùng tại sân bay – Ảnh: CNN

Trong khi các sân bay vẫn còn vắng, có nhiều sáng kiến được đưa ra để xác minh sơ bộ sức khỏe hành khách và đảm bảo sân bay được khử trùng.

Đại diện hãng Etihad Airways cho biết công nghệ theo dõi nhiệt độ, nhịp tim và hô hấp của hành khách trước khi làm thủ tục, kích hoạt bằng giọng nói, giúp cảnh báo sớm các triệu chứng để giúp ngăn ngừa lây nhiễm. Hệ thống sẽ tự động tạm dừng quy trình làm thủ tục bay nếu phát hiện hành khách tiềm ẩn triệu chứng bệnh.

Ở nơi khác như Sân bay Quốc tế Hong Kong (HKIA), các nhà chức trách đang thử nghiệm hệ thống có tên CleanTech, dùng để khử trùng toàn thân.

Trong đó, hành khách và nhân viên sân bay kiểm tra thân nhiệt trước khi bước vào buồng kín để thực hiện quy trình khử trùng trong 40 giây, sử dụng công nghệ quang xúc tác (photocatalyst) và vi kim nano (nano needles).

Cũng tại HKIA, lớp phủ vô hình chống vi khuẩn đang được lắp đặt trên các bề mặt cảm ứng trong nhà ga, quầy thủ tục và xe đẩy. HKIA còn đang thử nghiệm robot khử trùng thông minh, được trang bị máy khử trùng bằng tia cực tím đi tuần tra trong sân bay để khử trùng đồ dùng của hành khách.

Lưu lượng ở sân ga

“Thử nghiệm tại một số sân bay bằng đèn UV, robot vệ sinh và các công nghệ khác là một phần trong nỗ lực giảm thiểu giãn cách xã hội để duy trì số lượng hành khách tại sân bay. Nếu không, chúng ta sẽ phải cần sân bay lớn hơn để duy trì giãn cách xã hội”, Cristiano Ceccato, giám đốc Zaha Hadid Architects, đơn vị thiết kế của sân bay quốc tế Đại Hưng Bắc Kinh (Trung Quốc), nói.

Trong tương lai xa, Ceccato nghĩ về kịch bản hành khách có cấy chip trong tay để theo dõi sức khỏe liên tục, như trong phim Star Trek. Con chip sẽ kêu bíp bíp nếu phát hiện ra vấn đề sức khỏe.

“Chúng ta chưa đi tới mức đó. Và dĩ nhiên còn các câu hỏi về đạo đức, quyền riêng tư và quyền tự do. Chúng ta thường đùa sân bay bây giờ pha trộn với trung tâm mua sắm. Sắp tới sân bay có thể kết hợp với bệnh viện”, Ceccato nói.

Trên không

Điểm cần lưu ý khi đi máy bay là nội thất máy bay do hành khách tương tác với chỗ ngồi, hệ thống giải trí, nhà vệ sinh và các đồ dùng khác.

Devin Liddell từ Teague – đơn vị tư vấn thiết kế khoang bay của máy bay Boeing từ những năm 1940 – cho biết có thể trong tương lại sẽ có thùng rác hoạt động bằng cử chỉ, chỉ cần vẫy tay để mở nắp chứ không cần chạm.

Liddell cũng dự đoán các hãng hàng không sẽ áp dụng các bề mặt kháng khuẩn, để dùng cho các bề mặt tiếp xúc nhiều như hệ thống giải trí trên máy bay.

Một trong những thách thức lớn nhất trong khoang là phục vụ. Trong những ngày đầu của dịch, các hãng đã ngừng phục vụ thức ăn để giảm thiểu việc phi hành đoàn phải đi lên đi xuống lối đi. Liddell cho rằng việc đó có thể sẽ do robot đảm nhiệm.

Niềm tin của hành khách

Cuối cùng, việc hành khách có cảm thấy đủ an toàn để bay hay không phụ thuộc vào niềm tin người tiêu dùng và việc các hãng bay giải quyết thỏa đáng mối lo của hành khách về dịch bệnh.

Hãng tư vấn dữ liệu Fethr đã phân tích hơn 900 triệu cuộc hội thoại trên Twitter, tin tức và blog và đánh giá liên quan đến COVID-19 và du lịch hàng không.

“Hơn 1/3 cuộc trò chuyện tại thời điểm này liên quan đến an toàn và vệ sinh trên máy bay”, Will Cooper, giám đốc tại Fethr nói.

“Hành khách đang bày tỏ mối quan tâm và thất vọng của họ quanh việc họ không biết liệu có an toàn khi đi du lịch hay không, hay họ tự bảo vệ mình bằng cách nào và cũng không rõ hãng hàng không sẽ làm gì”, Cooper cho biết.

Có lẽ một trong những việc dài hơi nhất đối với các hãng hàng không lúc này là khôi phục niềm tin của khách hàng.

Nguồn: Dulich.tuoitre.vn