Australia Vợ chồng du khách Anh phải đổi chuyến bay liên tục để được lên tàu, nhưng cuối cùng họ vẫn phải ở lại.
Steve và Anne Marflett bỏ ra 7.000 USD cho chuyến du lịch bằng tàu Queen Mary II, hành trình 17 ngày quanh châu Á và Australia. Với họ, đây là “chuyến đi một lần trong đời”, nên cả hai đều háo hức. Tuy nhiên, họ gặp trắc trở ngay từ lúc bắt đầu, khi con tàu hủy điểm dừng ở Hong Kong.
Vợ chồng du khách Anh đã có chuyến đi dài từ thị trấn Colchester, hạt Essex tới Perth. Ảnh: Sun. |
“Ban đầu, chúng tôi lên tàu ở Hong Kong. Nhưng họ nói con tàu sẽ không cập cảng vì e ngại Covid-19 và thay thế bằng Singapore”, Steve nói.
Vì vậy, hai vợ chồng hủy chuyến bay từ Anh tới Hong Kong, chọn vé tới đảo quốc sư tử. Sau đó, họ lại được thông báo lịch trình thay đổi, con tàu chỉ tới Perth, Australia. Lần nữa, cặp đôi mua vé tới Perth và nối chuyến tại Singapore. Đây cũng là lựa chọn duy nhất của họ.
“Chúng tôi được thông báo rằng việc nối chuyến ở Singapore hoàn toàn ổn trừ việc chúng tôi sẽ phải kiểm tra y tế tại sân bay. Chúng tôi chấp nhận chuyện đó”, nam du khách nhớ lại. Để cẩn thận, hai vợ chồng đã kiểm tra thông tin trên trang web chính thức của hãng tàu nhằm tìm các lời khuyên khi bay tới Singapore. Họ không thấy có gì thay đổi và yên tâm.
Nối chuyến tại Singapore, hai du khách ở lại sân bay 5 tiếng để đợi, không đi ra ngoài tránh mọi rắc rối. Tuy nhiên, tới Perth lúc 5h30 và di chuyển ra cảng, cả hai được đưa vào phòng chờ với những hành khách khác. Bác sĩ sàng lọc và yêu cầu họ đánh dấu vào ô nếu đã qua Singapore.
Hai vợ chồng đều có kết quả kiểm tra y tế với nhiệt độ bình thường, không có triệu chứng cảm lạnh, ho nhưng vẫn không thể lên tàu do đã qua Singapore. Khi Steve hỏi về thông báo trước đó của tàu, nhân viên đáp lại: “Công ty đã thay đổi quy định”.
Tình hình trở nên tồi tệ hơn khi nhiệt độ ngoài trời lên 33 độ C. 120 hành khách khác giống vợ chồng du khách Anh, cũng không được lên tàu. Theo Steve, không có thuyền trưởng hay nhân viên cấp cao nào có mặt ở đó để hỗ trợ, chỉ có nhân viên cấp dưới – những người không biết chuyện gì đang xảy ra. Cuối cùng, hãng tàu đặt khách sạn cho những người không được lên boong.
Cách xử lý của hãng không thuyết phục được Steve. Theo ông, hãng tàu lo sợ hành khách đã qua Singapore có thể bị lây nhiễm Covid-19 nhưng vợ chồng Steve đã ở chung với hàng trăm hành khách khác – những người được lên tàu – gần một ngày. Bác sĩ cũng không đeo khẩu trang, dù tiếp xúc với những người có thể mang trong mình virus gây viêm phổi lạ. Những người này sau đó lại lên tàu.
Steve nói rằng cuối cùng ông cũng được hãng tàu gọi điện xin lỗi. Họ cho biết sẽ bồi hoàn cho hành khách. Dù vậy, Steve vẫn không đánh giá cao cách quản lý, làm việc của hãng. “Mọi người choáng váng. Một số người đi từ khắp nơi trên thế giới để đến đây. Họ ngồi đó, mệt mỏi và kiệt sức”, Steve nhớ lại.
Nhiều hành khách gửi lời cám ơn Steve vì ông đã đứng lên cố gắng đòi quyền lợi cho những người ở lại. Trên ảnh là những người không được lên tàu, và phải ngồi trong phòng chờ. Ảnh: Sun. |
Hiện tại, các khách hàng như Steve vẫn chờ được hoàn tiền. Hãng tàu chưa bình luận gì về sự việc. Trang web của hãng tuyên bố: “Sức khỏe và sự an toàn của khách, thủy thủ đoàn là vô cùng quan trọng. Chúng tôi tiếp tục theo dõi và đánh giá chặt chẽ tình hình Covid-19. Bất kỳ hành khách, thủy thủ đoàn đi qua hoặc từ Trung Quốc đại lục, Hong Kong, Macau trong vòng 14 ngày tính từ ngày lên tàu sẽ không được phép rời cảng”.
Theo hãng tàu, ngày càng có nhiều cảng tại Ấn Độ và Thái Bình Dương từ chối cho các tàu nhập cảnh nếu có hành khách đến từ Singapore, Đài Loan, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc và Malaysia (dù chỉ quá cảnh). Hành khách bay từ những nơi này trong vòng 14 ngày tính đến thời điểm lên tàu cũng bị từ chối do e ngại lây nhiễm virus.
Anh Minh (Theo Sun)
Nguồn: Vnexpress.net