Chuyện về nguồn gốc các cuốn hộ chiếu trên thế giới

0
15
AP05102407516-8438-1417066122.jpg

Giữa thế chiến thứ nhất, hệ thống hộ chiếu được sử dụng rộng rãi vì chính phủ nhiều nước muốn chủ động trong việc kiểm soát điệp viên. 

Hộ chiếu là loại giấy tờ quan trọng để nhận dạng cá nhân và quốc tịch mỗi người, được xem như tấm vé thông hành, giúp di chuyển từ nước này sang nước khác. Thông thường, hộ chiếu có ba loại gồm phổ thông, công vụ và ngoại giao. Dù được sử dụng phổ biến, ít ai biết rõ quá trình ra đời của loại giấy tờ này. 

AP05102407516-8438-1417066122.jpg

Lý do ban đầu hộ chiếu được sử dụng rộng rãi vì chính phủ muốn kiểm soát điệp viên. Ảnh: wired

Ở Anh, khái niệm về giấy tờ bảo đảm an toàn cho bản thân khi đi đâu đó xuất hiện vào thời vua Henry V, năm 1414. Lúc bấy giờ, những loại giấy tờ này được ban hành bởi nhà vua đến bất cứ ai, dù họ có phải người Anh hay không.

Đến năm 1540, việc ban hành lại thuộc về hội đồng Cơ mật. Từ “hộ chiếu” mới dần trở nên phổ biến vì người dân phải dùng để qua cảng biển hoặc cổng tường thành. Từ thời kỳ này đến năm 1858, các loại hộ chiếu vẫn viết bằng tiếng Pháp bất kể người sở hữu là công dân nước khác, đồng thời trở thành điều kiện cần để du lịch nước ngoài. 

Vào thế kỷ 19, hệ thống giấy tờ này bắt đầu sụp đổ khi các tuyến đường sắt được mở, chạy khắp châu Âu. Chính quyền Pháp cảm thấy việc phát hành và kiểm tra hộ chiếu tất cả các công dân đi lại tự do khắp nơi là việc làm vô nghĩa.

Quốc gia này sau đó hủy bỏ hộ chiếu và khiến các nước châu Âu khác “bắt chước” theo. Tấm vé thông hành nổi tiếng chỉ thực sự trở lại giữa thế chiến thứ nhất, khi các chính phủ muốn kiểm soát sự đi lại của điệp viên. 

1024px-First-Japanese-passport-5674-1907

Mẫu hộ chiếu xưa của đất nước Nhật Bản. Ảnh: wikipedia

Hộ chiếu của người Anh khi đó còn là sản phẩm của luật công dân Anh 1914 với hình thức một tờ giấy gấp làm 8 phần, được giữ chặt bởi miếng bìa bao ngoài. Mỗi cuốn có giá trị trong hai năm, chứa hình ảnh và chữ ký cùng một số đặc điểm nhận dạng của người sở hữu.

Các quốc gia khác cũng có cấu trúc hộ chiếu giống nước Anh và chỉ thêm một số nét riêng biệt tùy theo văn hóa từng nơi. Đến đầu thế kỷ 20, quyển sổ hộ chiếu hoàn chỉnh như ngày nay mới hình thành rõ nét, chuẩn hóa quốc tế và được sử dụng rộng rãi. 

Thảo Nghi

Nguồn: Vnexpress.net