Chỉ với chiếc máy tính bảng và một bức ảnh, chị Ngọc Anh giúp khách có thể tương tác với hiện vật trong các bảo tàng như thật.
Sáng 16/1, hội nghị du lịch ASEAN đã diễn ra với chủ đề “Kết nối di sản phát triển du lịch ASEAN trong thời đại số”. Đây là hoạt động nằm trong Diễn đàn Du lịch ASEAN do Việt Nam đăng cai tổ chức tại Hạ Long, Quảng Ninh.
Nhiều diễn giả tham gia chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi sáng kiến, giải pháp ứng dụng mới. Nổi bật là phần trình bày của chị Phạm Ngọc Mai Anh, CEO ADT Group, khi nói về ứng dụng công nghệ tăng cường thực tế (AR) vào trải nghiệm du lịch.
Chị Mai Anh dùng máy tính bảng quét một bức ảnh chụp hiện vật đã được số hóa, từ đó có thể quan sát nó dưới dạng 3D. Thậm chí, khách có thể “xoay, lật, phóng to, thu nhỏ” hiện vật để thưởng lãm một cách tỉ mỉ, chính xác. Trải nghiệm mới này khiến khán phòng hội nghị phải trầm trồ.
Xu hướng số hóa hiện vật đã được ứng dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Hiện người Việt đã áp dụng công nghệ này để phát triển mô hình bảo tàng ảo cho nhiều đơn vị trên cả nước, nhằm gìn giữ và bảo tồn những giá trị lịch sử lâu đời.
“Công nghệ tăng cường thực tế AR phù hợp với nhiều lĩnh vực, nhưng hiện nay chúng tôi đang triển khai khoảng 40% dự án cho du lịch. Nhờ đó, du khách khi thăm một điểm đến mới, chỉ cần tải ứng dụng, điện thoại sẽ tự nhận tọa độ và sẽ bật lên ngay những thông tin về điểm đó, bằng nhiều thứ tiếng, video, 3D hiện vật… Bạn sẽ không cần một cuốn sách hướng dẫn, bản đồ giấy hay hướng dẫn viên nữa vì tất cả đã được cung cấp đầy đủ”, chị Mai Anh giải thích.
Ông Peter DeBrine, chuyên gia cao cấp của chương trình Du lịch bền vững – UNESCO, đánh giá các công cụ kỹ thuật số và công nghệ đang đóng một vai trò quan trọng trong việc liên kết văn hóa với phát triển du lịch bền vững, đặc biệt liên quan đến việc quản lý, quảng bá và bảo tồn di sản văn hóa.
Vừa qua UNESCO đã đưa ra một sáng kiến mới do Liên minh châu Âu tài trợ và hợp tác với National Geographic, nhằm giới thiệu di sản văn hóa độc đáo của EU và hỗ trợ phát triển du lịch bền vững. Dự án tập trung xây dựng một nền tảng liên quan tới 34 di sản thế giới ở 19 quốc gia thuộc châu Âu.
Tại hội nghị, cuộc thi video du lịch Mekong cũng được phát động nhằm quảng bá Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS) là điểm đến thống nhất. Đây là cuộc thi do Bộ quản lý du lịch các nước GMS chủ trì tổ chức, với thời lượng tối đa cho các đoạn phim dự thi là 60 giây.
Nguồn: Vnexpress.net