Có một Đắk Nông mùa lúa chín

0
5
Trên các con đường thôn, rơm được rải phơi trong nắng – Ảnh: Trung Oanh

Chúng tôi may mắn được trải nghiệm một mùa vàng Tây nguyên tại huyện Cư Jút, Đắk Nông.

Đêm giữa tháng 9, chúng tôi đi vào một xóm nhỏ vùng sâu của huyện Cư Jút trong ánh sáng đèn xe máy lờ mờ. Thấy ven đường người dân giăng bạt, thắp đèn. Xa xa là một cái máy gặt đang rì rì chạy.

Dừng lại hỏi thăm chuyện gặt đêm, những người dân chung quanh mới nói “do mùa này mưa nắng thất thường, nên xe rảnh là tranh thủ gặt. Lúa vào bao là mang về sân phơi bất kể đêm ngày”.  

Hôm sau là một ngày nắng ấm. Trên đường từ thôn nhỏ trong huyện ra trung tâm thị trấn Ea Tling, chúng tôi lại được đi quanh các con ngõ đất đỏ ngập tràn rơm xanh (vùng cao này chưa có máy quấn rơm và lúa), hạt tràn ngập sân các sân nhà, đường lộ… Ai cũng hồ hởi vì… trời nắng.

Một người dân thận thiện chào khách cười bảo: “Phải tranh thủ phơi để xay. Ông trời tháng 10 sáng nắng chiều mưa. Nên hạt lúa gặt xong rất cần một cơn nắng cho ráo áo”…

Buổi trưa, chúng tôi được mời ăn cơm gạo mới. Gạo hơi khô và cứng nhưng ngọt cơm. Đa số các gia đình ở Đăk Nông đều có máy xay xát. Lúa gặt xong, vô bao, phơi ráo là mang đi xay, vừa có cám cho heo gà, vừa có gạo sạch cho gia đình.

Chị chủ nhà hiếu khách cho biết do có xem đài, đọc báo nên rất sợ thực phẩm nhiễm độc, cái gì trong nhà ăn đều là nuôi trồng tại vườn. Chị nói thêm gạo chúng tôi đang ăn là loại lúa nước, nhưng là loại chịu hạn (lúa lai).   

Các cánh đồng lúa nước ở Đăk Nông chủ yếu nằm trên nền đất bazan đen nên lúa rất chắc hạt, dù ít nở. Còn lúa rẫy thì ít lắm, chỉ trồng để giữ giống trên các nương rẫy trên núi cao và xa, dùng để cúng lễ mùa lúa mới.

Thấy chúng tôi tò mò. Chị hướng dẫn chúng tôi ra bờ đập Đăk Drông phía thôn 14 của huyện Cư Jút, nơi có một vùng thung lũng đang ngập trong màu lúa chín, rồi giải thích do đặc thù cái nắng cái gió cao nguyên nên các vùng quanh đây lúa làm hai mùa, mùa đầu mưa và cuối mưa.

Tháng 4 đến tháng 12 tận dụng nước mưa của trời. Và  cũng vì mưa mà mùa gặt ở đây phải tiến hành thật nhanh với công cụ hỗ trợ là xe máy gặt. Thường chỉ trong vài buổi với xe máy cày và xe máy chở lúa trong bao về để kịp trải phơi trong sân và hiên nhà.

Sang mùa nắng thì cho đất nghỉ. Vì có trồng cũng phải bơm nước từ giếng, cực lắm.

Các con dường ven lộ đều biến thành sân phơi trong mùa gặt – Ảnh: Trung Oanh
Lúa sau khi phơi được gom lại chờ vào bao – Ảnh: Trung Oanh
Bên cạnh rơm là lúa hạt – Ảnh: Trung Oanh
Một phụ nữ vác rơm về nhà – Ảnh: Trung Oanh
Rơm trải kín từ trong sân ngõ ra đến đường lộ – Ảnh: Trung Oanh
Tại vùng cao Tây nguyên, rơm tươi là thực phẩm cho gia súc trong những ngày mưa – Ảnh: Trung Oanh
Một căn nhà người dân tộc có sân để phơi lương thực. Những bao xanh là lúa đã phơi khô chờ xay xát – Ảnh: Trung Oanh
Ngay cả chú chó nầy cũng vui thích với rơm – Ảnh: Trung Oanh

 

Huyện Cư Jút nằm trên trục đường quốc lộ 14, cách trung tâm TP Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk) 20km về phía Tây Nam và cách thị xã Gia Nghĩa 110km, nằm về phía Bắc tỉnh lỵ Đăk Nông, có 20km đường biên giới giáp huyện Pecchamda – tỉnh Mundunkiri, Campuchia.

Huyện có 8 đơn vị hành chính, gồm các xã Trúc Sơn, Nam Dong, Tâm Thắng, Ea Pô, Đăk Wil, Cư Knia, Đăk Drông và thị trấn Ea Tling

Vùng Cư Jút chịu sự chi phối bởi kiến tạo địa chất của cao nguyên, địa hình tương đối bằng phẳng, thấp dần từ Tây sang Đông, từ Nam đến Bắc, độ cao trung bình khoảng 330m. Lượng mưa trên địa bàn lớn, trung bình hàng năm 1.700 – 1.800mm, có nhiều sông suối nên địa hình chia cắt mạnh.

Cư Jút mang đặc điểm khí hậu của miền cao nguyên nhiệt đới gió mùa, có hai mùa mưa nắng rõ rệt. Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10, tập trung 90% lượng mưa hàng năm, là thời gian phát triển mạnh của các loại cây trồng; mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, lượng mưa không đáng kể cộng với gió mùa đông bắc làm tỉ lệ bốc hơi nước cao gây khô hạn, hệ thống thực vật kém phát triển.

Nguồn: Dulich.tuoitre.vn