Chuyến phượt của khách Tây mùa Covid-19

0
5
Người dân TP HCM đợi mua khẩu trang. Ảnh: Kate Taylor/Business Insider.

Kate không mất ngủ vì sợ nhiễm virus corona tại châu Á, nhưng lại lo mình bị người dân địa phương kỳ thị.

Dưới đây là chia sẻ của Kate Taylor, đến từ Mỹ, đang khám phá Việt Nam. Cô tận hưởng tuần thứ ba trong chuyến phượt dài hai tháng khắp châu Á.

Covid-19 là thứ đầu tiên người ta nhắc đến ở nhiều nước châu Á. Dù tôi lên một chiếc taxi ở Seoul hay gọi xe tại TP HCM, virus corona luôn mở đầu cho mọi cuộc nói chuyện. Khi rời Hàn Quốc từ cuối tuần trước, một tài xế taxi xin lỗi vì tôi đến xứ sở kim chi đúng mùa dịch. Sáu giờ sau tôi có mặt tại Việt Nam, tài xế taxi chỉ vào chiếc khẩu trang của mình và trách khách Trung Quốc đã lây lan virus.

Tôi đã du lịch Hàn Quốc hai tuần, và giờ đến Việt Nam. Tiếp theo tôi sẽ sang Campuchia, Thái Lan và Singapore – những quốc gia đều ghi nhận ca nhiễm. Xét theo những con số được thống kê, tôi khó bị nhiễm bệnh. Nhưng về cơ bản, Covid-19 thay đổi hành trình của tôi, với những rắc rối đáng lo hơn cả nguy cơ lây nhiễm. Tôi đã đi năm chuyến bay tới hai quốc gia, vô số chuyến tàu điện ngầm, xe buýt, taxi… Và tôi sẽ cho bạn biết chuyến du lịch châu Á của mình diễn ra như thế nào trong mùa dịch.

Khẩu trang hiện diện khắp nơi

Tại cả Seoul hay TP HCM, hầu như ai cũng đeo khẩu trang y tế. Từ các thắng cảnh, bảo tàng hay những nơi công cộng khác, tôi đều thấy biển hiệu nhắc nhở người dân rửa tay và đeo khẩu trang. Không khó để thấy một hàng thuốc hay tạp hóa bán khẩu trang N95 với hàng dài người đợi đến lượt. Khẩu trang y tế là mặt hàng bán chạy nhất của siêu thị Costco tại Seoul cuối tháng một. Khi đến TP HCM vào tuần trước, tôi thấy một đám đông tràn ra đường vào 8h tối, chờ mua khẩu trang.

Chính phủ các nước buộc phải thực thi pháp luật để chống nạn lừa đảo trong bối cảnh dịch bệnh. Hàn Quốc cảnh báo những người tích trữ khẩu trang và dung dịch rửa tay sẽ bị phạt đến hai năm tù hoặc nộp phạt hơn 42.100 USD. Còn tại Việt Nam, một công ty bị phát hiện sản xuất khẩu trang từ giấy vệ sinh cũng đã bị xử lý.

Người dân TP HCM đợi mua khẩu trang. Ảnh: Kate Taylor/Business Insider.

Người dân TP HCM đợi mua khẩu trang. Ảnh: Kate Taylor/Business Insider.

Trong tour khám phá sông Mekong, hướng dẫn viên của tôi kể lại những câu chuyện về người châu Á bị tấn công hay chỉ trích vì đeo khẩu trang nơi công cộng. Còn tại Việt Nam, những người không đeo khẩu trang bị xem là tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm virus.

Vài nơi tôi đến thăm ở TP HCM còn quy định những người không đeo khẩu trang không được phép vào trong. Khi check-in khách sạn, tôi cũng phải kiểm tra thân nhiệt. “Những thiết bị đo thân nhiệt điện tử nổi tiếng kém chính xác và không đáng tin. Vài loại chỉ để làm cảnh”, James Lawler, bác sĩ thuộc Trung tâm An ninh Y tế Toàn cầu của Đại học Nebraska (Mỹ), trả lời tờ New York Times.

“Khẩu trang y tế không thể lọc những giọt bắn nhỏ li ti có khả năng truyền nhiễm virus”, Hyo-Jick Choi tại Đại học Alberta (Canada), nói trên Business Insider Today.

Nói cách khác, hai vũ khí phổ biến nhất để chống lại virus corona – khẩu trang và máy đo thân nhiệt – chủ yếu chỉ để trưng bày. Khẩu trang y tế có thể hữu ích với những người đã ốm sẵn, giúp họ ngăn lây lan bệnh tật cho những người xung quanh – mà không có nhiều tác dụng phòng bệnh cho người bình thường.

Dù vậy, cuối cùng tôi vẫn phải đeo khẩu trang trong nửa khoảng thời gian ở Hàn Quốc và Việt Nam. Ngay cả khi biết điều đó không giúp tránh nhiễm virus, tôi vẫn đeo khẩu trang để những người xung quanh an tâm rằng tôi không phải nguồn lây bệnh. 

Không mất ngủ vì sợ virus corona

Nhiều người ở Việt Nam đã bị cách ly, gồm cả một khu vực có khoảng 10.000 cư dân gần Hà Nội. Trường học tại TP HCM đóng cửa, và giới chức địa phương còn tiếp tục kéo dài thời gian nghỉ để phòng tránh dịch bệnh. 

Những lệnh cách ly này khiến nỗi bất an lớn dần trong tôi, rằng mình có thể bị cách ly tại Việt Nam hay một quốc gia nào đó. Tôi dự định du lịch khắp châu Á trong chín tuần. Thực sự, đi hết chín tuần mà không bị cảm cúm lần nào là một kỳ tích. Tôi vẫn uống viên kẽm và vitamin C hàng ngày, liên tục rửa tay với hy vọng loại bỏ mọi mầm bệnh.

Tôi theo dõi sát sao khuyến cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC). Hiện mức cảnh báo với hành khách có ý định tới Trung Quốc là cấp 4 – mức “Không nên đến”, trong khi Hong Kong ở cấp 2 – mức “Tăng cường cẩn trọng”. Với những quốc gia châu Á khác, gồm cả những nơi tôi đã hay sắp tới, CDC chỉ khuyến cáo cấp 1 – mức “Thận trọng bình thường”.

Kate đeo khẩu trang trên chuyến bay tại Việt Nam. Ảnh: Kate Taylor/Business Insider.

Kate đeo khẩu trang trên chuyến bay tại Việt Nam. Ảnh: Kate Taylor/Business Insider.

Một số quốc gia như Mỹ, Hàn Quốc và Singapore đã ban lệnh cấm nhập cảnh những người gần đây đến Trung Quốc hoặc vài vùng cụ thể tại đất nước này. Khi chưa rõ dịch bệnh sẽ diễn biến ra sao, hoàn toàn có khả năng các nước sẽ đưa ra nhiều chính sách hạn chế mới. Hồi tháng một, tôi định sang Đài Loan thăm bạn dịp cuối tuần nhưng lại hủy chuyến đi vì lo ngại virus corona. Hóa ra đó là quyết định đúng đắn khi ngày càng nhiều quốc gia cấm nhập cảnh với khách từng đến Đài Loan trong 14 ngày trước đó.

Mặt khác, trải nghiệm thực tế của tôi khi đi từ nước này sang nước khác, cụ thể là bay từ Hàn Quốc sang Việt Nam, lại cực kỳ suôn sẻ. Mối lo lớn nhất của tôi không phải virus hay cách ly, mà xin visa.

Mối lo thứ hai là bị phân biệt đối xử. Tại một số nơi, cửa hàng treo biển thông báo cấm khách Trung Quốc. Người Trung Quốc và những người châu Á khác trên thế giới đang phải đối mặt với sự kỳ thị hoặc tấn công khi số ca nhiễm Covid-19 ngày càng gia tăng. 

Là một du khách Mỹ, tôi chưa thấy mình bị ảnh hưởng gì trực tiếp từ dịch bệnh này. Tuy nhiên, bạn bè tôi định gặp có thể bị ảnh hưởng. Khi chứng kiến người khác đổ lỗi cho khách Trung Quốc vì virus corona, tôi không muốn những người bạn Mỹ gốc Á của mình phải đối mặt với làn sóng kỳ thị người Trung Quốc khi đi du lịch cùng tôi.

Cuộc sống bình thường của một du khách 

Những nỗi lo sợ và tình hình khó đoán buộc tôi phải linh hoạt trong chuyến đi này hơn. Tôi quyết định rời Việt Nam sớm hơn dự tính và đến Campuchia. Kế hoạch thăm Thái Lan và Singapore vào đầu tháng ba vẫn chưa chắc chắn.

Dù vậy, cuộc sống thường ngày của một khách du lịch như tôi vẫn tiếp tục. Một trong vài nơi khẩu trang ít hiện diện là resort tôi ở tại Phú Quốc. Ngoài số ít nhân viên an ninh và bảo trì đeo khẩu trang, hầu như mọi người làm việc hay nghỉ dưỡng ở đây để không kè kè vật dụng này. 

Ngay cả những nơi người dân đeo khẩu trang nhiều hơn, cuộc sống vẫn tiếp diễn bình thường. Tôi có thể đi mua sắm ở Seoul và vài trung tâm thương mại còn vắng vẻ hơn bình thường, ghé những quán cà phê ở TP HCM, đi tour khám phá sông Mekong có hướng dẫn viên mà không gặp trở ngại gì.

Kate nghỉ trong một resort 5 sao tại Phú Quốc. Ảnh: Kate Taylor/Business Insider.

Kate nghỉ trong một resort 5 sao tại Phú Quốc. Ảnh: Kate Taylor/Business Insider.

Rốt cuộc, không có khả năng nào cho thấy tôi sẽ bị cách ly trong nhiều tuần hoặc bị phân biệt đối xử vì là khách du lịch trong mùa Covid-19. Dù có những điều gây căng thẳng trên đường du lịch, tôi nhận ra mình may mắn đến thế nào khi có thể linh hoạt với kế hoạch và trở về Mỹ bất kỳ lúc nào nếu có gì thay đổi.

Nếu bạn là một người Mỹ đang có kế hoạch đến châu Á và lo lắng với virus corona, tôi chẳng thể khuyên bạn nên làm gì. Nhưng tôi có thể khẳng định rằng hiện tại nguy cơ nhiễm virus corona tại phần lớn quốc gia châu Á là rất nhỏ. Tôi sẽ tiếp tục hành trình của mình và khuyên những người khác điều tương tự – hãy nhớ mua khẩu trang trước khi rời khỏi Mỹ.

An An (Theo Business Insider)

Nguồn: Vnexpress.net