Chuyến phượt xe máy đến Hà Giang của khách Tây

0
6
Hành trình khám phá Hà Giang đi qua những bản làng để tìm hiểu cuộc sống người dân. Ảnh: Spiegel.

Chưa từng lái xe máy quá 100 giờ nên khi chọn phương tiện này khám phá Hà Giang, Stephan đã có nhiều trải nghiệm đáng nhớ.

Một chuyến phượt bằng xe máy là trải nghiệm không thể bỏ lỡ khi tới Việt Nam. Stephan Orth, một nhà báo Đức, kể về hành trình rong ruổi ở vùng núi phía bắc.

Không quốc gia nào trên thế giới có câu trả lời rõ ràng cho câu hỏi “phương tiện giao thông nào phù hợp nhất cho một chuyến du lịch” như ở Việt Nam: đó chính là xe máy. Đất nước này có hơn 40 triệu xe máy trên tổng số hơn 90 triệu dân. Ấn tượng về những dòng xe len lỏi khắp phố phường in đậm trong tâm trí du khách tới Việt Nam như dấu ấn về mùi phở.

Hà Nội có khá nhiều bụi nên tôi quyết định thuê xe máy trên Hà Giang và tự mình lái xe khám phá những ngọn núi nơi đây. Sau 6 tiếng trên xe khách giường nằm tôi đến Hà Giang. Điểm đến này không phổ biến như Sa Pa hay Mae Hong Son ở Thái Lan, nhưng tôi rất hào hứng.

Hành trình khám phá Hà Giang đi qua những bản làng để tìm hiểu cuộc sống người dân. Ảnh: Spiegel.

Hành trình khám phá Hà Giang đi qua những bản làng để tìm hiểu cuộc sống người dân. Ảnh: Spiegel.

Người cho thuê xe máy đưa tôi chiếc 110 cc sáng bóng và kiểm tra bằng lái xe của tôi. Tôi lượn vài vòng quanh phố để quen với việc sang số, rồi mua thêm một chiếc túi bọc chống nước cho ba lô, rút tiền từ cây ATM và khởi hành.

Đoạn đường ban đầu khá đẹp và bằng phẳng. Với vận tốc 30 km/h, tôi đi qua các thửa ruộng bậc thang xanh mướt. Kế đó là những cung đường khúc khuỷu dẫn lên Quản Bạ. Biển cảnh báo thường chỉ độ dốc 8 – 10%, có chỗ lên tới 12%. Nơi này nằm trong công viên địa chất toàn cầu do UNESCO công nhận. Tầm nhìn ở đây rất đẹp nhưng tôi đi vào hôm sương mù tới nỗi dù có 30 con voọc mũi hếch lởn vởn quanh đây thì cũng không thể nhìn thấy.

Hai tiếng sau tôi có mặt tại homestay địa phương cùng 4 du khách Hà Lan. Chúng tôi được phục vụ cơm với thịt gà, rượu ngô do người dân tự nấu. 200.000 đồng (khoảng 8 euro) là giá cho một đêm nghỉ tại ngôi nhà gỗ hai tầng. Tôi chưa từng tưởng tượng ra việc mình sẽ qua đêm tại nhà của một người dân tộc Dao như vậy.

Chúng tôi sau đó đến một đám cưới, nơi mọi người cùng thưởng thức rượu ngô. Ở đó tôi đã uống đến mức chỉ có thể nhớ được những trang phục sặc sỡ, khuôn mặt nhiều nếp nhăn của các cụ già và cuộc trò chuyện với “Easy Rider” – tên gọi những người lái xe máy chở khách nước ngoài đi du lịch.

“Ngày càng nhiều khách du lịch tới đây”, anh chàng nói. Hết chén rượu thứ tư, anh thú thật rằng, sau 5 năm làm việc, khu vực này bị tác động chút ít, hầu như lần nào anh cũng chạy cung đường ấy với cùng một chương trình trong vòng bốn ngày. “Tôi biết từng hạt bụi nơi này”, anh nói. “Nhưng nhiều năm trở lại đây đường sá đã được nâng cấp lên nhiều rồi”.

Một đoạn cua trên đường lên cao nguyên đá. Ảnh: Spiegel.

Một đoạn cua trên đường lên cao nguyên đá. Ảnh: Spiegel.

Ngoài chú ý ổ gà, bạn phải tập trung lái xe, không được phân tâm. Cứ lên rồi lại xuống, giữa Đồng Văn và Mèo Vạc, sau những khúc cua là điểm dừng chân có tầm nhìn ấn tượng. Điểm tiếp theo luôn hấp dẫn hơn điểm trước.

Ngoài homestay, tôi cũng ngủ trong những khách sạn trên hành trình, giao tiếp chủ yếu bằng tay và chân, vì không nói được tiếng Việt. Dẫu vậy tôi vẫn cảm nhận được mọi người gần gũi nhau hơn. Cứ thế tôi hòa mình cùng vào cuộc sống của người dân, dần thành thạo đi xe máy. Tôi nhận thấy một phần quan trọng trong cuộc sống của người dân Việt Nam diễn ra trên xe máy. Ai chỉ ngồi sau cửa kính ôtô khó có thể mở rộng tầm mắt của mình.

Khám phá bằng xe máy là điều chúng ta nên thử trước khi các điểm du lịch ở Hà Giang đón khách đại trà. Sẽ rất tuyệt nếu bạn không chỉ đi theo những cung thông thường. Ví dụ khu vực xung quanh Du Già, bạn có thể khám phá thêm những ngôi làng còn hoang sơ, hơn 20 dân tộc khác nhau cùng chung sống.

Doãn Hào (Theo Spiegel)

Nguồn: Vnexpress.net