Châu Âu lao đao vì vắng khách Trung Quốc

0
11
Một du khách đeo mặt nạ bảo vệ khi đi bộ phía trước tháp Eiffel, Paris vào 1/2, giữa mùa Covid-19 bùng phát. Ảnh: Reuters.

Trước một cửa hiệu Louis Vuitton tại Paris nay chỉ có 10 người đứng đợi, dù trước đây khách xếp hàng kéo dài cả dãy phố.

“Có khi còn ít khách hơn thế. Thông thường, hàng người xếp hàng đông hơn nhiều, trải dài khắp phía sau”, Yasmine Ben, người bán hàng tại một ki-ốt đối diện cửa hiệu Louis Vuitton, nói.

Đây là một điểm mua sắm yêu thích của khách Trung Quốc đến Pháp, nằm trong trung tâm thương mại Galeries Lafayette sầm uất ngay giữa lòng Paris. Hình ảnh những đoàn khách xếp hàng ở đó là minh chứng điển hình cho tác động ngày càng lớn từ Covid-19 đối với ngành du lịch tại Paris hay bất cứ nơi nào ở châu Âu. 

Lượng khách Trung Quốc sụt giảm rõ rệt từ khi Bắc Kinh cấm đưa khách đoàn ra nước ngoài vào 27/1. Bà Corinne Menegaux, giám đốc Cục Hội nghị và Khách du lịch Paris, cho biết khách Trung Quốc thường đi theo đoàn, lựa chọn khách sạn và cửa hàng mua sắm nhất định, nên một số doanh nghiệp đã bị thiệt hại nghiêm trọng. Tại một số cửa hàng miễn thuế và các doanh nghiệp khác, nơi khách Trung Quốc chiếm 80%, doanh số đã giảm mạnh.

Một du khách đeo mặt nạ bảo vệ khi đi bộ phía trước tháp Eiffel, Paris vào 1/2, giữa mùa Covid-19 bùng phát. Ảnh: Reuters.

Một du khách đeo khẩu trang bảo vệ khi đi bộ phía trước tháp Eiffel, Paris vào 1/2, giữa mùa Covid-19 bùng phát. Ảnh: Reuters.

Dijon, thành phố Pháp được khách Trung Quốc yêu thích thứ hai sau Paris, các nhà điều hành tour từ Trung Quốc đã hủy 3.000 phòng tại 40 khách sạn trong tháng 2. “Thật không may, không có khách du lịch nào đến nghỉ tại những cơ sở này”, Patrick Jacquier, chủ tịch UHIM tại Dijon, tập đoàn thương mại chính cho các khách sạn và nhà hàng, cho biết.

Dù còn quá sớm để định lượng chính xác, tác động kinh tế tiềm ẩn do Covid-19 hiển hiện gần như khắp châu Âu, đặc biệt là những ngành chuyên phục vụ thị trường Trung Quốc vốn đang phát triển. Cuối tuần qua, chính quyền Italy cân nhắc phân bổ ngân sách hỗ trợ những nhà điều hành tour đang bị thiệt hại nặng. “Đây là tình hình cấp bách, ngang với động đất”, Mattia Morandi, phát ngôn viên của Bộ Văn hóa và Du lịch Italy, nhận định.

Như vài quốc gia châu Âu khác, ngành du lịch Italy hưởng lợi lớn từ nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ của Trung Quốc trong hai thập niên qua. Vào năm 2000, ba năm trước khi dịch SARS lan khắp châu Á, khách Trung Quốc đã chi tiêu 10 tỷ USD khi ra nước ngoài, theo Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO). Đến năm 2018, con số này lên tới 277 tỷ USD.

Ngày 21/1, Dario Franceschini, Bộ trưởng Bộ Văn hóa và Du lịch Italy, cùng người đồng cấp Trung Quốc, Lạc Thụ Cương, khởi động chương trình xúc tiến giao lưu văn hóa và du lịch giữa hai nước trong một năm.

Họ thảo luận về kế hoạch dài liên quan đến tổ chức biểu diễn nghệ thuật, sản xuất phim và triển lãm. Nổi bật là một buổi trình diễn các tác phẩm điêu khắc La Mã cổ đại tại Bảo tàng Quốc gia Trung Quốc ở Bắc Kinh, và trưng bày một trong những chiến binh từ đội quân đất nung của Tần Thủy Hoàng tại Đại Cung điện Hoàng gia Reggia di Caserta.

Những đường bay thẳng giữa Italy và Trung Quốc được dự kiến tăng gấp ba trong năm nay, từ 56 lên 108 chuyến một tuần. Nhưng chỉ 10 ngày sau cuộc họp của hai bộ trưởng, Italy đã ngừng toàn bộ chuyến bay đến và từ Trung Quốc, khi dịch Covid-19 bùng phát, số ca tử vong không ngừng tăng tại quốc gia đông dân nhất thế giới.

Khu phố người Hoa tại London thường đông các đoàn khách Trung Quốc như gần đây luôn vắng vẻ. Ảnh: AFP

Khu phố người Hoa tại London thường đông các đoàn khách Trung Quốc nhưng gần đây luôn vắng vẻ. Ảnh: AFP

Ngày càng nhiều quốc gia hạn chế khách du lịch đến và từ Trung Quốc. Nỗi lo sợ ngày càng dấy lên khi ngày 15/2, châu Âu ghi nhận trường hợp tử vong đầu tiên vì Covid-19 (tại Pháp) là một khách Trung Quốc 80 tuổi. Tại vài nơi, Covid-19 còn tạo ra một hiệu ứng lo sợ cho cả du khách từ những quốc gia khác.

Tuần trước, Mobile World Congress, hội chợ thương mại truyền thông về di động lớn nhất thế giới dự kiến bắt đầu tại Barcelona, Tây Ban Nha vào 24/2, đã bị hủy bỏ. Bởi những thành viên tham gia rút lui vì lo ngại nguy cơ lây nhiễm virus.

Chính quyền Tây Ban Nha và ban tổ chức hội chợ nhấn mạnh rằng Barcelona đã chuẩn bị đầy đủ biện pháp phòng ngừa dịch bệnh, song danh sách báo hủy tham dự dài thêm mỗi ngày, gồm cả những ông lớn như Amazon, Intel và Facebook.

Đến nay, đây là sự kiện kinh doanh quan trọng nhất bên ngoài châu Á bị hủy bỏ vì Covid-19. Theo Ada Colau, thị trưởng Barcelona, hội nghị dự kiến thu hút hơn 100.000 du khách đến thành phố, doanh thu ước tính 500 triệu euro (hơn 541 triệu USD). Hội chợ đã được dự đoán tạo ra 14.000 việc làm tạm thời và cho phép các khách sạn đạt được công suất tối đa trong mùa thấp điểm.

Theo Cơ quan Du lịch Quốc gia của Anh, Visit Britain, khách Trung Quốc trung bình nghỉ lại 16 đêm cho mỗi lần lưu trú. Tại Oxfordshire, khách Trung Quốc đã biến mất gần như chỉ sau một đêm tại một cửa hàng đồ hiệu xa xỉ hàng đầu trong làng Bicester.

Tại Đức, nơi người Trung Quốc chiếm khoảng 3% du khách, các điểm đến yêu thích như Munich và Heidelberg ghi nhận tình trạng hủy tour theo đoàn và sụt giảm khách. Tại Füssen, gần lâu đài cổ tích Neuschwanstein, toàn bộ phòng do khách Trung Quốc đặt tại Park Hotel International đã bị hủy trong nửa đầu tháng 4.

Tại Áo, làng cổ Hallstatt, nơi người Trung Quốc yêu thích đến mức có cả một bản sao được xây dựng tại Quảng Đông, đang lâm vào cảnh vắng vẻ. “Trung Quốc là thị trường giá trị với chúng tôi. Họ chi tiêu mạnh cho mua sắm và thường nghỉ trong những khách sạn cao cấp. Chúng tôi hy vọng tình trạng này sẽ không kéo dài”, Gregor Gritzky, người đứng đầu Văn phòng du lịch địa phương, bày tỏ.

An An (Theo Straits Times)

Nguồn: Vnexpress.net