Chàng trai đi bộ xuyên Việt tiết lộ bí quyết thành công

0
13
Bức ảnh trên đèo Mã Pí Lèng, Hà Giang trong hành trình xuyên Việt của Nhật Hạ. Ảnh: NVCC

13 năm đi phượt, Hồ Nhật Hạ, 31 tuổi, nhận ra, chỉ cần có sức khỏe dẻo dai thì có thể chinh phục được mọi cung đường. 

“Phượt với Hạ là vừa đi, vừa cười nhưng đi phải đúng hướng, cười phải đúng nơi”, anh nói về kinh nghiệm đi bộ xuyên Việt 113 ngày từ Sài Gòn đến Hà Giang hồi tháng 10/2017 với hơn 2.300 km. Hạ khẳng định: “Đấy là chuyến đi để thử thách bản thân mình”.

Bức ảnh trên đèo Mã Pí Lèng, Hà Giang trong hành trình xuyên Việt của Nhật Hạ. Ảnh: NVCC

Bức ảnh trên đèo Mã Pí Lèng, Hà Giang trong hành trình xuyên Việt của Nhật Hạ. Ảnh: NVCC

Từ bé, anh thường cùng bạn leo lên núi, lên rừng. “Những lần bị ốm, chỉ cần leo một vòng là tôi tự nhiên khỏe ra, không cần uống thuốc. Chân thành vết chai rồi nên tôi không còn cảm giác nữa”, thầy giáo trẻ nói. 

Mọi người thường gọi Hạ là “Mr Walking” vì sở thích xê dịch của mình. “Ngoài công việc dạy nhạc tại thành phố, tôi còn đam mê khám phá những cung đường”, anh chia sẻ. Thời gian rảnh, anh thường đi phượt hoặc tổ chức các chương trình du lịch trải nghiệm cho mọi người.

Nhật Hạ thích đi phượt một mình để khám phá bản thân như hành trình Sài Gòn – Phú Yên, Tây Nguyên – Phú Yên, leo núi Bà Đen …. Phượt nhiều thành quen, mỗi chuyến đi của anh không mất nhiều thời gian chuẩn bị. Hành trang quan trọng nhất anh mang theo chính là sức khỏe.

“Giống như một chiếc xe cần xăng, đi phượt cần sức khỏe”, anh nói. Trong hành trình đi bộ Xuyên Việt, Hạ đã tập chạy bộ 24 ngày liên tục, đi bộ thử hành trình Sài Gòn – Bình Dương, tập leo núi trong đêm và ngủ lại để thích nghi với thời tiết lạnh.

Hạ còn có thói quen nhìn thẳng đường và tập đếm từ 1 đến 100 rồi đếm lại để chặng đường ngắn đi. “Nhiều lúc quên số nên phải đếm lại từ đầu”, Hạ cười. 

Ngoài địa hình, thời tiết cũng là nỗi sợ chung của những phượt thủ đường dài. Ở Sài Gòn, anh luôn tắm nước lạnh vào mỗi buổi sáng để thích nghi hơn khi đến vùng đất mới. Hạ nói. “Tôi chưa từng dùng một viên thuốc tây nào dù có cả một tủ thuốc trên vai. Chắc đi bộ nhiều nên sức đề kháng của tôi cao hơn người thường”.

Nhật Hạ luôn cười rạng rỡ trên mọi cung đường. Ảnh: NVCC

Nhật Hạ luôn cười rạng rỡ trên mọi cung đường. Ảnh: NVCC.

Khi đi phượt, kỹ năng sinh tồn là quan trọng nhất. Chia sẻ về vật dụng đi đường, Nhật Hạ tự hào khoe chiếc túi đồng hành cùng anh suốt 13 năm qua. Bên trong là quần áo, lương thực, thuốc và muối khoáng để phục hồi sức khỏe. Hạ cầm theo một chiếc đàn guitar để hát trên những chặng đường dài.

Một bí quyết khác của Nhật Hạ chính là nụ cười để kết nối với mọi người.” Nụ cười thay cho ngàn câu nói”, Hạ tự nhủ. Nhờ nụ cười mà Nhật Hạ tìm được chỗ nghỉ ngơi và ăn uống, nhất là chuyến đi xuyên Việt khi trong túi chỉ có 100.000 đồng.

Tuy nhiên, Hạ khuyên mọi người chỉ nên đi phượt khi đã chuẩn bị sẵn sàng sức khỏe và tâm thế. Anh cho rằng đi phượt cũng là cách giúp ta trưởng thành.

Thùy An

Nguồn: Vnexpress.net