“Thanh niên Phả” – Ảnh: Thủy Trần |
Vậy mà trong ký ức tôi không lý giải được vì sao Cẩm Phả lại thân quen và gần gũi với mình đến thế. Một ngày nọ mới chợt nhớ ra bạn trai cũ của mình sinh ra và lớn lên ở Cẩm Phả, sau này ở Hà Nội, mỗi lúc buồn anh lại… về quê.
Ở đó hẳn là đã có những tháng năm buồn tênh!
Cẩm Phả là thành phố lớn thứ hai trong bốn thành phố của Quảng Ninh gồm Hạ Long, Móng Cái, Uông Bí và Cẩm Phả. |
Cẩm Phả cách thủ đô Hà Nội chừng 200km về phía đông bắc, cách Hạ Long chừng một giờ xe máy, nằm trên quốc lộ 18 ra địa đầu Móng Cái, phía nam giáp vịnh Bái Tử Long của huyện đảo Vân Đồn.
Thành phố tất nhiên có biển, nhưng địa hình chủ yếu là đồi núi, chiếm đến hơn một nửa diện tích, còn lại là vùng trung du, đồng bằng và biển. Ngoài biển lại có hàng trăm hòn đảo đá vôi lớn nhỏ.
Sự đa dạng về địa hình tạo cho Cẩm Phả nhiều lợi thế trong du lịch, tuy câu chuyện về khai thác than lại là một bài toán khó cho ngành công nghiệp không khói.
Thông thường, khách du lịch chỉ đi ngang Cẩm Phả để đến huyện đảo Vân Đồn hay ra địa đầu Móng Cái. Dường như không ai muốn dừng chân ở thành phố mà bụi than đen phủ mờ những hàng cây và bờ rào, xe tải chở than ì ì chạy trên đường, dây chuyền khai thác than nằm ngay bên lề đường cũ kỹ, bụi bặm.
Biển ở ngoài kia, rất xa…
Một góc panorama thành phố Cẩm Phả từ trên núi Đèo Nai – Ảnh: Thủy Trần |
Quảng trường vinh danh người thợ mỏ – Ảnh: Thái Anh |
Thuyền chở khách từ bờ ra tàu lớn ngoài vịnh – Ảnh: Thủy Trần |
2. Xe Hà Nội đi Móng Cái thả chúng tôi xuống đường lúc 2g sáng. Phố xá vắng tanh, hỏi mấy khách sạn đều không còn phòng. Alô cho bạn, đợi năm phút thấy ngay hai chiếc xe máy ào đến, hớn hở, nhiệt tình chở cả nhóm vào ngõ này ngách nọ, tìm bằng được chỗ nghỉ đêm.
6g sáng hôm sau, bạn đã ngồi ngoài sảnh lễ tân đợi đưa đi ăn sáng.
Trong nhóm bạn mới ở Cẩm Phả có cả người quen và người lạ, có người đã biết nhau trên Facebook và có người mới gặp lần đầu. Nhưng nguồn gốc, nghề nghiệp hay tuổi tác của mọi người đã trở thành thứ yếu, sự trân trọng và thân thiện của “thanh niên Phả” khiến ai cũng cảm động.
Rồng rắn chở nhau ra Bến Do. Cánh nhiếp ảnh gia hẳn đã khai thác đề tài “Bến Do” đến hao phim, mòn máy. Thanh niên Phả đi chợ Do không biết bao lần cũng không vì thế mà ngần ngại dẫn bạn xa tới “chiêm ngưỡng” bến cá và chụp ảnh. Nhân tiện đi chợ cho bữa trưa.
Chợ Do, trong ký ức tôi, thật đẹp vào buổi sớm mai. Những chiếc thuyền cá cập bờ mang theo bao hải sản, những đứa con của vùng than với cuộc mưu sinh trên biển, trong vẻ đẹp của lao động được ghi lại qua ống kính của một người chụp ảnh có tâm.
Là tôi luôn tự khen bạn cũ như thế, bởi chợ Do trong ảnh anh luôn hiện lên thật sống động, đủ đầy và mộc mạc. Và chợ Do trong ký ức ấy là chợ phiên một, chợ bán buôn, họp từ 3g – 4g sáng đến tầm 7g – 8g là tan.
Giờ đã cuối phiên một rồi. Chợ phiên hai là dành cho dân kinh doanh bán lẻ, họp chợ cả ngày, đã phân loại hàng và tất nhiên giá cả sẽ cao hơn một chút.
Bình minh bến Do – Ảnh: Thái Anh |
Sắc màu chợ cá – Ảnh: Thủy Trần |
Đủ loại hải sản hấp dẫn người dân địa phương lẫn du khách – Ảnh: Thủy Trần |
Mẻ cá tươi roi rói vừa cập bến – Ảnh: Thái Anh |
Chúng tôi chen chân vào khu chợ hải sản ướt lép nhép, giữa dòng người đông đúc kẻ bán người mua, rồi leo lên bancông một căn nhà hai tầng ngay sát mép biển.
Từ trên cao quan sát mới thấy bến cá thật sắc màu. Hẳn là những tấm hình kinh điển của chợ Do cũng bắt đầu từ đây.
Nhiều người trong số bạn tôi khá “sành” các loại hải sản. Các bạn ngắm nghía chỉ mọi người xem nào cá thu, cá đuối, cá vược, cá song, nào tôm he, mực mai, cua, ghẹ, nào ốc gai, ốc hương, ốc móng tay, đùi gà, môi đỏ… Chao ôi, cứ la liệt trên các tấm trải, chậu xanh, xô đỏ…
Tiếng mặc cả, trả giá, tiếng dao chặt xuống thớt lạch cạch, xôn xao cả một khoảng trời. Ngoảnh đi, ngoảnh lại đã thấy mớ hải sản đã được bán hết cho khách tự bao giờ.
Thoáng trong đám đông phần nhiều là áo của công nhân ngành than có mấy bà, mấy mẹ váy áo xúng xính tay xách nách mang, trông dáng vẻ đích thị là dân du lịch ghé chợ mua hải sản về làm quà.
3. Sau bữa tiệc hải sản hoành tráng tự vào bếp ở nhà một bạn, các “thanh niên Phả” quyết đưa bạn Hà Nội lên núi. Bạn bảo để có góc nhìn toàn cảnh về thành phố Cẩm Phả, nơi nhiều thành viên CLB chụp ảnh Cẩm Phả hay rủ nhau lên phơi sáng và chụp ảnh panorama.
Gọi là núi nhưng thực ra đó là một quả đồi ở phường Cẩm Thủy với lối mòn nhỏ men theo sườn núi và đám cây bụi lúp xúp, trên triền đồi trồng thông. Giữa tiết trời mùa hạ, leo mất hơn nửa tiếng cả nhóm mới lên được đỉnh đồi.
Thành phố thấp thoáng trong màn mây màu chì, nhà cửa san sát, xa xa là vô vàn tàu cá và đảo đá nhấp nhô giữa mặt nước mênh mông.
Đi trên quê hương của than đá, thỉnh thoảng bạn lại chỉ những vỉa vàng đen óng ánh dọc theo lối mòn rồi bảo ngọn đồi này nằm trong quy hoạch của thành phố, sẽ không được phép khai thác than đá nữa. Một vọng cảnh đài cho Cẩm Phả từ trên cao vì thế hứa hẹn được giữ gìn.
Đường lên vọng cảnh đài núi Đèo Nai – Ảnh: Thái Anh |
Một góc Cẩm Phả từ trên cao – Ảnh: Thủy Trần |
Thời tiết không thích hợp cho việc chụp ảnh. Một bức tranh màu khói dưới tầm mắt. Có thể là màu khói cũng có thể là màu bụi than. Những ngôi nhà, thuyền cá như nhòa đi, đường băng tải than trên biển cũng nhòa đi.
Ở đâu dưới kia là bến cá chợ Do bạn từng thức khuya dậy sớm? Đâu là quảng trường vinh danh thợ mỏ Việt Nam? Ở đó có những tháng năm buồn tênh hay chính những khoảnh khắc này đây, thanh thản và nhẹ tênh trong vòng tay bè bạn?
4. “Thanh niên Phả” đùa nhau đứng hiên ngang trên mỏm đá “sống ảo”. Gió lồng lộng thổi tung bay mái tóc và cả tấm áo mỏng mặc ngoài.
Đứng yên lặng ngắm nhìn thành phố dưới kia ảo mờ thơ mộng, hẳn những đứa con Cẩm Phả đang ru lòng mình trong những nhịp đập yêu thương.
Nguồn: Dulich.tuoitre.vn