Ròng rã 9 năm, anh Peleg Cohen, người Israel, đã đi qua 96 quốc gia trên khắp các châu lục thế giới chỉ bằng cách đi nhờ xe và ở nhờ. Anh đang dừng chân thăm Việt Nam trong 1 tháng.
Peleg Cohen sinh năm 1983 tại Nahariyya, một thành phố của Israel, sau khi tốt nghiệp phổ thông, Peleg đã nhập ngũ, được điều động ra chiến trường tại dải Gaza trong khoảng 3 năm.
Sau khi rời quân đội, khác với nhiều thanh niên Israel đi du lịch trong vòng 6 tháng tại nhiều nước song Peleg đã đi liền trong 1 năm đến Nepal, Thái Lan, Lào, Australia, New Zealand… Khi về nước cũng là lúc chiến tranh giữa Israel với Liban nổ ra, anh lại xung quân ngũ trong 1 tháng.
Trải nghiệm ấn tượng
Sau khi rời quân đội, Peleg nảy sinh ý định đi du lịch vòng quanh thế giới và anh đi đến Bắc Mỹ, Trung Mỹ, rồi châu Âu, châu Phi, châu Á, trong 8 năm liên tục. Việt Nam đang là nước thứ 97 của Peleg.
Tự nhận mình là người “không được học hành, không có nhà cửa”, hành trang của Peleg chỉ là một chiếc ba lô đã sờn rách nặng 13 kg, Peleg cho biết, anh là người ăn chay, phần lớn di chuyển bằng cách đi nhờ xe và tá túc tại nhà bạn bè khắp nơi thế giới. Tính đến nay, anh đã ở nhờ tại hơn 100 gia đình trên trang Couch Surfing (ở trọ miễn phí) và được họ giới thiệu tới nhiều gia đình khác nữa trên khắp thế giới.
Peleg (ngồi sau) trên đường phố Thái Lan. Ảnh: NVCC |
Để kiếm tiền chi trả visa, ăn uống, anh dừng chân lại kiếm việc làm để có tiền đi tiếp như định cư ở Nam Phi trong 1 năm, ở Canada trong 6 tháng và Australia trong 4 tháng. Peleg làm đủ mọi nghề đơn giản như dọn tuyết, thiết kế vườn, phục vụ nhà hàng… Thậm chí qua nhiều quốc gia, anh tận dụng cơ hội để kinh doanh, như mang dầu làm tranh sơn dầu từ Trung Quốc sang Nam Phi, mang muối biển từ Israel đến bán ở nhiều đất nước khác, số tiền kiếm được dành dụm làm lộ phí trên đường.
“Bạn đi ra ngoài thế giới, bạn có thể quan sát thế giới và có nhiều cơ hội làm việc, ở nơi nào cũng có nhiều người tốt, sẵn sàng giúp đỡ bạn”, Peleg nói và cho biết ở nơi đâu anh cũng dễ dàng kết bạn, không chỉ trong cộng đồng người Do Thái trên khắp thế giới.
Anh nhớ mãi lần lần bị sốt trùng mò ở Ghana (Tây Phi) và bị ngất ở nhà trọ, may mắn là có người phát hiện và đưa anh đến bệnh viện. Sau 4 ngày ở viện, anh được một người bạn chưa quen trên trang Couch Surfing đưa về nhà chăm sóc. Anh bạn này sống cùng ông nội, gia đình họ rất nghèo song vẫn cố gắng chăm sóc Peleg đến khi anh khỏi ốm và đưa anh đi thăm khắp nơi, giới thiệu với bạn bè của họ.
Cũng như nhiều người Do Thái khác, Peleg Cohen cho biết, anh khó xin visa đến các nước Ảrập, Hồi giáo như Malaysia, Indonesia, Iran, Iraq… song anh nói “không được đi những nước này thì tôi đi nước khác”. Cứ thế Peleg đã đến 97 quốc gia, thích nhất là ở Nam Phi vì nước này có những thành phố đẹp, phong cảnh thiên nhiên hoang dã, con người thân thiện, chi phí ăn ở cũng rất rẻ. Ngoài ra, các nước Mông Cổ, Na Uy, Australia, New Zealand cũng là những nước mà anh yêu thích vì phong cảnh đẹp.
Đối mặt không ít nguy hiểm
Đi một mình ròng rã 9 năm, Peleg có rất nhiều trải nghiệm thú vị song cũng không ít rủi ro, nguy hiểm như khi ở đất nước Guinea (Tây Phi), anh đến Đại sứ quán Sierra Leone để xin visa và được yêu cầu để lại hộ chiếu tại Đại sứ quán. Tuy nhiên, trong khi thăm thú ở Guinea, anh đã bị cảnh sát bắt giữ vì không có hộ chiếu và bị tống giam. Trên người anh có một cuốn hộ chiếu cũ đã cắt góc dù chưa hết hạn nên cảnh sát nước này càng nghĩ rằng Peleg là tội phạm quốc tế bị truy nã hoặc tội phạm buôn bán vũ khí, Peleg cũng bị cảnh sát tịch thu điện thoại nên không thể liên lạc. Mãi sau, anh mới tìm được người ở sở cảnh sát biết chút ít tiếng Anh để liên lạc với Đại sứ quán, nhân viên sứ quán đã mang hộ chiếu đến giải cứu cho anh sau 1 ngày.
“Lúc đó tôi rất sợ song phải cố gắng bình tĩnh vì họ có thể bắn tôi bất cứ lúc nào. Lúc đó, tôi không la hét vì la lét có thể bị bắn sớm, tôi phải cố gắng khẳng định mình, thuyết phục họ tin tưởng”, Peleg nói.
Peleg trên sa mạc Gobi (Mông Cổ). Ảnh: NVCC |
Anh cũng kể những lần đi nhờ xe xuyên sa mạc qua biên giới Kenya (Đông Phi), nơi các xe tải thường xuyên bị bọn cướp chặn cướp hàng hóa và thủ tiêu người, hay tình cờ ngủ trọ trong một khu nhà thổ ở Guatemala (Trung Mỹ), nơi mà cảnh sát cho anh biết là thường xuyên có người bị bắn. Thậm chí, Peleg ngủ trên khoang tàu hàng thấp nhất trên chặn đường từ Siberia sang Nga trong 8 ngày, nơi mà chỉ có kẻ trộm, bọn ma cô cư ngụ.
Tuy nhiên, Peleg cho biết cũng từng được ở miễn phí trong căn hộ rất xa hoa của một tên trùm buôn lậu ma túy hay phòng khách giá 80 USD/đêm vì những người chủ khâm phục anh.
“Mỗi nơi, tính cách con người là như nhau, họ đều làm điều tốt hay điều xấu, song đến đâu bạn cứ nở nụ cười thì những tên trộm hay kẻ ác nhất cũng cởi mở với bạn, vì bạn không phải là mục tiêu của chúng”, Peleg chia sẻ.
Thoáng buồn khi đến Sapa
Rong ruổi qua nhiều quốc gia, Peleg cho biết anh chưa có ý định định cư lâu dài tại đâu, sau khi rời Việt Nam, anh sẽ đi Campuchia, Myanmar, Phillippine cho trọn vẹn 100 quốc gia, rồi sau đó mới tính chặng đường tiếp theo.
“Mong muốn của tôi là đi được khắp nơi trên thế giới, tôi muốn cổ vũ tinh thần du lịch trên thế giới vì nhiều người thích đi song không phải ai cũng có thể đi được”, Peleg nói.
Chàng trai người Do Thái cho biết, anh sẽ Việt Nam trong 1 tháng với hành trình Hà Nội, Sapa, Hạ Long, Hội An, TP HCM. Anh cũng ấn tượng với con người Việt Nam vì tính tình cởi mở, thân thiện, nhiều người sẵn sàng giúp đỡ anh dù họ không biết tiếng Anh. Peleg cũng thích đi bộ trên những con phố cổ được trang hoàng rực rỡ vào ngày Tết.
“Sapa rất đẹp với nhiều núi non chập chùng song tôi thoáng buồn khi gặp trẻ em đòi 1 USD khi thấy tôi định chụp 1 bức ảnh”, Peleg bày tỏ.
Peleg cũng cho biết, đa số thanh niên Israel đi ra thế giới trong 6 tháng, còn anh đang là người đến nhiều quốc gia nhất với thời gian dài nhất. Chia sẻ kinh nghiệm trên đường, Peleg cho rằng: “Bạn chỉ cần ước mơ, bản năng sống sẽ giúp bạn giải quyết các vấn đề khó khăn. Bạn có thể đọc nhiều cuốn sách về thế giới song không bằng những người trải nghiệm thực tế”.
Trang facebook mang tên Lonely Peleg của anh hiện có hơn 12.000 người theo dõi, được Peleg chia sẻ nhiều hình ảnh, kinh nghiệm trên mỗi chặng đường, anh cũng nhận được nhiều hỗ trợ của bạn bè cho hành trình của mình.
Đoàn Loan
Nguồn: Vnexpress.net