Chuyện về người hầu rượu không biết tiếng Nhật ở Tokyo

0
14

Cuộc gặp gỡ ngẫu nhiên đã khiến Jennifer Suttie bỏ nghề giáo viên để bước vào thế giới của những người hầu rượu khi về đêm.

Nằm giữa các tòa nhà văn phòng cao tầng ở Kabukicho, khu vực giải trí nổi tiếng của Tokyo, là Golden Gai, một mê cung với những con ngõ nhỏ ngoằn ngoèo và nhiều quán bar chật ních người. Nơi đây được biết đến trong mắt du khách là một thế giới cổ quái, bí ẩn và chỉ sống động khi đêm về.

co-gai-hau-ruou-khong-biet-tieng-nhat-o-tokyo

Các quán bar ở Golden Gai không có nhiều quán có nhân viên là người nước ngoài, là nữ lại càng ít. Ảnh: BBC.

Trong hơn 170 quán rượu ở khu vực này, số lượng quán có người phục vụ ở quầy rượu (bartender) là người nước ngoài không nhiều. Một trong số đó là Back House – nơi thu hút những vị khách hiếu kỳ bởi có người hầu rượu là một phụ nữ ngoại quốc.

Jennifer Suttie là người Mỹ có đôi mắt xanh tuyệt đẹp, còn khá trẻ. Cô mới ngoài 20 và cái cách cô phục vụ rượu được đánh giá là khá thú vị: vừa rót rượu vừa nói chuyện với khách bằng thứ tiếng Anh pha lẫn tiếng Nhật bập bẹ.

Suttie đến Tokyo với dự định ban đầu là làm giáo viên dạy tiếng Anh cho người Nhật. Trong những người bạn mới của mình, Suttie kết giao với Hanako, một người làm trong ngành giải trí. Bên cạnh đó, Hanako còn làm thêm nghề pha chế rượu ở quán Back House. Và cuộc gặp gỡ với người này đã đưa cô giáo trẻ đến thế giới cổ quái này của Nhật Bản, trở thành người rót rượu như hiện nay.

co-gai-hau-ruou-khong-biet-tieng-nhat-o-tokyo-1

Một khách quen đang uống sake trong quán Back House. Ảnh: BBC.

Suttie kể rẳng, vì muốn cô hiểu thêm về cuộc sống ban đêm độc đáo, lắm góc khuất ở Tokyo, Hanako đã giới thiệu cô đến các quán rượu nhỏ nằm trong khu ngõ nhỏ Golden Gai.

Trước đó ở Mỹ, cô cũng có kinh nghiệm làm ở quán rượu, cùng với tính cách thích giao tiếp và muốn thử thách những trải nghiệm mới, Suttie hào hứng với công việc này.

Với vốn tiếng Anh nói chưa sõi của Hanako và trình độ tiếng Nhật “nửa chữ bẻ đôi không biết” của Suttie, cộng thêm nhiệt huyết của những người trẻ tuổi, cuối cùng cô gái người Mỹ cũng được nhận vào làm ở Back House.

Khi mới vào nghề, Suttie gặp khá nhiều tai nạn nghề nghiệp, phần lớn liên quan đến khả năng nghe hiểu tiếng Nhật của cô. Lần đầu có một người khách gọi rượu sake, cô liền đưa cho họ loại ly thông thường mà đáng lẽ phải là ly ochoko nhỏ bé. Điều này khiến khách không hài lòng.

Sau dần, Suttie cũng biết nhiều hơn về các từ như kori (đá), okawari (rót tiếp) và haizara (gạt tàn), haibōru (rượu whisky pha soda của Nhật). Tuy vậy, đôi lúc cô và khách vẫn phải dùng ngôn ngữ cơ thể để ra ám hiệu khi giao tiếp với nhau.

Nữ du khách đến từ Mỹ cho biết, đây cũng là một may mắn với cô vì nghề hầu rượu không có giới hạn và uống rượu cũng có thể là ngôn ngữ chung để dẫn con người đến với nhau.

Trong những con hẻm ngoằn ngoèo của Gokden Gai, không gian chật hẹp nhưng thân thiện là nơi hoàn hảo để tạo ra sự liên kết giữa các nền văn hóa, và cũng là không gian lý tưởng cho người nước ngoài tập nói tiếng Nhật – thứ ngôn ngữ được xếp vào hàng khó học trên thế giới.

Xem thêm Cuộc sống về đêm lộng lẫy ở Tokyo

Nguồn: Vnexpress.net