Cưỡi tuần lộc rong ruổi trên thảo nguyên đầy tuyết, sống chung với bộ lạc tuần lộc cuối cùng, nghe họ hát… là những trải nghiệm không bao giờ quên của Nguyễn Thiện Chí, chàng trai sinh năm 1988 trong chuyến đi Mông Cổ vừa qua.
Nguyễn Thiện Chí vừa trở về từ chuyến đi Mông Cổ. Anh cùng 11 bạn đồng hành đã đến thảo nguyên đầy tuyết, nơi bộ lạc tuần lộc (Tsaatan) cuối cùng còn giữ nếp sinh hoạt du mục cư ngụ, để khám phá cuộc sống ở đây.
Từ thủ đô Ulaanbaatar, nhóm của Chí đi ô tô suốt quãng đường dài 1.250 km để đến làng Tsagaan Nuur thuộc tỉnh Hogsgul. Sau đó, do địa hình hiểm trở, mọi người phải off-road (quãng đường gồ ghề, đôi khi phải xuống xe để đi bộ). Nhóm của Chí mất 12 tiếng để băng qua đoạn đường dài 350 km, đi trên những mặt hồ đóng băng, những rừng thông phủ đầy tuyết để tới ngôi làng giáp biên giới với Nga.
Những ngày sau đó của chàng du khách trẻ là những ngày rong ruổi khám phá thảo nguyên và bộ lạc tuần lộc. Anh vừa đi vừa nhờ người Tsaatan bản xứ dẫn đường.
Du khách Việt ‘chế’ món siro đá bào giữa thảo nguyên Mông Cổ
Du khách 8X “chế” món siro đá bào từ tuyết.
Nhóm du khách được hướng dẫn cưỡi tuần lộc lên núi, qua một số con sông và đèo với với độ cao gần 3.000 m, dựng lều nghỉ ngơi, khám khá những mỏm đá dựng đứng và dãy núi bao quanh. Lều hình chóp của người Mông Cổ gọi là “tebee”.
Những người Tsaatan còn được gọi là những người tuần lộc, bởi cuộc sống của họ gắn liền với những con tuần lộc hàng nghìn năm nay. Họ dùng tuần lộc để di chuyển, thồ hàng. Sữa của chúng dùng làm thực phẩm hằng ngày. Những người Tsaatan không tới các vùng ấm hơn mà quyết tâm ở lại rừng taiga, nơi mà tuần lộc của họ hoàn toàn được khoẻ mạnh.
Những ngày sống giữa thảo nguyên cùng bộ lạc tuần lộc của Thiện Chí và bạn bè được miêu tả là “đẹp như mơ”, dù thời tiết rất khắc nghiệt. Chí cho biết trong lều chỉ có một lò than và đệm da thú, nên khi ngủ cả nhóm đều rất lạnh, cảm giác buốt tận sống lưng.
Khác biệt lớn về thời tiết là điều nhóm của nhiếp ảnh gia 8X quan tâm nhất. Họ cần giữ ấm để đảm bảo sức khỏe, tiếp tục hành trình. Theo Chí, thay vì mặc áo khoác to dày thì mọi người cần mặc 3-4 áo để ấm hơn.
Những vật dụng bắt buộc phải chuẩn bị cho chuyến đi gồm: khăn giấy loại khô, ướt, giày du lịch, áo khoác không thấm nước, miếng dán giữ nhiệt, đồ ăn khô. Mọi người tuyệt đối không mang đồ làm từ cotton, vì chất liệu này giữ lại mồ hôi, trở nên nặng khi ẩm ướt, rất lâu khô.
Chi phí cho 10 ngày của Chí ở trên núi bao gồm thuê hướng dẫn viên, ăn uống, di chuyển khoảng 1.000 USD (hơn 20 triệu đồng) một người. Còn chi phí toàn bộ chuyến đi 15 ngày gồm vé máy bay, thuê xe tự lái, khách sạn, đồ ăn, mua quần áo ấm… khoảng 4.000 USD (hơn 80 triệu đồng).
Ảnh: Nguyễn Thiện Chí
Nguồn: Vnexpress.net