Clip: Xem các chàng trai Mông thổi khèn, nhiều thiếu nữ quên lối về

0
12

(Dân Việt) Trong cái rét như cắt da cắt thịt, người Mông ở cao nguyên Mộc Châu bắt đầu đón Tết. Người mông Đen, mông Lềnh, hay mông Dua đều tổ chức ăn Tết vào đầu tháng Chạp. Khắp bản trên, bản dưới vang lên tiếng khèn du dương gọi bạn tình của các chàng trai Mông.

Đến bản Mông vào những ngày này mới cảm nhận hết được cái hay, cái đẹp của miền sơn cước. Theo quốc lộ 6, chạm đất Hang Kia, Pà Cò (thủ phủ của người Mông ở Mai Châu – Hòa Bình). Hoa mận, hoa đào đã bắt đầu chớm nở. Bà con người Mông lại nô nức tổ chức đón Tết. Ai cũng hớn hở đón một cái Tết trong giá rét. 

Bà con người Mông tổ chức làm bánh dày đón Tết. 

Người Mông bắt đầu ăn Tết vào đầu tháng Chạp (đầu tháng 12 âm lịch) và nó kéo dài suốt 1 tháng. Ở các gia đình đều sửa mâm cỗ cúng gia tiên, tạ ơn trời đất sau một năm mưa thuận, gió hòa. Nhà nhà cùng nhau sửa cối giã bánh dày. Các cô gái diện xiêm y xúng xính nắm tay nhau hát ca. Các chàng trai được dịp trổ tài bằng tiếng khèn, tiếng pí. Cuộc vui cứ kéo dài mãi tưởng như không có hồi kết. 

Mâm cỗ đậm chất miền sơn cước. 

Ăn Tết cũng là dịp để các chàng trai cô gái người Mông tìm hiểu nhau. Đôi nào ưng cái bụng là kéo nhau về nhà xin phép bố mẹ về ở cùng một nhà. Trong đêm thanh vắng, bản trên, bản dưới vang lên tiếng khèn gọi bạn du dương, trầm bổng.Bất chấp sương rơi ướt áo, tiếng khèn vẫn cứ vang lên đều đều. Nhiều chàng trai vẫn kiên trì đứng bên bờ rào đá thổi khèn đợi cô gái mà mình thích mở cửa đón lên nhà.  

Hoa đào đã chớm nở (Ảnh Sùng Mua)

Khắp bản trên, bản dưới sương giăng khắp lối, gió lạnh lùa về từng cơn, nhưng đã là người Mông sống ở đất cao nguyên Mộc Châu là họ đến nhà nhau, giao lưu vài tuần rượu. Ngay cả những người lữ khách qua đất này đúng dịp Tết cũng được kéo vào mâm rượu. Không uống được thì nhấp môi, khách mà say ngủ lại nhà thì gia chủ càng quý. Sự gần gũi, thân thiện của đồng bào Mông luôn là chất xúc tác cho những ai thích đi xê dịch lưu lại vùng đất nên thơ này. 

Nguồn: Danviet.vn